Sức quyến rũ khác thường trong ca từ của Trịnh Công Sơn

Chất thơ tỏa bóng dáng huy hoàng của chủ nghĩa lãng mạn trên ca từ Trịnh Công Sơn, chất triết học thì đem lại chiều sâu của tư tưởng hiện đại.

Trước hết, có những ý tưởng tự nó mang chất thơ, lạ lùng đến mức người đọc lấy làm hài lòng vì đã hát một bài thơ hay; hoặc cả phiến ca từ ngân nga hoài trong tâm hồn như một bài thơ hay hơn mọi bài thơ.

"Dù em khẽ bước không thành tiếng

Cõi đời bao la vẫn ngân dài"

(Vẫn có em bên đời)

"Dáng em trôi đi, trôi mãi trôi trên ngàn năm"

(Ru em từng ngón xuân nồng)

"Ta nghe nghìn giọt lệ, rớt xuống

thành hồ nước long lanh"

(Như cánh vạc bay)

"Đôi khi thấy trên lá cây ngày em đã xa tôi"

(Rồi như đá ngây ngô)

"Vết mực nào xóa bỏ không hay"

(Cát bụi)

"Về bên vết thương tôi quỳ"

(Đêm thấy ta là thác đổ)

"Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô"

(Rừng xưa đã khép)

"Tuổi buồn em mang đi trong hư vô, ngày qua hững hờ"

(Tuổi đá buồn)

Nhiều khi, có một câu ngắn khép lại một đoạn, cả đoạn ca từ bên trên lập tức biến thành một đoạn thơ. Ví dụ như câu “Để gió cuốn đi” trong bài hát Để gió cuốn đi.

Ấy là tôi chỉ nhắc lại một cách tình cờ, từ trong một nhạc tuyển nhỏ của Trịnh Công Sơn, mang tựa đề Em còn nhớ hay em đã quên (in năm 1997).

Nhưng đây lại vẫn chỉ là những câu “nổi cộm” trong ca từ, “nổi cộm” nhưng không tiêu biểu. Thực sự, ca từ của Trịnh Công Sơn mang tính thu hút ở cách dùng từ mới mẻ, những từ lạ thường so với những người viết nhạc cùng thời, khiến người ta thấy anh cố tránh sự tầm thường, sự sáo rỗng, bởi những từ ngữ được xài phí quá nhiều lần trong ngôn ngữ của những kẻ sống gặp chăng hay chớ. Cũng vẫn là một nghĩa thôi, nhưng sự tầm thường luôn giết chết nghệ thuật.

Ngay từ loạt bài đầu tiên, ca từ của Trịnh Công Sơn đã tỏa ra một sức quyến rũ khác thường với những từ ngữ như làm cho câu hát vang lên: Nắng thủy tinh, Lời buồn thánh, Tuổi đá buồn, Vết lăn trầm, Ngày sau sỏi đá, Buồn như giọt máu, Cơn đau mịt mù, Lòng như khăn mới thêu, Đời mình là những quán không.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong tranh họa sĩ Lê Sa Long. Ảnh: L.S.L.

Phải đâu có một vài chữ để nhặt lên làm ví dụ; toàn bộ chữ nghĩa của ca từ Trịnh Công Sơn được viết bằng loại từ ngữ ấy. Vốn từ của Trịnh Công Sơn tỏ ra rất phong phú về mặt này; và chính mỗi từ ngữ lại tạo thành một hình tượng trong nhận thức của người khác và đem lại một chất thơ lan tỏa trong những bài hát của Trịnh Công Sơn.

