SỨC MỚI DUYÊN HẢI

Tôi từng trở về thăm Trà Vinh nhiều lần, nhưng hơn chục năm rồi, nay mới trở lại thăm huyện Duyên Hải - một huyện ven biển đầy nắng, đầy gió, nhưng cũng đầy bụi cát, nhất là vào buổi trời động.

Khu xỉ than trong các Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải. Ảnh: BT

Anh Bùi Quang Huy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh (tên gọi thân mật là Chín Nhỏ) mặc dù tuổi cao, nhưng dáng đi vẫn nhanh nhẹn, trí nhớ vẫn mẫn tiệp, đích thân dẫn tôi xuống vùng duyên hải - nơi đầu những thập niên đất nước ta bước vào đổi mới - anh tình nguyện nhận nhiệm vụ làm Bí thư Huyện ủy ở đây. Tôi may mắn, vào năm đầu nhiệm kỳ của anh, tôi đã có mặt, được anh trực tiếp dẫn đi thăm một số cơ sở còn bộn bề gian khó. Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm ở trụ sở và nhà khách của huyện ngày ấy với mấy ngôi nhà cấp 4 xập xệ, nằm chìm trong vùng um tùm cỏ lác, đầy muỗi và vắt. Tôi nhớ mãi một sớm đi tập thể dục về, thấy ống chân ngưa ngứa, té ra 4 con vắt đã bám chặt vào chân, hút no máu kềnh càng, tôi vội vã dùng giấy lộn gói chúng ném xuống hồ nước. Anh Chín thấy vậy cười vui: vắt nó quý máu người Hà thành đó!

“Bây giờ thì khác nhiều rồi Hồng Vinh ạ” - anh Chín Nhỏ ngồi cạnh tôi trong xe tâm sự trên đường xuống thị xã. Đúng là khung cảnh một huyện miền biển xưa kia, nay được công nhận là thị xã, đã khác xa một trời một vực. Đường rải nhựa chạy dọc ngang vuông vức giữa các mái nhà ngói cao tầng. Biển ghi tên các phố được treo nắn nót. Trụ sở Thị ủy và UBND thị xã khang trang với nhiều tiện nghi phục vụ cả guồng máy hoạt động thông suốt trong thời “số hóa”. Chẳng còn bao ngày nữa, cả nước kỷ niệm 48 năm ngày 30/4 lịch sử. Hiểu ý tôi, đồng chí Nguyễn Văn Lánh, Phó Chủ tịch UBND thị xã dẫn đoàn nhà báo xuống thăm di tích các “chuyến tàu không số” ở bến Cồn Tàu.

Một điều thật ngỡ ngàng đối với tôi là, xưa nay, tôi thường nghĩ rằng, các cán bộ, chiến sĩ ở nhiều địa điểm trên vùng biển của đồng bằng sông Cửu Long này trong thời chống Mỹ chỉ có nhiệm vụ đón các đoàn tàu không số từ bến Đồ Sơn (Hải Phòng) vào đây để bàn giao vũ khí. Nhưng đọc những dòng chữ trên Bảng vàng trong Nhà lưu niệm, tôi bàng hoàng kính phục khi biết rằng chuyến đầu tiên của cán bộ, chiến sĩ Trà Vinh xuất phát từ nơi đây ngày 03/3/1961, đã mưu trí đánh lạc hướng kẻ thù nhiều phen, để rồi cập bến Đồ Sơn vào ngày 18/3/1961 nhận vũ khí và trở về nơi đây an toàn. Kể từ ngày đó cho đến năm 1971, Đoàn 962 đã có hàng trăm chuyến tàu không số ra Bắc nhận và chuyển về các điểm ở Nam Bộ hàng ngàn tấn vũ khí, trong đó, đơn vị B22 của Trà Vinh đã chuyển về đây gần 700 tấn. Trong cuộc chiến đấu tử sinh bảo vệ số vũ khí ấy, Đơn vị B22 bến Trà Vinh đã có 95 cán bộ, chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất và lòng biển khi diễn ra các cuộc chiến sống mái với kẻ thù, một khi chúng phát hiện ra các tàu không số…

Khu di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu, ấp Cồn Tàu, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải. Ảnh: BT

Từ bến Cồn Tàu, Đoàn rẽ thăm bốn nhà máy nhiệt điện, đã phát điện thương mại vào năm 2016. Lại thêm một bất ngờ thú vị nữa với tôi là, có ai ngờ trên mảnh đất có nhiều vùng đầm lầy, lau sậy ngập đầu năm xưa này, lại mọc lên những cơ sở công nghiệp bề thế và hiện đại như vậy!

Điểm đầu tiên đoàn đến thăm là cầu cảng và dây chuyền tiếp nhận than từ Quảng Ninh hoặc Indonexia về đây, đã được hiện đại hóa 100% các công đoạn. Tôi tò mò hỏi đồng chí Giám đốc cảng: sao đã mua than từ Quảng Ninh ta, lại còn mua than của Indonexia? Anh trả lời: “làm sản xuất, kinh doanh bao giờ cũng phải chuẩn bị ít nhất hai phương án. Mặt khác, vì tính từ đây, độ dài vận chuyển than so giữa hai điểm không vênh nhau lắm”.

