“Suốt đời không có điện” - chỉ là câu chuyện của dĩ vãng

Mới đây, ngành Điện lực Quảng Trị đã tổ chức lễ đóng điện tại xóm Chợ Cá và xóm Bến Huyện, thuộc thôn Trấm, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Niềm vui của người dân như vỡ òa, niềm khát khao về ánh điện đến cả sự không tưởng giờ đã trở thành hiện thực.

Nhà chị Huyện ở xóm Chợ Cá vừa mua sắm tủ lạnh, dàn karaoke.

Chị Nguyễn Thị Huyền ở xóm Chợ Cá thốt lên: “Suốt cuộc đời này tui nghĩ sẽ không bao giờ có điện”. Ý nghĩ của chị Huyền cũng thật có lý, bởi cả xóm Chợ Cá và xóm Bến Huyện đều ở cùng một phía bờ bắc sông Thạch Hãn, chỉ một nình nhà chị ở phía bờ nam sông lại vừa hẻo lánh. Giờ đây, suy nghĩ đó của chị Hương chỉ là câu chuyện của dĩ vãng.

Trong cái nắng oi ả rát cả da, từ thị xã Quảng Trị ngược lên phía tây, chúng tôi cùng anh Lê Tuấn Nguyên, Phó giám đốc Điện lực Triệu Phong có chuyến vi hành đến với xóm Chợ Cá và xóm Bến Huyện. Tiết trời khắc nghiệt là vậy nhưng đoàn chúng tôi ai ai cũng háo hức cho một chuyến đi đến vùng hẻo lánh này để được chứng kiến, được hòa vào niềm vui của người dân trước sự kiện có điện, một mơ ước mà trong tiềm thức của người dân nơi đây chưa bao giờ dám nghĩ đến.

Để đến được với xóm Chợ Cá và Bến Huyện chúng tôi phải di chuyển theo hai loại phương tiện giao thông. Từ Thị xã Quảng Trị lên đến đập Trấm đi bằng ôtô; từ đập Trấm lên đến xóm Chợ Cá đi bằng thuyền. Trên con thuyền nhỏ vừa chở đủ khoảng 7 người, thuyền lướt, chúng tôi thỏa thích ngắm cảnh thiên nhiên sông nước, đồi núi trùng trùng điệp điệp. Dù ở giữa mùa hạ hun hút của cái nắng gió Quảng Trị nhưng cây cối hai bên bờ sông Thạch Hãn xanh tươi ngút ngàn, những triền sắn kéo dài tít tắp dọc hai bời bờ sông sắp đến ngày bội thu, âu cũng là nhờ có nguồn nước mát lành của con sông.

Sau gần một giờ đồng hồ, anh Lê Văn Phương chủ đò chỉ tay về phía trước rồi nói: Đó là xóm Chợ Cá. Nhìn lên hai bên bờ chẳng thấy được ngôi nhà nào cả, chỉ thấy một đường điện hạ thế chạy len loi giữa rừng cây, cũng dễ hiểu thôi bởi nơi đây cây cối cao ngút đã che khuất nhà cửa của xóm làng. Cho thuyền cặp phía bờ nam, anh Phương dẫn chúng tôi đi thẳng lên một quả đồi để vào nhà chị Nguyễn Thị Huyền. Gặp chúng tôi, chị Huyền mừng vui khôn xiết, chị nói nói cười cười; với khuôn mặt đôn hậu ấy, chị không dấu được niềm vui khi nhà chị vừa có điện. Chị Phương tâm sự vợ chồng chị đều sinh ra và lớn lên tại thôn Quy Thiện, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng. Năm 1986, theo chương trình đi kinh tế mới, vợ chồng chị đã tình nguyện lên lập nghiệp ở xóm Chợ Cá, thôn Trấm. Do đi muộn hơn nhiều hộ khác nên 6 hộ lên trước ở phía bờ bắc, còn vợ chồng chị ở phía bờ nam. Cho đến nay, bờ nam xóm này vẫn chỉ duy nhất có nhà chị. Cuộc sống của chị cũng như nhiều gia đình khác trong vùng thật gian nan vất vả, tần tảo một nắng hai sương, nhất là đường đi lối lại thật khó khăn, đời sống tinh thần văn hóa thiếu thốn khôn cùng, hàng chục năm phải sống trong cảnh đèn dầu làm ánh sáng về đêm. Về mùa thu hoạch lạc, do tận dụng thu hoạch vào ban đêm vừa tránh được nắng nóng vừa tiết kiệm thời gian, mọi nhà phải dùng bằng đèn sạc, khi đèn hết pin phải chèo đò hàng cây số đến những nơi có điện để sạc nhờ… Cuộc sống tuy là vậy, nhưng nhờ đất đai nơi đây màu mỡ và rộng rãi nên đời sống của người dân ngày mỗi khấm khá lên. Những năm trở lại đây nhiều hộ có mức thu nhập 50-70 triệu đồng/năm từ trồng trọt, chăn nuôi. Giờ có điện rồi chắc chắn đời sống của người dân ở xóm Chợ Cá và Bến Huyện sẽ có những bước tiến dài hơn nữa, ở phía bờ nam chắc chắn sẽ phát triển thêm nhiều hộ gia đình, nhà chị Huyền sẽ không còn đơn độc giữa núi đồi.

