Suối Tôn, ngày đang khác...

Mùa đông năm 2015, chúng tôi đã đến đó, bản Suối Tôn chênh vênh trên lưng chừng dốc núi. Gặp những đứa trẻ chân trần, phong phanh và vạ vật. Tôi đưa máy ảnh lên ngang mắt, nhất loạt chúng đều quay mặt bỏ chạy về phía sau những ngôi nhà bên đồi vắng. Chúng sợ người lạ.

Đường dẫn về Suối Tôn đã có những đập tràn vượt suối. Ảnh: Đỗ Đức

Ký ức buồn thương

Bản đồng bào Mông Suối Tôn, xã Phú Sơn (Quan Hóa) của gần 8 năm trước nghèo thăm thẳm, dát lên những mặt người khắc khổ, mơ hồ trên con đường đất gồ ghề sỏi đá. Trong những ngôi nhà tuềnh toàng, hở hang vách đất, chỉ thấy người già và lũ trẻ. Phía đồi nương khô khốc, lúa ngô héo úa vì thiếu nước. Mặc cho nơi đó có 4 con suối dẫn nước từ dãy Pù Luông hùng vĩ qua bản ra suối Ôn rồi mới nhập vào sông Mã quặn đỏ phù sa.

Từ lúc di cư từ phía Bắc về lập bản (năm 1998) họ có biết gì nhiều, ngoài gieo hạt lúa, hạt ngô xuống đám rẫy nơi sườn đồi, rồi chờ đợi chúng lớn lên bằng nắng và gió, được chăng hay chớ. Những em gái người Mông, chưa kịp lớn đã phải làm mẹ. Muộn lắm, 16 tuổi đã địu con lên nương. Qua ngày tra hạt, đặt những đứa trẻ lít nhít ở lại bản, lớn bé chúng nuôi nhau trong đói cơm rét áo, họ đeo gùi, lầm lũi trên cung đường mòn vào tận rẫy Pù Luông, nhặt nhạnh từ đọt măng, le, đến que củi, tổ ong rừng... mang về đắp đổi gạo ăn.

...“Nó lạ lắm, giấu giếm thứ gì đó trong người, đi ra phía rừng. Lúc đi còn vật vờ, ngáp ngáp, chỉ một lúc sau đã thấy khỏe vâm, vác cả cây luồng trên vai mang về. Người khác thấy thế thì tò mò, nên bản mình có thêm cái con nghiện. Từ năm 2017 đến nay, bản mình có vài chục con nghiện, gần 20 người phải đi tù, đi cai nghiện bắt buộc”...

Thanh niên trai tráng cũng vậy, 15 tuổi đã lấy vợ. Miễn là con gái Mông, khác họ, dù khoảng cách có xa đến mấy ngày đường, bao chàng trai ở bản này vẫn vượt hàng chục cây số đường rừng, lên tận Mường Lát, hoặc sang Sơn La tìm vợ. Tuổi 20, họ đã là bố mẹ của 3 đến 4 đứa trẻ phất phơ như cỏ dại. Nơi rừng xanh núi đỏ, sắn ngô không đủ no, chẳng may bố mẹ về trời, họ chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền của, mua trâu, bò, lợn, gà để làm ma. 5 đến 7 ngày quàn quấn thi thể trong áo quần vải vóc để trong nhà, lúc treo trên vách, khi đặt xuống nền, là chừng ấy thời gian tang chủ phải cúng trâu, bò, thể hiện lòng thành với người quá cố.

Vì nghèo, không ít đàn ông trai tráng đã sang huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, hoặc lên xã Mường Lý (Mường Lát) làm thuê kiếm tiền. Khi sự hiểu biết còn gói gọn trong bảng chữ cái đặt ở nơi đầy rẫy cám dỗ, nhiều trai tráng vạm vỡ đã bán mình cho “ả phù dung”. Trở về nhà, chẳng có bộ áo mới nào cho lũ trẻ, cũng chẳng có đồng tiền đưa cho vợ sau bao ngày xa cách làm lụng, họ có cục “hàng trắng”. Năm 2016, Suối Tôn oằn mình chịu thêm “cơn bão” ma túy càn qua.

