Sức nặng “quá tải” với doanh nghiệp

Doanh nghiệp (DN) đang oằn lưng chi trả 1.600 - 1.700 tỷ đồng/mỗi năm cho việc kiểm tra chuyên ngành (KTCN) và mất thời gian tương đương gần 10 năm chỉ cho thủ tục này. Con số gây sốc trên được đưa ra trong hội thảo “Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về quản lý chuyên ngành” do dự án GIG của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức vào ngày 3-10 vừa qua.

Quản lý chồng chéo, phí rườm rà

Đề xuất trên nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và Quyết định số 2026/QĐ-TTg về cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành và KTCN với hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, nhằm đạt chỉ tiêu “giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN tại giai đoạn thông quan từ 30-35% hiện nay xuống còn 15% đến hết năm 2016 và phấn đấu giảm thời gian thông quan hàng hóa đến cuối năm 2016 xuống ngang bằng với các nước ASEAN 4, đến năm 2020 đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3”.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đánh giá công tác quản lý KTCN đối với hàng hóa nhập khẩu 9 tháng qua chưa có sự cải thiện (ngoại trừ một số ít lĩnh vực như kiểm dịch thực vật,…). Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, vẫn còn tình trạng chồng chéo trong quản lý KTCN. Đó là còn khá phổ biến tình trạng một mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật (Luật, Nghị định, Thông tư) trong cùng lĩnh vực hoặc thuộc các lĩnh vực khác nhau dẫn đến phải chịu sự quản lý của nhiều Bộ. Hơn nữa, việc quản lý KTCN đối với hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là tiền kiểm, thực hiện trước khi thông quan; KTCN quá mức cần thiết, kiểm tra theo lô hàng (chưa áp dụng quản lý rủi ro, quản lý trên cơ sở đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp), dẫn tới kéo dài thời gian, tốn kém nhiều chi phí, gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý là việc ứng dụng công nghệ thông tin trực tuyến trong quản lý, KTCN rất hạn chế. Hầu hết các Bộ vẫn áp dụng hình thức thủ công, giấy tờ trong tiếp nhận và trả kết quả kiểm tra. Thực tế, cổng thông tin một cửa quốc gia đã đi vào hoạt động, đến nay đã có 10 Bộ tham gia thực hiện kết nối 31/khoảng 100 thủ tục quản lý, KTCN, nhưng đa số là các thủ tục không phổ biến, vì thế hiệu quả cải cách thấp.

Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan - chuyên gia GIG, dẫn số liệu cụ thể để minh chứng chi phí KTCN đang là gánh nặng đè lên DN. Ví dụ, một doanh nghiệp nhập khẩu lô hàng 8 máy làm mát trị giá 8.000 USD, tương đương khoảng 165 triệu đồng, nhưng chi phí thử nghiệm, kiểm tra chất lượng lên đến 134 triệu đồng (thử nghiệm tại Quantest 1), chưa kể chi phí vận chuyển. Hay một DN sản xuất, xuất khẩu thủy sản mỗi năm chi phí khoảng 6 tỷ đồng cho việc thực hiện kiểm tra chất lượng. Còn DN nhập khẩu mặt hàng bột mì, phụ gia thực phẩm mỗi năm cũng mất cả tỷ đồng phí KTCN, chiếm 2 - 3% giá thành sản phẩm.

Công tác kiểm tra chuyên ngành tại một doanh nghiệp. Ảnh: N.K

DN chỉ biết kêu giời!

Tính đến hết 9 -2016, có khoảng 300.000 tờ khai KTCN và chỉ phát hiện vi phạm 7 trường hợp. Điều này cho thấy, tỷ lệ vi phạm rất thấp và hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động KTCN. Thế nhưng, các Bộ ngành liên quan đều khăng khăng giữ quan điểm phải KTCN 100% các lô hàng xuất nhập khẩu để an toàn cho người tiêu dùng trong nước.

Theo khảo sát và phản ánh của DN năm 2015 và 2016, mức chi phí KTCN tối thiểu cho một tờ khai gồm, phí kiểm dịch khoảng 200.000 đồng, kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm 2 triệu đồng. Với tổng số tờ khai nhập khẩu phải KTCN là hơn 830.000, ước tính tổng chi phí của DN cho 3 loại KTCN trên khoảng 1.600 - 1.700 tỷ đồng, chưa bao gồm phí cấp giấy phép và các loại giấy tương tự, chi phí tiền vay, chi phí lưu kho bãi, chi phí lao động và các chi phí cơ hội khác. Chỉ tính thời gian tối thiểu để hoàn thành thủ tục KTCN cho một lô hàng là 2 ngày, thì năm 2015, các DN mất tổng cộng hơn 3,3 triệu ngày, tương đương gần 10 năm trời.

