Sức mua Tết này tại TP. HCM sẽ tăng 11%-13%

Theo dự báo của Sở Công Thương TP.HCM, sức mua mùa Tết năm nay tăng khoảng 11 - 13% so với Tết Quý Mão 2023. Sức mua sẽ tập trung vào nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, bánh kẹo, nước giải khát, quần áo, giày dép, đồ dùng...

UBND TP.HCM họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình KT – XH, các sở, ngành của TP.HCM đã cung cấp thông tin liên quan việc chuẩn bị hàng hóa Tết, tiến độ tuyến metro số 1 và quyền lợi của người mua nhà ở xã hội...

Sức mua cuối năm tăng?

Theo dự báo của Sở Công Thương TP.HCM, sức mua mùa Tết năm nay tăng khoảng 11 - 13% so với Tết Quý Mão 2023. Sức mua sẽ tập trung vào nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, bánh kẹo, nước giải khát, quần áo, giày dép, đồ dùng...

Để chuẩn bị hàng hóa Tết, ngay từ đầu năm, TP.HCM đã xây dựng kế hoạch và giao Sở Công thương chủ trì triển khai. Theo đó, lượng hàng bình ổn chiếm từ 25% - 43% nhu cầu thị trường. Bình quân mỗi tháng, lượng hàng dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng: 5.000 tấn gạo, 70 triệu trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn...

TPHCM không để khan hiếm hàng hóa (Ảnh: H.K)

Ông Nguyễn Phương Duy, Phó trưởng Phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương TP.HCM cho biết: “Doanh nghiệp sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, sẵn sàng bán hàng lưu động đến nơi thiếu hàng cục bộ... kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống”.

Vừa qua, Sở Công Thương TP.HCM đã tổ chức kiểm tra nguồn hàng gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện giá gạo thế giới đang trong xu hướng tăng và khó dự đoán. Do đó, Sở đang theo dõi sát diễn biến vì giá gạo thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm trong nước những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán.

Metro số 1 có thể khai thác thương mại từ tháng 7/2024

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, hiện công trình metro số 1 đã đạt khoảng 96,58%. Trong đó, các gói thầu xây dựng có tiến độ rất tốt. Hiện chủ đầu tư và nhà thầu đang nỗ lực tối đa và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay và thời gian kết thúc dự án là từ năm 2024 – 2028.

Trước khi đưa vào khai thác, thì metro số 1 sẽ còn nhiều thủ tục, quy định phải đáp ứng như: Kiểm tra nghiệm thu, đánh giá hạng mục, chất lượng công trình, đào tạo nhân viên vận hành, cơ sở vật chất các nhà ga...

Dự kiến metro 1 khai thác thương mại vào tháng 7-2024 (Ảnh H.K)

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, từ tháng 1 đến tháng 6/2024, MAUR sẽ tiếp tục nghiệm thu một số hạng mục và thanh toán các hạng mục đã hoàn thành; đào tạo nhân sự vận hành thương mại; lắp đặt hệ thống cơ điện.

“Tháng 5-6/2024 sẽ hoàn thành công tác kết nối nhánh trái và nhánh phải các cầu bộ hành và đặc biệt là hoàn thành hai công tác quan trọng là công tác đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống và đánh giá nghiệm thu công trình chuyên biệt với các cơ quan quản lý nhà nước. Và kế hoạch là tháng 7/2024 sẽ đưa metro số 1 vào vận hành thương mại nếu mọi thủ tục thuận lợi” - ông Nguyễn Trung Hiếu nói.

Liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội đang nổi lên vướng mắc, đó là: Trường hợp muốn hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội phải đảm bảo chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình.

Theo ông Hồ Ngọc Việt, Phó trưởng Phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM: Quy định trên sẽ dẫn đến việc hộ gia đình có nhiều người, nhiều thế hệ cùng đăng ký thường trú khó được hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Sở Xây dựng đã kiến nghị để giải quyết việc này.

“Sở Xây dựng cũng trình UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, hướng dẫn theo hướng xác định hộ gia đình chỉ bao gồm cha, mẹ và con chưa thành niên (gia đình nhỏ), để tạo điều kiện cho các trường hợp có khó khăn về chỗ ở được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Sau khi có hướng dẫn của Bộ và chỉ đạo của UBND Thành phố thì Sở sẽ triển khai” - ông Hồ Ngọc Việt nói.

Hà Khánh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/suc-mua-tet-nay-tai-tp-hcm-se-tang-11-13-post1058260.vov