Bí thư chi bộ bản Suối Tôn Giàng A Chu (sinh năm 1989) rầu rĩ: “Nó lạ lắm, giấu giếm thứ gì đó trong người, đi ra phía rừng. Lúc đi còn vật vờ, ngáp ngáp, chỉ một lúc sau đã thấy khỏe vâm, vác cả cây luồng trên vai mang về. Người khác thấy thế thì tò mò, nên bản mình có thêm cái con nghiện. Từ năm 2017 đến nay, bản mình có vài chục con nghiện, gần 20 người phải đi tù, đi cai nghiện bắt buộc”.

Từ Suối Tôn thanh bình yên ả bỗng chốc bất ổn, điêu tàn vì ma túy. Đám trẻ chẳng còn nghe theo thầy giáo đến trường học chữ, ở nhà trông em. Vì bố mẹ chúng bảo bận sang Sơn La lâu lâu mới về. Còn dân bản hở thứ gì bán được tiền thì mất thứ ấy. Từ nồi niêu, xoong chảo, váy áo phơi giăng, con gà trong chuồng,... hay cây luồng ngoài rừng đều bị trộm. Trộm cắp như ong...

Từ Suối Tôn thanh bình yên ả bỗng chốc bất ổn, điêu tàn vì ma túy. Đám trẻ chẳng còn nghe theo thầy giáo đến trường học chữ, ở nhà trông em. Vì bố mẹ chúng bảo bận sang Sơn La lâu lâu mới về. Còn dân bản hở thứ gì bán được tiền thì mất thứ ấy. Từ nồi niêu, xoong chảo, váy áo phơi giăng, con gà trong chuồng,... hay cây luồng ngoài rừng đều bị trộm. Trộm cắp như ong. Ban đầu chỉ mất lúc nửa đêm gà gáy, về sau mất trộm cả ban ngày. Ma túy còn đạp đổ bao mái ấm, đẩy những đứa trẻ vào chồng chất khổ đau khi bố mẹ chúng phải đi “trả án” phía sau song sắt nhà tù.

Vàng A Chúng (sinh năm 1990) vốn siêng năng có tiếng, được dân bản Suối Tôn gọi là đại gia vì đồi nương bát ngát, nhà cửa thênh thang, lại có 2 xe máy loại sang. Nhưng rồi từ khi bầu bạn với “tiên nâu”, “hàng trắng”, Chúng lần lượt bán ruộng nương, xe cộ, nhà cửa... để thỏa cơn phê. Khi không còn gì để bán, y nghĩ, chỉ đi buôn mới có tiền, có thuốc, nên sang Sơn La mua ma túy về bán cho trai bản. Rồi Chúng “nhập kho” vào mùa đông năm 2021, để lại người vợ 20 tuổi gồng gánh 4 đứa trẻ, không nhà không ruộng, phải bỏ vào Nam, bặt vô âm tín đến giờ.

Câu chuyện về cặp “vợ chồng ma túy” Vàng A Trọng (sinh năm 1989) và Thào Thị Dung (sinh năm 1994) cũng là một nỗi buồn thê thảm. Cũng vì thử “cảm giác lạ”, vợ chồng Trọng nghiện lúc nào không hay. Đồ đạc, của nả trong nhà cứ thế mà “đội nón ra đi” theo làn khói trắng. Về sau Trọng mua ma túy về bản, vừa dùng vừa bán. Kết cục không khác, y cũng phải từ giã bản Mông đi “bóc lịch” trong “nhà đá”, bỏ lại 6 đứa con ở nhà với ông bà nội tuổi đã như cái lá héo ngoài rừng. Còn Thào Thị Dung cũng tăm tăm biền biệt từ đó. Người bản nói chị đi làm công ty, lâu lắm chưa thấy về...

