Sức trẻ nơi đất khó

Sinh ra nơi vùng cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, lớn lên cùng sỏi đá và những bữa cơm đạm bạc, lắm khi chưa đủ no, nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số (DTTS) ở các huyện miền núi Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn vẫn quyết tâm bám trụ quê hương, mạnh dạn khởi nghiệp, lập nghiệp, vượt lên gian khó để làm giàu cho gia đình, quê hương.

Bám đất làm giàu

Vòng vèo trên những con đường nội đồng nhỏ lởm chởm đá sỏi giữa mênh mông bốn bề đồng ruộng và núi đồi, chúng tôi tìm đến được trang trại của anh Nguyễn Văn Thoại ở khu Tâm Bưởi, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập. Rộng hơn 6ha, trang trại của anh được phân chia thành từng khu riêng biệt. Đồi dốc trồng thanh long ruột đỏ, khu đất bằng trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam, mít Thái, dưới khu đầm trũng làm ao nuôi ốc nhồi và cá thương phẩm. Bốn bề trang trại cây cối xanh tốt, hương bưởi thơm thoang thoảng hòa trong hương đồng rừng trong lành, mát dịu.

Trang trại của anh Thoại hiện có trên 400 gốc bưởi Diễn, bưởi da xanh.

Sinh năm 1989, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Hùng Vương (Hà Nội), sau nhiều trăn trở, suy nghĩ, chàng trai dân tộc Mường quyết định không ở lại Thủ đô để tìm kiếm cơ hội mưu sinh mà chọn trở về quê hương - nơi cái nghèo, cái khó còn đeo bám. Bắt tay vào hiện thực hóa khát vọng làm giàu trên mảnh đất mà ông bà, cha mẹ mình đã khai hoang, phục hóa, năm 2014, anh Thoại đầu tư cải tạo, san lấp mặt bằng để trồng 200 gốc bưởi Diễn. Vừa học hỏi vừa xắn tay làm, thấy có hiệu quả kinh tế, cùng với sự hỗ trợ của Đoàn thanh niên xã Đồng Thịnh, anh Thoại vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để cải tạo mô hình trồng bưởi và đầu tư thêm 200 gốc bưởi Diễn, bưởi da xanh, 100 gốc thanh long ruột đỏ, trồng xen canh hơn 200 cây mít Thái và cam, 4ha cây keo để tăng thu nhập. Bản tính cần cù, chịu khó, không cho đất nghỉ, không ngừng đôi tay, năm 2017, anh Thoại bắt tay vào cải tạo khu đầm lầy phía trước, đào đắp khoanh vùng để nuôi thêm gần 0,3ha ốc nhồi và 0,36ha cá thương phẩm. Ngày nối ngày, anh thanh niên người Mường miệt mài bám vườn, bám ao. Vất vả vô kể, gian nan không ít nhưng vui vì những giọt mồ hôi đổ xuống đã kết thành trái ngọt. Đến nay, trang trại của anh Thoại mang lại thu nhập ổn định cho gia đình từ 200- 250 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi ốc nhồi và cá thương phẩm của anh Thoại mang lại thu nhập ổn định hàng năm.

“Vượt qua những khó khăn về giao thương, điều kiện kinh tế, tư tưởng, tập quán canh tác... để thay đổi tư duy, khởi nghiệp đối với thanh niên đồng bào DTTS như chúng tôi là điều không dễ dàng. Nhưng không đâu bằng quê hương, bản quán mình, chúng tôi luôn muốn tìm tòi, học hỏi để lập nghiệp trên mảnh đất ông cha với quyết tâm thay đổi cuộc sống. Những năm tiếp theo, tôi dự định đầu tư thêm mô hình chăn nuôi dê, lợn rừng và mở rộng diện tích cây ăn quả để nâng cao thu nhập, góp sức làm giàu cho quê hương” - Anh Thoại chia sẻ.