Chia tay chị Huyền, đò chúng tôi xuôi về phía thượng nguồn sông Thạch Hãn, đi chừng khoảng gần 4 cây số đò cặp vào bờ bắc để đến với xóm Bến Huyện.

Anh Phương chủ đò dẫn chúng tôi vào thăm nhà anh Võ Xuân Đới. Vừa bước lên bờ chị Nguyễn Thị Mai Hương, cán bộ của Điện lực Triệu Phong reo lên: “Mọi người ơi nhìn kìa, chanh ở đây có nhiều quả thế”. Đi thêm một đoạn nữa là gặp một vườn chè xanh tươi, lá chè to trải rộng trên một vùng đồi. Thấy đoàn chúng tôi đang loay hoay làm thức ăn chuẩn bị cho bữa cơm trưa, anh Đới vội vàng nghỉ tay tiếp chuyện chúng tôi. Anh Đới cho biết gia đình anh lên đây từ năm 1985. Sau những năm tháng miệt mài lao động, anh cũng có hơn 5ha rừng trồng đã khai thác được vài lứa rồi, bên cạnh đó anh còn nuôi bò đàn khoảng 20 con… Bình quân mỗi năm gia đình anh thu về từ 30-40 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện tại ngôi nhà của anh vẫn còn tuềnh toàng. Anh Đới tâm sự: “Lâu nay chưa có điện nên mọi sinh hoạt trong gia đình gặp nhiều bất tiện, vì vậy gửi con cái về quê ở với người thân. Nay có điện rồi tới đây tui sẽ xây nhà kiên cố, những tháng hè đưa con lên đây ở cùng với với vợ chồng tui”.

Hành trình lên phía tây Triệu Thượng.

Thôn Trấm nằm về phía tây của xã Triệu Thượng được trải dài dọc sông đoạn thượng nguồn sông Thạch Hãn khoảng 8 cây số, nơi gần nhất với QL1A khoảng 10km, nơi xa nhất khoảng 18km. Thôn Trấm được thành lập từ năm 1975, gồm 5 xóm, trong đó có 3 xóm ở phía hạ nguồn, hai xóm còn lại đó là xóm Chợ Cá và xóm Bến Huyện nằm ở phía thượng nguồn sông Thạch Hãn và cách nhau từ 4-5km. Do nằm cách xa nhau và có địa hình phức tạp, nên mặc dù 3 xóm ở phía đông thôn Trấm đã có điện lưới quốc gia hơn 6 năm nay mà hai xóm ở phía tây đến nay mới có điện.

Anh Lê Thành Chung, cán bộ Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2014-2020 (Sở Công thương Quảng Trị) bộc bạch: Có chứng kiến việc thi công công trình điện đưa điện lên xóm Chợ Cá và xóm Bến Huyện mới thấu hiểu được những nhọc nhằn gian nan của đơn vị thực hiện. Do địa bàn hiểm trở nên mọi thứ phải vận chuyển bằng đường sông, nhất là vận chuyển cột điện. Mỗi ngày chỉ vận chuyển được 4 cột điện từ đập Trấm lên đến công trình, vì thế riêng vận chuyển cột điện phải mất gần 1 tháng trời. Muốn đưa cột điện vào tận chân công trình toàn bộ phải dùng bằng tời thủ công… Vì vậy hơn một năm rưỡi mới hoàn thành công trình. Khó khăn là vậy, nhưng đơn vị thi công hạ quyết tâm, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn trong các biện pháp thi công, đưa công trình hoàn thành đúng theo tiến độ.

Đường điện trung thế đưa điện lên phía tây Triệu Thượng.

Cảnh đèn dầu trong đêm hàng chục năm trời chỉ còn là ký ức của người dân xóm Chợ Cá và xóm Bến Huyện. Vùng đất vốn màu mỡ nay có điện chắc chắn rằng phía tây của của thôn Trấm sẽ xanh tươi trù phú hơn, số hộ lập nghiệp sẽ tiếp tục phát triển cùng với những mùa vàng từ trồng trọt, chăn nuôi… chắc chắn sẽ phong phú và đắp đầy hiện hữu.

Hữu Tiến

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/suot-doi-khong-co-dien-chi-la-cau-chuyen-cua-di-vang.html