Ngày đang khác

Ngày ấy, biết làm ma tốn kém, lại mất vệ sinh, nhưng không ai dám tự mình vượt qua rào cản. Bởi không làm thế, cả bản trách tội bất hiếu, bị xa lánh, bị con ma bắt về trời. Lại càng không ai dám tố giác tội phạm ma túy, sợ bị trả thù. Cứ thế họ bị ràng rịt trong đói nghèo. Cái nghèo hắt ra từ tập quán sản xuất, hủ tục lạc hậu và cả tư tưởng trông chờ ỷ lại.

Nhiều hộ gia đình ở Suối Tôn đã có máy xát mini. Ảnh: Đỗ Đức

Và rồi, Kết luận số 684-KL/TU, ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông, giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Kết luận 684 - PV) ra đời, đã mở hướng đi tươi sáng cho người dân bản Suối Tôn. “Trong kết luận, Đảng không trực tiếp cho bản mình đồng tiền, nhưng đã hướng dẫn, giúp đỡ người Mông chúng mình xóa đi cái suy nghĩ lạc hậu, làm sáng cái đầu để làm ăn khấm khá. Cán bộ công an, quân sự, bộ đội biên phòng cùng về giúp dân bản xóa bỏ nạn ma túy. Nhờ đó mà bản mình mới khác được”, Bí thư Giàng A Chu thở phào.

Kết luận 684 là một chủ trương đúng, trúng, kịp thời, nhưng việc triển khai thực hiện lại là cả một câu chuyện dài đằng đẵng gian nan. Mà việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, làm hạt nhân trong mọi phong trào của bản đã là một thử thách lớn. Bởi thanh niên Suối Tôn, mới thuộc bảng chữ cái đã tảo hôn, tìm đâu ra nguồn phát triển Đảng. Rồi chuyện tìm cách để thay đổi hủ tục lạc hậu trong tổ chức tang ma, xóa bỏ hôn nhân cận huyết, chuyện thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong người dân để phát triển kinh tế...

Lãnh đạo huyện Quan Hóa thăm hỏi tình hình đời sống, lao động sản xuất của người dân bản Suối Tôn. Ảnh Đỗ Lưu

Tìm được “nút thắt”, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Hóa đã huy động các ban xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện, nòng cốt là Ban Dân vận Huyện ủy trực tiếp vào Suối Tôn, đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tập tục lạc hậu, tập huấn kiến thức, cầm tay chỉ việc giúp người dân thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ. Đích thân Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hà Văn Thủy cũng bao lần vượt suối băng rừng, chật vật trên cung đường gồ ghề đá núi về sinh hoạt cùng chi bộ, trực tiếp lãnh đạo việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đủ sức dẫn dắt người dân Suối Tôn xây dựng bản ngày càng ấm no, an toàn. Đảng ủy xã Phú Sơn cũng tăng cường thêm 2 đảng ủy viên phụ trách chi bộ, 4 công chức về bám bản, giúp đỡ người dân...

Bí thư Giàng A Chu bộc bạch: “Thấy cán bộ nhiệt tình về giúp, chúng mình nể lắm. Năm 2022, chi bộ đã bàn bạc thống nhất xây dựng, rồi tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hương ước của bản. Trong đó, quy định đám ma không tổ chức quá 24 tiếng đồng hồ và người chết phải được đưa vào quan tài, không tổ chức ăn uống linh đình. Nhà nào có người mất, dân bản đóng góp mỗi hộ 100 nghìn đồng và 1 bó củi giúp tang chủ làm ma. Trai gái kết hôn phải đủ tuổi theo quy định, cấm hôn nhân cận huyết và xóa bỏ suy nghĩ người Mông phải lấy người Mông... Ban đầu chả mấy người thích, nhưng giờ thấy lợi, thấy đúng, dân bản làm theo hết cả rồi!”.

