Sức sống mới trên vùng cao Tà Lu

Về với Tà Lu hôm nay, ai cũng cảm nhận rõ sự đổi thay của đời sống đồng dân tộc Cơ Tu. Tà Lu đã khoác lên mình một diện mạo mới, một sức sống mới từ điện - đường - trường - trạm, nước sinh hoạt cho đến chất lượng cuộc sống của người dân…

Sân chơi được sửa chữa giúp trẻ em xã vùng cao Tà Lu có điều kiện vui chơi thể thao. (Ảnh: Hồng Hạnh)

Tà Lu là xã vùng cao của huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Trước đây, cuộc sống của bà con nơi đây vô cùng khó khăn, chủ yếu nhờ vào làm rẫy phụ thuộc thiên nhiên nên lương thực không đủ ăn, đường sá không thuận tiện đi lại vất vả.

Trước đây, Tà Lu có 4 thôn: Pà Nai 1, Pà Nai 2, thôn A Réh và thôn ĐhRồng. Thực hiện chủ trương sát nhập đơn vị hành chính, hiện Tà Lu thành lập mới còn lại hai thôn: Pà Nai và thôn A Réh-ĐhRồng.

Từ khi chưa thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, Tà Lu đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng nông thôn mới. Phong trào đã thu hút sự hưởng ứng tham gia của đông đảo nhân dân trong việc chung sức xây dựng nông thôn mới.

Diện mạo của xã Tà Lu có nhiều đổi thay, từ điện - đường - trường - trạm, nước sinh hoạt cho đến chất lượng cuộc sống của người dân. Đường sá trong các thôn của xã được bê tông hóa, sạch đẹp. Hệ thống trường học các cấp được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của con em. Trạm y tế xã xây mới là nơi để bà con đến khám chữa bệnh mỗi khi đau ốm. Nhà cửa của đại bộ phận đồng bào dân tộc Cơ Tu kiên cố, khang trang hơn.

Hệ thống loa truyền thanh không dây được lắp đầy đủ, nước sạch được xây tại các khu vực dân cư thuộc các Tổ Đoàn kết để phục cho đời sống của người dân. 95% các hộ trong xã được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách pháp luật của nhà nước; 70% đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; trên 90% được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm bình quân hàng năm từ từ 5 – 7%. Từ một xã đặc biệt khó khăn, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, Tà Lu đang khởi sắc từng ngày.

Ngồi trong ngôi nhà mái ngói khang khang, sau khi mời chúng tôi uống cùng ly trà, nhắc về cuộc sống khó khăn trước kia và cảm nhận cuộc sống hôm nay mà người dân Cơ Tu vùng cao Tà Lu có được, anh Alăng Thân - Người có uy tín thôn A Réh-ĐhRồng, xúc động cho biết: Từ đói ăn, thiếu mặc, cuộc sống khó khăn, giờ đây bà con không còn lo cảnh thiếu đói, kinh tế gia đình ngày càng phát triển, có của ăn của để, con cái được học hành đầy đủ, có sân thể thao để trẻ nhỏ vui chơi. Đó là nhờ Đảng, Nhà nước đã quan tâm, đầu tư và chỉ cách làm ăn cho bà con Cơ Tu.

Với vai trò Người có uy tín, anh Alăng Thân còn vận động bà con trong thôn góp công, góp tiền sửa chữa lại Gươl (ngôi nhà làng truyền thống) và sửa chữa lại sân bóng chuyền. Nhờ đó, bà con Cơ Tu trong thôn có chỗ sinh hoạt, hội họp, trẻ em trong thôn có điều kiện vui chơi thể thao. Đội múa cồng chiêng thường xuyên được duy trì và truyền lại cho thế hệ trẻ. Một số ngành nghề thủ công truyền thống, như đan lát, dệt vải… đang mở ra cơ hội cho người Cơ Tu thôn Aréh - ĐhRồng ở đây phát triển kinh tế gia đình.

Bà con ở Tà Lu được dùng nước sạch do Nhà nước đầu tư. (Ảnh: Hồng Hạnh)

Già làng Cơ Tu - Pơlong Pấc ở thôn A Réh-ĐhRồng chia sẻ: Cách đây 10 năm, nếu ai đó có dịp lên với vùng cao Tà Lu đều cảm nhận hết được những khó khăn nơi đây. Từ khi thực hiện Chương trình 135 và các chính sách khác của Nhà nước, huyện Đông Giang đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cây con giống cho người dân phát triển kinh tế ổn định đời sống. Giờ đây, ở Tà Lu đã có nhiều hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu có cuộc sống ổn định, hàng năm có thu nhập hàng trăm triệu đồng, từng bước vươn lên thoát nghèo, trở thành gương sáng cộng đồng vùng cao.

Tiêu biểu như hộ gia đình anh Bh’nướch Hùng (Tổ Đoàn kết Pà Nai), có hơn 2ha keo và nuôi 6 con heo rừng lai giống và hơn 10 heo rừng lai lấy thịt, mỗi năm cho thu thu nhập trên 250 triệu đồng. Hay như hộ gia đình chị Zơrâm Thị Hằng (Tổ Đoàn kết Aréh - ĐhRồng) với mô hình trồng rau cải sạch, hằng ngày cung cấp cho chợ huyện và các vùng phụ cận hơn 50kg, gia đình chị có thu nhập ổn định, năm 2022 đã thoát nghèo.

Theo anh Pling Trao - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Lu, về cơ cơ bản để có sự thay đổi như hôm nay, mỗi năm huyện Đông Giang và các cấp ngành luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đời sống của người dân Tà Lu. Tuy nhiên, để bắt kịp với các xã trong huyện thì trong thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho địa phương nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư các mô hình kinh tế phù hợp để người dân áp dụng, phát triển kinh tế.

Hồng Hạnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/suc-song-moi-tren-vung-cao-ta-lu-252669.html