Sức sống mới ở Sam Lang

Bản Sam Lang, xã biên giới Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên từng là một nơi xa xôi, cách trở không có đường, không có điện, không có cầu treo. Nhưng nhờ được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Sam Lang hôm nay đã thay da đổi thịt, đem đến một cuộc sống mới cho đồng bào dân tộc Mông nơi đây.

Một đoạn đường về Sam Lang những năm trước đây. Ảnh: Đỗ Thành Trung

Một đoạn đường về Sam Lang những năm trước đây. Ảnh: Đỗ Thành Trung

Sam Lang trong ký ức

Trước tháng 5/2014, mặc dù chỉ cách trung tâm xã Nà Hỳ hơn chục cây số, nhưng bản Sam Lang như một thế giới tách biệt. Mùa khô thì dân bản còn năng xuống chợ xã để mua sắm, buôn bán. Mùa mưa đến thì bản bị cô lập, bởi con đường dân sinh vào bản có nhiều đoạn đã bị con suối dâng lên ngập hết đường. Nghĩ lại hồi còn khó khăn, vất vả vì đường giao thông đi lại, anh Vàng A Khoa, Trưởng bản Sam Lang kể: “9 năm trước đây, khi đó, tôi đang làm công an viên ở bản, đường đi lại khó khăn, vất vả lắm, trời nắng, đường khô ráo còn đi xe máy ra xã được, chứ trời mưa, mùa lũ về thì đi bộ còn nhanh hơn đi xe máy”.

Cũng bởi những khó khăn như thế mà dân bản chỉ quanh năm quanh quẩn bên nương rẫy, ít khi ra bên ngoài giao lưu, mở mang kiến thức. Vào mỗi dịp đầu năm học, thời điểm cuối mùa mưa lũ, các thầy cô giáo phải chui vào túi bóng vượt suối để đến từng nhà vận động học sinh ra lớp chuẩn bị cho một năm học mới. Sam Lang lúc bấy giờ đường không có, điện không có, cầu treo vượt suối cũng không có, còn điểm trường thì hết sức tạm bợ bằng “tranh tre nứa lá”. Và dân bản thì 100% là hộ nghèo, đời sống phụ thuộc hoàn toàn vào nương rẫy.

Nhiều chương trình, dự án đầu tư cho Sam Lang

Sự thay đổi đầu tiên ở bản Sam Lang chính là cây cầu treo qua suối. Từ cây cầu này đã đưa đồng bào dân tộc Mông nơi đây gần hơn với trung tâm xã Nà Hỳ. Đồng thời, chấm dứt những âu lo phải vượt suối vào mùa mưa lũ. Tiếp sau dự án cầu treo vào bản Sam Lang, Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên đã đầu tư ngầm tràn và xây dựng con đường vào bản (thuộc dự án đường ra biên giới) để góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh ở xã biên giới Nà Hỳ. Đường rộng hơn 3m, mặt đường cấp phối tự nhiên và hệ thống 4 ngầm tràn qua suối đã rút ngắn khoảng cách giữa 2 bản Sam Lang, Lai Khoang với trung tâm xã Nà Hỳ.

Con đường mới mở đã tiếp thêm động lực cho người dân nơi đây phát triển kinh tế gia đình. Hộ gia đình ông Giàng A Vảng là một trong những hộ có diện tích ao cá nhiều nhất bản, ông Vảng chia sẻ: “Trước đây, đường sá đi lại khó khăn, nhà mình có nhiều ao thật nhưng cũng thả ít cá, chủ yếu để gia đình ăn thôi. Bây giờ, giao thông thuận tiện đi lại như thế này, mình sẽ nuôi nhiều cá, gia đình có thể đem ra chợ Nà Hỳ để bán tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, không phải lên rừng làm nương rẫy”.

Những ngày giáp Tết Đinh Dậu 2017, dòng điện lưới quốc gia đã được kéo về đến bản Sam Lang, thắp sáng niềm tin cho bản Mông. Hộ gia đình anh Giàng A Pao B phấn khởi sắm ngay 2 cái tủ lạnh, cùng nhiều đồ điện gia dụng để phục vụ cho buôn bán hàng tạp hóa và sinh hoạt. Vui hơn cả cậu con trai Giàng A Pao B, ông Giàng A Lồng phấn khởi nói: “Có điện rồi, con trai mình đầu tư mua tủ lạnh, mua quạt, mua nồi cơm điện và ti vi, cuộc sống thấy sướng hơn trước nhiều. Cả một đời khó khăn, vất vả, bây giờ mới biết có điện, sướng thật đấy. Nấu cơm cũng nhanh hơn, nắng nóng thì bật quạt, mình chỉ việc làm ăn kiếm thêm nhiều tiền thôi. Hai cái tủ lạnh này, con trai mình mua về để bán nước giải khát và kem đấy”.

