Sức sống mới ở Công Sơn

Một mùa xuân nữa lại về. Xuân năm nay, xã Công Sơn như được thay áo mới, đời sống của người dân đã khấm khá, no đủ hơn, kinh tế – xã hội từng bước thay đổi với diện mạo và sức sống mới.

Công Sơn là xã vùng ba, có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn của huyện Cao Lộc, với 5 thôn, 302 hộ, 1.445 nhân khẩu. Xã có đặc thù 100% dân số là người dân tộc Dao, sinh sống ở lưng chừng núi, sản xuất nông nghiệp thô sơ, khai thác sản vật núi rừng là kế sinh nhai chính của mỗi gia đình…

Phụ nữ xã Công Sơn chụp ảnh quảng bá du lịch vườn đào cổ tại thôn Ngàn Pặc ảnh do xã cung cấp

Thay đổi tư duy sản xuất

Những ngày cuối năm 2023, chúng tôi có dịp đi cùng cán bộ xã Công Sơn tham quan một số mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của xã. Vừa đi, đồng chí Triệu Trần Sửu, Phó Chủ tịch UBND xã vừa phấn khởi cho biết: Từ năm 2020 đến nay, với sự định hướng, tuyên truyền, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự chủ động thay đổi tư duy, cách làm, người dân Công Sơn đã biết khai thác lợi thế địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là gia đình anh Triệu Văn Liêm, thôn Nhọt Nặm, hộ thành công với mô hình chăn nuôi. Loay hoay dọn dẹp bàn ghế, pha trà mời khách, anh Liêm kể: Năm 2021, với sự định hướng của chính quyền xã và mong muốn vươn lên làm giàu, gia đình tôi đã dùng số vốn tích góp và vay thêm người thân đầu tư chăn nuôi 12 con lợn nái. Để mô hình phát triển bền vững, tôi đã xây dựng 200m2 chuồng trại, lắp đặt các thiết bị phục vụ cho việc chăn nuôi như: hệ thống đèn điện sưởi ấm cho lợn con; hệ thống nước… Hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình xuất bán 24 lứa lợn giống, mỗi lứa từ 8 đến 14 con, đem lại lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng chăn nuôi lên 20 con lợn nái.

Thành công của gia đình anh Liêm đã tạo động lực cho các hộ dân của xã mạnh dạn đầu tư, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đến nay, xã có đàn trâu 556 con, đàn bò 101 con, đàn lợn 1.320 con, đàn dê 83 con, gia cầm 14.400 con. Và đặc biệt, người dân đã biết khai thác lợi thế từ núi rừng với đa dạng các loài hoa để thuần hóa và phát triển đàn ong với 270 tổ. Cùng với chăn nuôi, người dân Công Sơn cũng đã thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế đồi rừng, chú trọng công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thay vì chỉ biết đốt nương làm rẫy như trước đây.

Thành viên HTX Nông nghiệp Công Sơn kiểm tra chất lượng rượu men lá được ủ trong chum

Điển hình trong việc phát triển kinh tế rừng có hộ ông Triệu Văn Phiếu, thôn Cốc Chanh. Ông Phiếu cho biết: Gia đình tôi có khoảng 2ha rừng hồi. Những năm trước đây, tôi và các thành viên trong gia đình không chú trọng đến việc phát triển kinh tế từ cây hồi, chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc nên hồi không mang lại hiệu quả kinh tế. Từ năm 2020, nhờ có sự tuyên truyền, hỗ trợ của chính quyền xã, tôi đã tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc hồi, từ đó, tôi biết cách áp dụng vào mô hình của gia đình, từng bước cải tạo, nâng cao chất lượng rừng hồi. Hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu được hơn 2 tấn hồi, thu về lợi nhuận bình quân khoảng 80 triệu đồng.

Hộ này làm, hộ khác học theo, chính quyền xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ ngươi dân phát triển kinh tế từ cây hồi. Riêng trong năm 2023, xã đã cấp 19.200 cây giống, 9.600 kg phân bón để người dân mở rộng diện tích, trồng mới khoảng 30 ha rừng hồi, nâng tổng diện tích rừng hồi của xã lên hơn 342 ha. Không chỉ riêng cây hồi, từ năm 2020 đến nay, người dân đã chủ động trồng rừng mới được 82 ha, vượt 173% chỉ tiêu cả nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra. Hiện, độ che phủ rừng của xã đạt 75%.

Điểm nổi bật nhất trong hướng phát triển kinh tế của Công Sơn từ đầu nhiệm kỳ đến nay đó là người dân đã biết liên kết để xây dựng và phát triển thành công thương hiệu “Rượu men lá người Dao” – vốn là đặc sản địa phương. Thay vì tự sản xuất nhỏ lẻ như trước đây, các hộ nấu rượu đã liên kết, thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Công Sơn. Đây là minh chứng rõ nhất cho việc thay đổi nhận thức trong phát triển sản xuất của người dân.