Chính hệ thống hình tượng trong ca từ của Trịnh Công Sơn đã kết cấu thành những chi tiết và nhiều chi tiết như thế dệt nên một ý tưởng của ca từ. Người ta không nên coi thường những chi tiết. Chính nhà văn Nga Turgenev đã nói rằng “thiên tài, là những chi tiết”. Và những chi tiết ấy đã âm thầm du nhập “chất thơ” vào những bài hát của Sơn. Thí dụ “chi tiết” như thế này, hỏi có lạ không:

"Phơi tình cho nắng khô mau"

(Tình xót xa vừa)

Theo lời thuật lại của bạn bè, thì vào những mùa đông, xuân, hạ trong năm, Trịnh Công Sơn thường sống ở Sài Gòn để vui chơi, để giao dịch, để hát với công chúng, và để in ấn, mùa thu anh lại trở về Huế để sáng tác. Những tình khúc Trịnh Công Sơn đã được viết ra trên một tấm bàn gỗ mộc, nay vẫn còn.

Có lẽ Trịnh Công Sơn giống như con ve sầu đã viết trên lá của bao mùa thu ở Huế. Nhiều người lưu ý về chất thơ trong ca từ của Trịnh Công Sơn. Những chi tiết nồng đượm chất thơ ấy là những tế bào tạo nên những ca khúc của Trịnh Công Sơn, như những chiếc lá ở trong rừng.

Và Trịnh Công Sơn đã chạm khắc từng chiếc lá ấy, giống như tạo hóa đã tạo ra lá cây, hay nói đúng hơn, Trịnh Công Sơn là người thơ đã “chạm lọng” trên linh hồn anh, tuyệt đối không để lại một vết dao khắc nào cả.

Trịnh Công Sơn đã sử dụng những chi tiết thật bất ngờ, đồng thời biến các chi tiết thành những yếu tố bình thường, tự nhiên nhi nhiên, như thể những điều ấy đã có từ trước không một chút dụng công tìm kiếm của người nghệ sĩ:

"Về trên phố cao nguyên ngồi

Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi

Chợt như phố kia không người

Còn lại tôi bước hoài"

(Lời thiên thu gọi)

Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã nói (ở Mỹ) rằng Trịnh Công Sơn là “người viết thơ tình hay nhất thế kỷ”.

Một nhân tố cốt lõi khác trong những tình khúc Trịnh Công Sơn, chính là niềm tuyệt vọng. (Trịnh Công Sơn - Tự Tình Khúc - Thay lời tựa). Như thể Trịnh Công Sơn từ trong bẩm sinh là một người tuyệt vọng không can nổi. Anh đã tỏ ra rất có “năng khiếu” về nỗi đau khổ trong nhận thức về thế giới, giống như đức Phật đã nhận thức ra những yếu tố Sinh - Lão - Bệnh - Tử của cuộc đời.

Vì thế, ca từ của Trịnh Công Sơn mang một ý vị triết học đặc biệt. Chất thơ của ca từ làm thành “mặt tiền” của những bài hát Trịnh Công Sơn; chính là chất triết học (ở đây là tư tưởng của triết học Phật giáo và triết học hiện sinh) mới là bộ phận cắm sâu vào ngôn ngữ của nhạc sĩ họ Trịnh, khiến cho ca từ của Trịnh Công Sơn nặng trĩu chất muối của số phận.

Chất thơ tỏa bóng dáng huy hoàng của chủ nghĩa lãng mạn trên ca từ Trịnh Công Sơn, chất triết học thì đem lại chiều sâu của tư tưởng hiện đại; cả hai quyện thành ý nghĩa của ca từ, giống như vị ngọt và vị đắng đồng thời của một tách cà phê.

Và lạ thay, điều này không khỏi khiến ta bâng khuâng, tại sao trong một bài hát êm ái tuyệt vời như tình khúc Trịnh Công Sơn, lại vẫn phảng phất một chút dư vang của nỗi ngậm ngùi, “phải chăng thở than cũng là niềm bí ẩn của con người” (Trịnh Công Sơn - Tự Tình Khúc).

Hoàng Phủ Ngọc Tường / NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/suc-quyen-ru-khac-thuong-trong-ca-tu-cua-trinh-cong-son-post1201008.html