Sức sống của dòng tranh truyền thống Việt Nam

Bên cạnh dòng tranh hiện đại như sơn dầu, acrytic… thì tranh sơn mài, lụa, giấy dó, khắc gỗ là chất liệu đặc trưng của hội họa truyền thống. Mỗi tác phẩm tạo ra thể hiện được hồn cốt văn hóa Việt, giàu tính biểu đạt, mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh nhã vốn có.

Tranh khắc gỗ "Giấc mộng ngày" của Nguyễn Ngọc Điền.

Tranh khắc gỗ "Giấc mộng ngày" của Nguyễn Ngọc Điền.

Phân hội Mỹ thuật xứ Tuyên hiện có 16 hội viên. Đa số các hội viên đều theo đuổi một trong những dòng tranh truyền thống này. Nhắc đến tranh lụa phải kể đến họa sỹ Mai Hùng, Ngọc Quý, Nguyễn Yến; nói đến tranh giấy dó là những tác phẩm mềm mại, trữ tình của Lương Ánh Hiện, Hoàng Anh Chiến. Người yêu hội họa say mê với nét mộc mạc mà quý phái của tranh sơn mài Lê Sơn Hải, Lê Cù Thuần; trầm trồ với đường nét độc đáo, thanh nhã trong tranh khắc gỗ Dương Xuân Quyền, Nguyễn Ngọc Điền...

Đến với chất liệu giấy dó, người họa sỹ thường ví đó như cô thiếu nữ khó tính, không dễ gần, nhưng khi biết cách gần thì cho cảm giác ngọt ngào tuyệt vời đến mức không ngờ tới. Bởi tranh vẽ mang ưu điểm nổi trội là bền vững với thời gian; giữ được màu, để càng lâu màu càng thắm.

Họa sỹ Lương Ánh Hiện là người khai thác thành công chất liệu giấy dó. Tranh của chị thường có chủ đề gần gũi, quen thuộc về phong cảnh thiên nhiên, quê hương đất nước, đời sống sinh hoạt của đồng bào miền núi. Chị chia sẻ, chị dành nhiều thời gian để nghiên cứu đặc tính của chất liệu vẽ. Tờ giấy dó lúc khô rất dai nhưng gặp nước dễ thủng và bở ra. Chính vì thế, cái khó nhất của tranh giấy dó là khi vẽ chỉ được đặt một nét bút là phải xong, không có cơ hội sửa lại.

Với nhiều mảng màu trầm ấm, những tác phẩm như: “Hồ sen 1”, “Hồ sen 2”, “Góc phố 1”, “Góc phố 2”... mang màu sắc trữ tình, lãng mạn miêu tả phong cảnh góc phố, làng quê. Tranh của Ánh Hiện thể hiện được tay nghề cao, họa sỹ hoàn toàn làm chủ được độ loang, độ thấm của mỗi vết mực nhỏ trên tờ giấy dó truyền thống.

Dòng tranh khắc gỗ là một chất liệu sáng tác mỹ thuật đồ họa truyền thống của Việt Nam. Một kỹ thuật in ấn trong nghệ thuật tranh in đồ họa, sử dụng chế bản in gỗ và phương pháp khắc nổi. Ở xứ Tuyên, họa sỹ Nguyễn Ngọc Điền khá thành công với mảng tranh này. Anh đã biết cách thổi hồn vào những mảnh gỗ tạo nên những đường nét chân thực giàu biểu cảm nghệ thuật. Sắc màu văn hóa trong tranh của anh khá đa dạng. Người xem thấy ẩn hiện trong mỗi bức tranh những bộ trang phục dân tộc, nét sinh hoạt đặc trưng của người miền núi. Các tác phẩm nổi bật là “Chợ”, “Chợ quê”, “Chợ miền núi”... Trong đó, tranh “Chợ” đoạt giải C do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam trao tặng năm 2012.

Đối với Dương Xuân Quyền, tranh khắc gỗ là thể loại hội họa đòi hỏi sự tỷ mỷ, kiên nhẫn. Tranh của anh sử dụng nhiều màu sắc nên kỹ thuật đòi hỏi khá cao, thường thì khắc nhiều bản theo thứ tự màu nhạt in trước màu đậm in sau. Tác phẩm tiêu biểu như: “Con sên”, “Hồ nước 1”, “Hồ nước 2”, “Yêu 1”, “Yêu 2”. Dương Xuân Quyền thường vẽ theo bố cục cơ bản, vẽ đặc trưng lấy nét để làm nổi bật những mảng khối trong tranh, gam màu ấm nóng làm chủ đạo; theo mô tuýp hình tròn làm điểm nhấn.

Tranh khắc gỗ "Bác Hồ guồng nước" của Lê Sơn Hải.

Tranh khắc gỗ "Bác Hồ guồng nước" của Lê Sơn Hải.

Nghệ thuật sơn mài nói chung và tranh sơn mài nói riêng là niềm tự hào của mỹ thuật Việt Nam. Sự hấp dẫn của chất liệu độc đáo, vừa bền vừa sang trọng, lộng lẫy đã thu hút các thế hệ họa sỹ thực hiện. Sơn mài còn khác hẳn sơn dầu ở chỗ mặt tranh gần như tuyệt đối phẳng. Không gian tạo hình của nó không nổi bật lên trước con mắt người xem mà tạo hiệu ứng “âm”, rất có chiều sâu.

Một tác phẩm tiêu biểu của sơn mài Tuyên Quang là “Bác Hồ guồng nước” của họa sỹ Lê Sơn Hải, có không gian sâu thẳm, bố cục độc đáo, hình họa giản dị nhưng đầy xúc cảm. Điều đặc biệt ở bức tranh là sắc vàng phai đặc trưng mà chỉ có chất liệu sơn mài mới có được, sắc màu vừa tạo cảm giác vô tận, yên bình, thanh thản. Cảm tưởng thời gian như ngưng đọng lại trong tâm tưởng người xem. Ta có thể nhận thấy, trong không khí lao động hăng say nhộn nhịp ấy, ai cũng say mê làm công việc của mình, người cấy cày, nhổ mạ, người đạp guồng nước... Không còn khoảng cách giữa một vị lãnh tụ và những người nông dân. Gương mặt Bác toát lên thần thái vui tươi, phấn khởi hy vọng cho một vụ mùa sắp tới bội thu, ấm no.
Mỗi dòng tranh truyền thống có đặc trưng riêng nhưng điểm chung là mỗi người họa sỹ cần có sự tỉ mỉ, kỳ công. Các tác phẩm biểu đạt đa dạng nội dung, đa số tác phẩm tái hiện cảnh sắc quê hương, vẻ đẹp con người Việt Nam. Với sự sáng tạo, nhiều họa sỹ đã tìm lối đi riêng thể hiện được nét độc đáo, mới lạ trong dòng tranh truyền thống. Qua đó tạo nên không gian nghệ thuật đa chiều cho hội họa xứTuyên.

Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tinh-hoa-van-hoa/suc-song-cua-dong-tranh-truyen-thong-viet-nam-135407.html