Theo đó, năm 2021, HTX Nông nghiệp Công Sơn được thành lập với 12 thành viên. Để sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường, HTX đã đầu tư thiết bị hiện đại nhằm khắc phục những hạn chế của phương pháp nấu rượu thủ công như: nồi nấu cơm, nồi chưng cất, máy khử độc tố andehit… Ngoài ra, HTX cũng chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm với bao bì, nhãn mác đầy đủ, có nhà xưởng sản xuất và trụ sở bán, giới thiệu sản phẩm riêng. Nhờ đó, sản phẩm rượu men lá người Dao của HTX đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023 và đang chờ công nhận lên sản phẩm OCOP 4 sao.

Đẩy lùi đói nghèo, xây dựng đời sống mới

Những mô hình trên là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi nhận thức của người dân Công Sơn trong phát triển kinh tế. Các gia đình đã biết khai thác chính lợi thế của địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cập nhật kiến thức mới vào sản xuất kinh doanh. Đồng chí Triệu Trần Sửu, Phó Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh: Giờ đây, người dân đã chủ động tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… do các cơ quan của huyện về phối hợp với xã tổ chức, cán bộ xã không phải đi vận động như trước đây nữa mà chỉ cần thông báo lên loa truyền thanh và gửi về các thôn.

Khi tư duy đã thay đổi, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân từng bước khôi phục lại những sản vật đặc trưng của địa phương như: thực hiện mô hình phục tráng đào Mẫu Sơn, mở rộng diện tích cây chanh rừng, phát triển mô hình nuôi gà 6 ngón, quảng bá rộng rãi thương hiệu rượu men lá người Dao… Đặc biệt, xã tuyên truyền, hỗ trợ để người dân biết tạo thêm nguồn thu qua dịch vụ du lịch từ chính những sản vật này.

Đến nay, toàn xã có khoảng 40 mô hình kinh tế cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm, trong đó chủ yếu là chăn nuôi, trồng rừng và sản xuất rượu. Qua kết quả rà soát năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã Công Sơn đã đạt khoảng 22 triệu đồng/người/năm, tăng 17 triệu đồng so với năm 2016 và tăng 2,8 triệu đồng so với đầu năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 56,81%, giảm gần 20% so với năm 2016 và giảm 12,19% so với đầu năm 2020. Điều đáng mừng hơn ở đây đó là sự thay đổi trong nhận thức của phụ nữ Công Sơn trong phát triển kinh tế gia đình.

Chị Triệu Thị Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Công Sơn chia sẻ: Những năm gần đây, chị em phụ nữ người Dao Công Sơn không chỉ quanh quẩn bên nương rẫy và nội trợ gia đình như trước nữa mà đã mạnh dạn hơn trong việc đăng ký tham gia các lớp đào tạo nghề do xã, huyện tổ chức và tiếp cận nguồn vốn chính sách để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã đứng ra nhận ủy thác hỗ trợ 52 hội viên vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất với dư nợ hơn 3 tỷ đồng. Để hỗ trợ hội viên, Hội Phụ nữ xã thường xuyên tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất các hộ vay vốn để kịp thời tư vấn khắc phục những khó khăn trong quá trình sử dụng vốn. Qua đó, các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trả lãi đầy đủ, đúng hạn. Thậm chí, nhiều chị em đã bắt đầu có tiền gửi tiết kiệm, hết năm 2023, hội có số dư tiền gửi tiết kiệm đạt gần 86 triệu đồng.

Đời sống dần cải thiện, người dân quan tâm hơn đến việc xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2021 đến nay, người dân đã đóng góp trên 100 triệu đồng mua cát sỏi, trên 300 ngày công và sử dụng hết 140 tấn xi măng do nhà nước hỗ trợ để bê tông hóa đường làng, ngõ xóm được 1,5 km. Đến hết năm 2023, xã đã bê tông hóa được 22,6% đường trục xã; 29% đường trục thôn, góp phần tạo thuận lợi cho người dân trong việc giao thương hàng hóa. Thực hiện đạt 5 tiêu chí xây dựng nông thôn mới gồm: quy hoạch, điện, cơ sở hạ tầng nông thôn, y tế, quốc phòng – an ninh.

Ông Triệu Tiến Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Công Sơn cho biết: Xã xác định để phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng giữ vai trò quan trọng. Chính vì vậy, thời gian qua, chính quyền xã đã chú trọng sử dụng các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và kêu gọi sự chung tay đóng góp của người dân để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn như: giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… Bên cạnh phát triển cơ sở hạ tầng, xã cũng đặc biệt quan tâm đến việc định hướng, khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng…; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển du lịch.

Mặc dù vẫn còn đó những khó khăn, nhưng với sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách phát triển kinh tế, đời sống của người dân cũng như diện mạo nông thôn vùng đặc biệt khó khăn nơi lưng chừng núi đã dần đổi mới. Mong rằng tới đây, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm, ưu tiên hỗ trợ nguồn lực phát triển hạ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân từng bước xóa bỏ cái đói, cái nghèo, vươn lên xây dựng Công Sơn giàu đẹp.

KIM CHI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/642938-suc-song-moi-o-cong-son.html