Tác chiến điện tử trong chiến tranh hiện đại

Tác chiến điện tử (TCĐT) là các hành động quân sự liên quan đến việc sử dụng trường điện từ và các năng lượng có hướng để điều khiển phổ tần số hoặc tấn công đối phương.

Theo học thuyết quân sự Hoa Kỳ, bên nào kiểm soát được phổ tần số điện từ sẽ giành được lợi thế rất lớn trong mọi cuộc chiến. Trong chiến tranh hiện đại, hoạt động TCĐT diễn ra trên 6 chiến trường chính: Trên không, trên bộ, trên biển, vũ trụ, không gian mạng và trường điện từ.

Kiểm soát chiến trường thông qua trường điện từ

TCĐT là các hoạt động quân sự trên trường điện từ, bao gồm: 1- Liên lạc vô tuyến, để truyền nhận thông tin, dữ liệu, chỉ huy, điều khiển chiến trường trực tiếp, liên tục giữa nhiều lực lượng tác chiến các cấp. 2- Trinh sát radar, để phát hiện, theo dõi các mục tiêu của đối phương. 3- Trinh sát quang học và hồng ngoại cũng nhằm phát hiện, tình báo, theo dõi, phân tích mục tiêu. 4- Trinh sát và thông tin liên lạc vệ tinh. 5- Laser trên toàn bộ quang phổ và tấn công điện từ công suất lớn để gây nhiễu và tiêu diệt mục tiêu.

Hiệu quả của các hoạt động này ảnh hưởng lớn đến cục diện chiến trường. Vì vậy, hiện nay quân đội các nước luôn muốn kiểm soát không gian trường điện từ, hay phổ tần số, thông qua TCĐT. Trong chiến tranh hiện đại, vai trò của TCĐT tương ứng với 3 lĩnh vực chính TCĐT của ngành:

Một là, tấn công điện tử để ngăn chặn hoặc làm suy giảm khả năng hoạt động của đối phương, cụ thể như làm gián đoạn các đường thông tin liên lạc; vô hiệu hóa các khí tài trinh sát radar, quang học, vệ tinh, tạo ưu thế trước khi sử dụng các chiến thuật tấn công tiếp theo.

Tổ hợp trinh sát và gây nhiễu máy bay không người lái Rafael Drone Dome. Ảnh tư liệu

Trong xung đột vũ trang ở khu vực Donbas, miền Đông Ukraine (từ năm 2014 đến nay), rất nhiều khí tài TCĐT đã được sử dụng để tấn công, gây nhiễu cho phía quân đội Ukraine. Chúng làm cho quân đội Ukraine rất khó khăn vì không thể liên lạc, thậm chí không thể gọi điện thoại, hệ thống radar và định vị GPS cũng không thể hoạt động.

Tại chiến trường ở Syria, từ năm 2015, quân đội Nga đã sử dụng nhiều khí tài TCĐT để hỗ trợ quân Chính phủ Syria chống lại phe nổi dậy và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Hai là, bảo vệ điện tử để chống lại các mối đe dọa từ phía đối phương, đảm bảo an toàn cho các lực lượng. Những năm gần đây, phương tiện bay không người lái (UAV) quân sự đã tỏ rõ sự lợi hại và thay đổi bộ mặt chiến tranh hiện đại. Minh chứng rõ nhất là cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh năm 2020, nơi mà UAV cảm tử của Azerbaijan đã tấn công và gây thiệt hại rất lớn cho các lực lượng của Armenia, mang lại lợi thế áp đảo cho Azerbaijan chỉ sau thời gian ngắn. Các hệ thống TCĐT chính là một khắc tinh của UAV.

Các máy bay, tàu quân sự ngày nay đều trang bị hệ thống tự bảo vệ điện tử để giúp tránh được các nguy cơ bị tấn công hoặc trinh sát từ đối phương. Ví dụ, tàu khu trục USS Mason của hải quân Mỹ được trang bị các hệ thống trinh sát, gây nhiễu vô tuyến, các mồi bẫy hồng ngoại, mồi bẫy radar chủ động, thụ động kết hợp với các vũ khí hỏa lực. Điều này đã giúp tàu nhiều lần vô hiệu hóa được các cuộc tấn công bằng tên lửa của phiến quân Houthi bắn từ đất liền khi đang ở vùng biển ngoài khơi Yemen năm 2016.

Ba là, hỗ trợ tác chiến điện tử, trinh sát, tình báo, thu thập thông tin, theo dõi, phân tích trạng thái của đối phương, hiệp đồng với các thành phần khác nâng cao độ chính xác, hiệu quả trong tác chiến. Chiến tranh hiện đại có xu hướng sử dụng vũ khí chính xác cao, sát thương phạm vi hẹp, đúng đối tượng, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đối tượng không liên quan, đặc biệt là dân thường. Các hệ thống hỗ trợ TCĐT, đặc biệt là trinh sát vệ tinh đáp ứng rất tốt xu hướng này. Năm 2011, trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, Mỹ sử dụng các hình ảnh từ vệ tinh để xác định được chính xác khu nhà ở của đối tượng tại Pakistan, từ đó thực hiện tấn công chớp nhoáng, tiêu diệt trùm khủng bố trong thời gian ngắn mà không ảnh hưởng đến dân địa phương.

Yêu cầu cao về tính tương thích, linh hoạt, độ tin cậy

Một ví dụ khác ở quy mô tác chiến lớn hơn, là hệ thống cảnh báo sớm và kiểm soát trên không, có chức năng phát hiện máy bay, tàu, phương tiện đối phương ở tầm rất xa để cung cấp thông tin, phối hợp với các lực lượng khác cả phòng thủ và tấn công. Ưu điểm của hệ thống này là phạm vi bao phủ lớn hơn nhiều so với trinh sát từ mặt đất, giúp phát hiện sớm hành động của đối phương. Trong cuộc xung đột Ấn Độ và Pakistan (năm 2019), cả hai bên đều sử dụng máy bay AEW&C phối hợp với các máy bay chiến đấu khác.

Qua các cuộc chiến tranh gần đây cho thấy, TCĐT kết hợp với vũ khí công nghệ cao có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến tranh hiện đại, trở thành phương thức tác chiến chủ yếu, tác động trực tiếp đến thắng lợi. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nước ta (nếu xảy ra), đối phương sẽ sử dụng rộng rãi loại hình tác chiến này. Vì vậy, nâng cao năng lực TCĐT của Quân đội ta, đối phó với TCĐT của đối phương là yêu cầu rất cấp thiết, cần tập trung giải quyết đồng thời nhiều biện pháp.

Xét trên góc độ kỹ thuật, các khí tài TCĐT thường tồn tại ở dạng hệ thống có quy mô lớn, khi hoạt động sẽ phối hợp với nhiều khí tài khác để tác chiến, mang nhiều thông tin quan trọng về chiến trường. Vì vậy, các khí tài TCĐT có yêu cầu cao về tính tương thích, linh hoạt, độ tin cậy, an toàn thông tin. Trên cơ sở đó, cùng với việc tiếp nhận trang thiết bị hiện đại từ nước ngoài, nhu cầu tự nghiên cứu, sản xuất khí tài để trang bị nhằm nâng cao năng lực TCĐT trong nước là cần thiết, bảo đảm phù hợp nhất với chiến lược phát triển chung của toàn ngành, từng bước đưa Quân đội ta tiến lên hiện đại.

TIẾN HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tac-chien-dien-tu-trong-chien-tranh-hien-dai-674070