Ông Lê Đình Phương, đại diện Cty TNHH tiếp vận Thăng Long cho biết, đứng trước một “rừng” thông tư, văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý chuyên ngành, DN không biết làm thế nào để tuân thủ cho đúng. Đồng thời, quy định hàng hóa mua bán nội địa phải qua hàng rào xuất nhập khẩu, khiến nhiều DN trong khu chế xuất khó khăn. Đặc biệt, việc nhiều cơ quan tham gia quản lý khiến thời gian kéo dài và dẫn đến cảnh đổ lỗi cho nhau. Chẳng hạn, mặt hàng thép, lúc trước chỉ cần làm thủ tục qua Trung tâm 3 hay Cty giám định VinaControl, nay lại thêm Sở Công thương vào quản lý. “Một lô hàng nhập khẩu phải đi tới cơ quan quản lý chuyên ngành đến 6 lần. Đi 2 lần mới lấy được tờ giấy đăng ký, rồi đi nộp sau 24 giờ mới đến lấy về. Thêm 2 lần đi kiểm nghiệm, có kết quả kiểm nghiệm quay lại Sở Công thương nộp chờ 3 ngày sau mới lấy kết quả. Trong thời đại điện tử hóa thông tin, cạnh tranh khốc liệt mà chỉ tờ giấy đăng ký đã bắt DN chạy đi chạy lại mấy lần. Các ông thấy vô lý không?!”, ông Phương bức xúc.

Không chỉ mất thời gian, tiền bạc cho KTCN, các quy định, thủ tục liên quan đến quản lý, KTCN, theo đánh giá của Bộ KH&ĐT là “chưa có chuyển biến đáng kể” vẫn đang gây bức xúc trong DN. Đơn cử trường hợp Bộ Công thương chỉ định duy nhất Quantest 1 (tại Hà Nội) thực hiện thử nghiệm động cơ, khiến cho các DN nhập khẩu động cơ trên cả nước phải vận chuyển những mặt hàng này về Quantest 1 để thử nghiệm với chi phí vận chuyển rất cao (nhất là các DN nhập khẩu ở phía Nam) và thời gian kéo dài, chưa tính đến chi phí kiểm thử nghiệm.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, theo quy định, trong các vấn đề kiểm tra lấy mẫu kiểm nghiệm, đơn vị nào ra quyết định, đơn vị đó phải trả tiền. “Luật quy định như vậy nhưng trong quá trình thực hiện hầu hết là DN trả chi phí này”, ông nói và cho biết đã kiến nghị lên các Bộ, nhưng Bộ NN-PTNN trả lời DN tự nguyện xuất khẩu vào các thị trường thì phải chịu chi phí. Ông Nam đề nghị nên đưa điều khoản vào dự thảo về các luật KTCN.

Bộ KH&ĐT đánh giá, những bất cập của hoạt động KTCN đã và đang tạo gánh nặng cho DN, gây bất lợi đến cải thiện môi trường kinh doanh. Đa số các DN cho rằng thủ tục, thời gian và chi phí KTCN không thuận lợi hơn cho DN so với trước. Có khá nhiều vướng mắc của DN đã được phát hiện, phản ánh trong thời gian dài; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp cụ thể để xử lý các vướng mắc này, nhưng một số Bộ, ngành có liên quan vẫn chưa giải quyết dứt điểm; gây bức xúc, nản lòng, làm giảm dần niềm tin và sự kỳ vọng vào những thay đổi cải cách từ các Bộ, ngành và do vậy ảnh hưởng không tốt tới tính hiệu lực, hiệu quả của DN.

Mục tiêu về cải cách quản lý chuyên ngành là rút ngắn thời gian giao dịch thương mại qua biên giới xuống bằng trung bình của các nước ASEAN 4 (56 giờ đối với hàng xuất khẩu và 73 giờ đối với nhập khẩu). Giảm tỷ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan xuống còn 15% (hiện nay khoảng 30 - 35%). Tuy nhiên, kết quả rà soát danh mục văn bản pháp luật về KTCN gần đây cho thấy, các bộ ngành vẫn chưa thực sự vào cuộc, khi chỉ có 10/87 văn bản được sửa đổi; trong đó có 3/10 văn bản được thay thế chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM cho rằng, nhiều Bộ ngành mới giải quyết KTCN ở phần ngọn chứ chưa làm tận gốc, gây bức xúc cho nhiều DN. Vì vậy, việc nhiều thủ tục chồng chéo đang gây lãng phí thời gian và tài chính của DN. Mặc dù vậy, quá trình kiểm tra với một số mặt hàng vẫn chủ yếu được làm thủ công vì không đủ điều kiện về máy móc, trang thiết bị nên việc KTCN nhiều mặt hàng liên quan tới an toàn thực phẩm, thực tế, chỉ mang tính chất đối phó.

Nghị quyết 19 yêu cầu 10 Bộ rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý, KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng mới chỉ có 3 Bộ (gồm Tài chính, NN&PTNT, GTVT) chủ động triển khai thực hiện, còn lại các bộ về cơ bản chưa quan tâm đúng mức tới nhiệm vụ hết sức quan trọng này...

Nguyễn Khuê

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/kinh-doanh/suc-nang-qua-tai-voi-doanh-nghiep-119950