Trẻ em bản Suối Tôn đã được đến trường trên con đường bê tông sạch đẹp. Ảnh: Đỗ Đức

Ngày đang khác. Suối Tôn biệt lập đã được nối với trung tâm xã bằng con đường bê tông dài hơn 10 cây số. Phía ngoài những căn nhà mái tranh vách gỗ, giờ đã xanh tươi của luồng, cây gai xanh, lạc... Những chiếc máy cày, máy bừa, máy xát mini cũng đã được đưa về, phục vụ đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người dân.

Bí thư Chu nói thêm: “Đối tượng cuối cùng mua bán, tàng trữ trái phép ma túy trong bản - Sùng Thị Nhìa vừa bị bắt đi quy án. Bản mình giờ không còn lo nạn trộm cắp nữa. Chúng mình chỉ phải lo phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái học hành thôi”.

Rồi nay mai...

Mùa A Dơ (sinh năm 2003) nhớ như in kỷ niệm về ngày 2/10, khi được tuyên thệ dưới cờ Đảng, được tận tay Phó Bí thư Huyện ủy trao quyết định kết nạp đảng viên. Dơ cười: “Mình vui và hồi hộp lắm. Cái tim mình đập nhanh như không thở được. Mình sẽ cố gắng nhiều hơn để giúp dân, giúp bản giàu lên”. Mùa A Dơ là đảng viên mới tinh sau 11 năm của chi bộ Suối Tôn.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Hóa Hà Văn Thủy trao quyết định, tặng hoa chúc mừng đảng viên mới Mùa A Dơ. Ảnh Đỗ Lưu

Ở đây, Dơ là “hàng hiếm”, học hết lớp 9, không làm theo đám thanh niên trong bản lấy vợ sớm. Không học THPT, nhưng anh tìm tòi học hỏi kiến thức qua tivi, mạng internet, rồi cần cù làm lụng, tích cóp tiền của, đầu năm nay mới cưới vợ khi 20 tuổi. Nói được, làm được, Dơ được người Mông trong bản nghe theo. Và anh đã vận động họ làm mô hình kinh tế mới, xóa bỏ hủ tục trong tang ma, hôn nhân cận huyết thống... Kể cả vợ chồng anh cũng tiên phong nghe theo cán bộ, chăn nuôi tập trung với hơn 30 con lợn, 50 con gà, cải tạo khu đồi sỏi đá để trồng hơn 1 ha cây gai xanh. Tuổi đời còn trẻ, nhưng căn nhà của vợ chồng Dơ đã thuộc diện khang trang của bản, có tivi, máy xát mini. Dơ nói với tôi: “Mình sẽ không sinh nhiều con đâu. Hai đến ba đứa thôi. Đẻ nhiều lấy gì mà nuôi. Mình phải gương mẫu để mọi người tin theo”.

Mùa đang chín. Nương lúa vàng ươm quanh sườn đồi trong hanh hao nắng. Tôi kịp nhận ra trong những phụ nữ đang thoăn thoắt đôi tay gặt bông vàng có cả phụ nữ Mường mới theo trai Mông về bản Suối Tôn làm vợ. Họ trò chuyện bằng tiếng Kinh, rồi cười râm ran như uốn cong thêm những bông lúa trĩu hạt.

Niềm vui của cặp vợ chồng trẻ trên bản Suối Tôn. Ảnh: Đỗ Đức

Ven con đường bê tông uốn lượn vừa được đầu tư xây dựng quanh bản, những khóm hoa đã nở, khoe sắc trong tiếng nô đùa của đám trẻ giờ tan trường. Phía sau tôi, bản Suối Tôn, nơi hằn in đói nghèo, lạc hậu, dấu của “cái chết trắng”, nay đang được phủ bởi màu sự sống, xanh bao la trong những nụ cười... Và tôi tin, đã có chủ trương đúng, trúng, có cách làm hay, những Giàng A Chu, Mùa A Dơ, cùng những đảng viên người Mông, Suối Tôn sẽ còn thêm khác...

Ghi chép của Đỗ Đức

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/suoi-ton-ngay-dang-khac/198507.htm