Chân đi ủng, quần lấm lem, tất bật nấu thức ăn cho lợn, gà, cắt cỏ cho trâu, bò, thái rau cho ếch... nếu không đến thăm nhà và tận mắt thấy những công việc này, chẳng ai nghĩ một người phụ nữ với dáng người mảnh khảnh như chị Sa Ánh Nguyệt (khu Quyền 2, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn) lại... khỏe đến thế. Thay vì chọn làm công ăn lương, nữ Bí thư Chi đoàn năng nổ, nhiệt tình của khu Quyền 2 quyết định đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi sau khi được tham quan, học hỏi từ mô hình của nhiều thanh niên làm kinh tế giỏi trong và ngoài huyện.

Nhận thấy điều kiện tự nhiên quê mình có nhiều thuận lợi về diện tích đất, nguồn nước, nguồn thức ăn... đồng thời được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua Đoàn thanh niên xã nhận ủy thác, chị Nguyệt đầu tư nuôi lợn lửng, gà chọi và chăm sóc rừng cây gỗ lớn.

Có của ăn của để từ bán lợn, gà, chị trả hết nợ gốc, lãi và đầu tư nuôi thêm 2.000 con cá trê, 100 con gà cựa, vịt suối, đặc biệt là đầu tư mô hình “ếch trên, cá dưới” - nuôi ếch bằng lồng lưới trên mặt ao kết hợp nuôi cá dưới ao mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao.

“Sau một thời gian “cắp cặp” đi học hỏi, tìm hiểu thực tế, tôi quyết định nuôi thêm khoảng gần 5.000 con ếch trên ao nuôi cá của gia đình. Ba tháng nuôi là thu được ếch thương phẩm, tôi xuất bán cho thương lái, liên kết với nhà hàng, quán ăn với giá từ 80.000 - 90.000đồng/kg. Như vậy, nếu một năm nuôi từ 2-3 lứa ếch với đầu ra ổn định, trừ chi phí có thể thu lãi vài chục đến gần 100 triệu đồng” - Chị Nguyệt chia sẻ.

Mô hình “ếch trên, cá dưới” của chị Sa Ánh Nguyệt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Luôn chân luôn tay, đầu tắt mặt tối nên mỗi ngày của nữ thanh niên Mường sinh năm 1992 thường bắt đầu từ tờ mờ sáng cho đến tối mịt. Chẳng vậy mà trong lần tay bắt mặt mừng gặp lại chị tại Lễ tuyên dương, khen thưởng những tấm gương đoàn viên thanh niên DTTS khởi nghiệp thành công năm 2023 do Tỉnh đoàn tổ chức hồi tháng 10/2023 tại TP Việt Trì, tôi tròn mắt ngạc nhiên khi biết vì phải thu xếp xong xuôi việc trang trại, không thể đi ô tô cùng anh chị em nên 5 giờ chiều chị mới tất tả, khăn gói một mình đi xe máy từ Kim Thượng ra Việt Trì. 9 giờ tối nhận khen thưởng xong, chị lại một mình về Kim Thượng để hôm sau kịp bắt cá, giao gà cho khách.

Tiếp lửa khởi nghiệp

Anh Nguyễn Văn Thoại và chị Sa Ánh Nguyệt là hai trong số 15 tấm gương thanh niên DTTS khởi nghiệp thành công được Tỉnh đoàn tuyên dương, khen thưởng trong chương trình “Ngày hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp gắn kết du lịch địa phương và tuyên dương đoàn viên thanh niên DTTS khởi nghiệp thành công năm 2023”.

Ngày hội đã trưng bày, giới thiệu 16 gian hàng sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương với gần 100 mô hình phát triển kinh tế, khởi nghiệp sáng tạo của đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh và biểu dương, khen thưởng 15 đoàn viên thanh niên DTTS khởi nghiệp thành công.

Đây đều là chủ nhân của những mô hình kinh tế hiệu quả với cách làm sáng tạo, đột phá trong phát triển sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập từ 100 triệu đến hàng tỉ đồng mỗi năm. Bằng sức trẻ, nghị lực và khát khao lập thân, lập nghiệp, nhiều thanh niên DTTS đã mạnh dạn vượt qua nhiều rào cản để bước về phía trước, tự tạo dựng các mô hình hiệu quả kinh tế cao trên chính nơi mình sinh ra, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế tại địa phương.