Một góc bản Sam Lang hôm nay. Ảnh: Đỗ Thành Trung

Một góc bản Sam Lang hôm nay. Ảnh: Đỗ Thành Trung

Và Sam Lang đổi mới

Cùng chung niềm vui với dân bản, các cô giáo dạy ở điểm trường Sam Lang và Lai Khoang như được tiếp thêm lửa nhiệt huyết cho chặng đường gieo cái chữ ở bản. Và câu chuyện về cô giáo Minh, các thầy, cô giáo khác và các em học sinh ở Sam Lang 9 năm về trước phải chui vào túi nilon để vượt suối lên bản dạy và học chữ đã trở thành câu chuyện kể truyền nghị lực giữa các thầy, cô giáo luân phiên “cắm bản”. Sam Lang hôm nay đã mang một diện mạo mới khang trang, sạch đẹp, với đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu: Điện, đường, điểm trường học, công trình nước sạch.

Và trên 100 hộ gia đình trong bản, 100% là người dân tộc Mông, với 475 nhân khẩu đã nhận thức được cần phải vươn lên thoát khỏi đói nghèo, thoát khỏi những tập tục lạc hậu. Minh chứng cho điều này, anh Khoa cho biết: “Trong bản mình bây giờ tổ chức đám cưới 1 ngày là xong thôi, không ăn uống 3, 4 ngày như trước nữa. Đám ma thì không để quá 24 giờ. Nhiều nhà trong bản làm nhà ra gần đường rồi, có nhà sẽ buôn bán thóc đấy, chứ trước kia, dân bản toàn phải chở ra xã Nà Hỳ để bán. Ở trong bản cũng quy định, cấm chặt phá rừng làm nương rẫy, chỉ làm lại những mảnh nương cũ thôi”.

Để chứng minh cho lời nói của mình, anh Khoa giục chúng tôi đến nhà anh Giàng A Páo “chiêm ngưỡng” gần 100 bao thóc, ngô, sắn chất đầy trong nhà và cả ngoài sân. Không chỉ đủ lương thực cho 5 nhân khẩu, nhà anh Páo còn dư để chăn nuôi, rồi cả để bán nữa. Được biết, anh Páo là một trong rất nhiều người của bản, biết tìm tòi, học hỏi để thoát nghèo. Trước đây, gia đình anh cũng như các hộ khác, làm lụng vất vả quanh năm, nhưng chỉ đủ ăn. Nguyên nhân là do chưa biết chăm sóc cây trồng, vật nuôi; chưa bỏ các tập tục, tư duy cũ trong sản xuất.

Giờ thì khác, với hơn 1ha nương, anh thu hoạch hơn 100 bao ngô, bao thóc. Trong niềm vui được mùa, anh Páo chia sẻ: “May mắn là bà con bản mình nghe theo cán bộ xã, cán bộ huyện hướng dẫn chăm sóc cây trồng đúng cách, gieo đúng thời điểm, chọn những loại giống tốt nên mới được mùa. Bản mình ai cũng vui. Giờ chẳng lo đói nữa. Không chỉ thế, đầu năm nay, gia đình mình cũng đầu tư mua một cặp bò về nuôi. Hiện, bò rất khỏe mạnh, đầu năm sau, bò nhà mình sẽ có lứa bê đầu tiên”.

Không đến hết các gia đình trong bản Sam Lang, nhưng qua Trưởng bản Vàng A Khoa, chúng tôi đã hiểu, đổi thay lớn nhất đối với 100% đồng bào Mông ở Sam Lang đó là nhận thức về mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Nhân dân đang dần bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, chuyển sang cách làm mới. Chính vì thế, hơn một năm trở lại đây, năng suất lúa trung bình đạt khoảng 18 tạ/ha, ngô đạt gần 4 tấn/ha. Người dân Sam Lang đã và đang thay đổi nhận thức, thay đổi phương pháp canh tác và ấp ủ những dự định phát triển kinh tế mới. Con đường mới và dòng điện quốc gia sẽ giúp cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc Mông nơi đây giảm bớt đi những vất vả, gian nan.

Đỗ Thành Trung

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/suc-song-moi-o-sam-lang-post463349.html