Nhớ lúc xuống xe thì cảng nổi gió ào ào, cát bụi mịt mù. Gió quất vào người như những trận roi, khiến nước mũi nhiều người cứ chảy hoài. Chị Khanh, nguyên Tổng Biên tập Báo Trà Vinh phải vào xe ngồi tránh gió bụi. Gió mạnh đến nỗi Ban lãnh đạo không dám cho đoàn đi thăm con đường cầu cảng vươn ra biển hàng trăm mét. Tôi càng cảm phục sức chịu đựng bền bỉ của những công nhân nơi đây trước cái đặc thù nghiệt ngã của mưa, nắng và gió cát ở vùng duyên hải này, mà rất ít nơi phải hứng chịu.

Đô thị thị xã Duyên Hải ngày nay. Ảnh: THANH KHIẾT

Rời cảng, chúng tôi vào thăm những phòng tác nghiệp được bố trí trong các lầu của tòa nhà cao tầng với không khí bình yên, ấm áp, trái ngược hoàn toàn nơi cầu cảng. Song, điều gây ấn tượng với Đoàn là, ở các phòng tuy rộng nhưng chỉ có 03 - 04 người thao tác trên máy. Là người viết báo, tôi từng biết đã có nhiều cuộc tranh luận diễn ra: có nên tiếp tục duy trì phát triển hệ thống nhà máy nhiệt điện không, vì từ thực tiễn Nhà máy Nhiệt điện ở Ninh Bình và một số nơi khác, nhân dân không đồng tình vì tạo ra quá nhiều bụi bặm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhiều lớp người. Hơn nữa, ta đang có lợi thế phát triển thủy điện, điện gió, điện mặt trời… Song, đấy là nói chung; còn nói riêng ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn cần có nhà máy nhiệt điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở một vùng đất rộng lớn, vựa lúa trọng tâm của cả nước.

Chúng tôi được đồng chí Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải cho biết: Nhà máy đã có nhiều lợi thế để khắc phục tác động tiêu cực tới môi trường: đó là địa điểm nhà máy đặt bên biển trên một diện tích rất rộng, xa hẳn khu dân cư; còn trong nhà máy, các hàng cây, bồn hoa được chăm sóc, luôn tươi xanh. Cho đến nay, Công ty đã trồng 12 triệu 500 ngàn cây xanh; các quy chế bảo vệ môi trường được thực hiện nghiêm ngặt. Cả đoàn đứng lâu ở phía ngoài nhà máy, tìm thấy rất nhiều loài chim về hội tụ ở bãi lau sậy ngút ngát. Còn phía trong, bên các lối đi, các sân chơi mơn mởn hàng cây xanh và giữa lớp cỏ non là nhiều loại hoa đa sắc màu đang nở. Với các điều kiện ấy, Duyên Hải lại cho phép hoàn thiện thêm nhà máy thứ năm của công ty tư nhân. Riêng sản lượng của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải phát hằng năm khoảng 08 tỷ kW/h điện. Vì vậy, Công ty đã mang lại những kết quả rất thiết thực, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho khu vực phía Nam và cả nước; góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của thị xã Duyên Hải từ nông - ngư nghiệp sang làm theo hướng công nghiệp - dịch vụ; tăng cường xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư vào tỉnh Trà Vinh; cùng chính quyền địa phương thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn. Riêng phần nộp ngân sách Nhà nước, từ năm 2015 đến nay, Công ty đã góp gần 7.600 tỷ đồng; riêng năm 2022 là 1.020 tỷ đồng, chi 2,7 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội. Lương tháng bình quân của công nhân được duy trì ở mức 20 triệu đồng. Công ty có khu tập thể cho mấy trăm công nhân ăn ở và sinh hoạt, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần.

Trong buổi trò chuyện với đoàn, đồng chí Nguyễn Văn Lánh thông báo vắn tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của thị xã: “Mặc dù tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 vẫn còn; chất lượng hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã còn hạn chế; tiềm năng, thế mạnh của vùng đất chưa được phát huy mạnh mẽ…, nhưng nhờ bám sát phương châm hành động của Tỉnh ủy là “Đoàn kết - Kỷ cương - Hành động - Sáng tạo - Đột phá - Phát triển” với 06 nhiệm vụ tập trung và 03 nhiệm vụ đột phá, thị xã đã và đang tạo nên những chuyển biến tích cực, duy trì và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy giáo dục - đào tạo có bước chuyển mới, khơi gợi nông dân vùng ngoại thị có ý thức nhiệt huyết tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao”.

Xe chúng tôi lướt qua những cánh đồng với nhiều loại hoa màu khác đang đua nhau trải màu xanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hằng ngày cho thị xã và các vùng lân cận. Đường ngõ phường, xã ngày thêm phong quang, xanh - sạch - đẹp… Thị xã đang choàng lên mình tấm áo mới bên bờ Biển Đông với sự toàn tâm hiệp lực, chung sức, đồng lòng của mỗi người dân, tạo nên động lực mới, hy vọng mới!

Hà Nội - Trà Vinh, Tháng 4/2023

Bút ký của NGUYỄN HỒNG VINH

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/suc-moi-duyen-hai-28401.html