15 tấm gương đoàn viên, thanh niên DTTS khởi nghiệp thành công được Tỉnh đoàn tuyên dương, khen thưởng tại Ngày hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp gắn kết du lịch địa phương.

Tích cực đồng hành, hỗ trợ thanh niên DTTS khởi nghiệp, lập nghiệp, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn, Hội trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đa dạng hóa các hoạt động “tiếp lửa”, tiếp sức như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích xây dựng phong trào khởi nghiệp; phối hợp định hướng nghề, đào tạo nghề gắn với hỗ trợ chuyển giao kiến thức khoa học công nghệ; hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, Trung ương Đoàn xây dựng cơ chế, chính sách linh động trong việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; tăng cường hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế; tổ chức các ngày hội, cuộc thi về khởi nghiệp; tuyên dương khen thưởng những tấm gương thanh niên DTTS khởi nghiệp thành công... Năm 2023, các cấp bộ Đoàn, Hội trên địa bàn tỉnh đã tổ chức truyền thông tư vấn, định hướng và giới thiệu việc làm cho 21.500 đoàn viên thanh niên, trong đó có hơn 5.000 đoàn viên thanh niên là người DTTS.

Triển khai có hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm của kênh Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (nguồn vốn 120), đến hết tháng 9/2023, Tỉnh đoàn Phú Thọ quản lý 35 dự án vay vốn với tổng dư nợ trên 3,2 tỉ đồng. Trong đó có 20 dự án cho vay theo người lao động với tổng số vốn 1,5 tỉ đồng, bao gồm 4 dự án của thanh niên người DTTS đã giải quyết việc làm cho 84 lao động, trong đó có 27 thanh niên người DTTS.

Đối với nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng CSXH, tính đến hết tháng 9/2023, Ngân hàng CSXH tỉnh đã ký hợp đồng với tổ chức Đoàn thanh niên các cấp nhận ủy thác vốn vay với tổng dư nợ đạt trên 1.218 tỉ đồng cho 23.730 chủ thể vay vốn, trong đó có hơn 800 chủ thể là thanh niên người DTTS. Từ nguồn vốn vay hỗ trợ của Đoàn thanh niên, nhiều đoàn viên thanh niên DTTS đã mạnh dạn xây dựng, mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Kỳ - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh cho biết: “Để khuyến khích hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp trong thanh niên người DTTS nói riêng, thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, diễn đàn nâng cao nhận thức của thanh niên về sự cần thiết của khởi nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua các chương trình, hoạt động Đoàn thanh niên tại địa phương; tổ chức đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm một số mô hình điểm của thanh niên khởi nghiệp thành công trên địa bàn, từ đó nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả; thành lập các nhóm, CLB khởi nghiệp các cấp, từ cấp xã/phường nhằm hỗ trợ thanh niên kiến thức về khởi nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể.

Cùng với đó, Tỉnh đoàn tiếp tục phối hợp với các Viện nghiên cứu, Ban dân tộc tỉnh, Phòng dân tộc các huyện, thị, thành, các trường đại học trên địa bàn hỗ trợ thanh niên DTTS có ý tưởng khởi nghiệp về kiến thức quản lý, kỹ thuật sản xuất kinh doanh, tư vấn hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tích cực hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ xây dựng một số mô hình khởi nghiệp cho thanh niên DTTS thí điểm tại các huyện miền núi theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Qua đó, khuyến khích đoàn viên thanh niên DTTS phát huy sức sáng tạo, tinh thần học hỏi, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong thanh niên DTTS dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có của địa phương, vươn lên làm giàu chính đáng, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế tại địa phương, để khởi nghiệp, lập nghiệp không chỉ là phong trào mà còn trở nên bền vững”.

Cẩm Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/suc-tre-noi-dat-kho/208478.htm