Sức mạnh từ 'Dân vận khéo' ở Đắk Nông

20 năm qua, công tác dân vận ở Đắk Nông đã góp phần tạo đồng thuận trong xã hội, tăng niềm tin của Nhân dân vào Đảng, chính quyền.

Dân vận ngày càng đi vào chiều sâu

Từ bộn bề khó khăn của những ngày đầu tái lập tỉnh, bằng sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ làm công tác dân vận, đến nay, công tác vận động quần chúng ở Đắk Nông đã dần đi vào chiều sâu, hướng mạnh về cơ sở.

Công tác vận động quần chúng đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống, chính trị và các tầng lớp Nhân dân với những cách làm thiết thực, đa dạng, phù hợp đặc thù địa phương, đối tượng.

Hàng năm, vào các dịp lễ kỷ niệm của các tổ chức tôn giáo, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều đến thăm hỏi, động viên, chúc mừng. (Ảnh: Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông và đồng chí Hà Thị Hạnh, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy thăm, chúc mừng Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh nhân dịp Giáng sinh năm 2024)

Cấp ủy, hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở luôn tranh thủ phát huy vai trò của chức sắc, chức việc, tăng, ni, người có uy tín trong các tổ chức tôn giáo tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về sinh hoạt tín ngưỡng. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến cơ sở đều tổ chức đi thăm, tặng quà các cơ sở tôn giáo.

Đồng chí Hà Thị Hạnh, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy thăm, chúc mừng các cơ sở Phật giáo huyện Đắk Song nhân dịp Lễ Phật đản năm 2023

Nhiều chức sắc tôn giáo cũng đã tham gia vào bộ máy chính quyền các cấp; từ đó nắm bắt kịp thời các vấn đề liên quan đến địa phương để tuyên truyền, vận động bà con.

Riêng cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, trên địa bàn tỉnh có 269 chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Trong đó, có 242 chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND các cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, nhiệm kỳ 2021-2026.

Công tác vận động bà con dân tộc thiểu số chăm lo lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững được cán bộ bon Păng Suôi, xã Đắk R'măng, Đắk Glong quan tâm

Đối với các vùng dân tộc thiểu số, ban dân vận các cấp chú trọng phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ người có uy tín, lực lượng cốt cán trong tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân.

Bởi đội ngũ cốt cán, người có uy tín là những người gần dân, sát dân, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào mình, nên luôn được bà con tin tưởng tuyệt đối.

Hơn 20 năm qua, đội ngũ này đã tích cực vận động bà con chăm lo lao động sản xuất, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn mới, góp phần tạo nhiều đổi thay ở các bon làng.

Đặc biệt, với uy tín, trách nhiệm cao, đội ngũ này không chỉ là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với đồng bào các dân tộc thiểu số mà còn là trung tâm của khối đại đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân cư.

Mỗi giai đoạn, công tác vận động quần chúng đều có sự đổi mới, đa dạng cách thức, nội dung tuyên truyền cho phù hợp thực tiễn.

Đồng chí Hà Thị Hạnh, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông

Theo đồng chí Hà Thị Hạnh, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, công tác vận động quần chúng đã huy động được sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Quần chúng Nhân dân luôn tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền; yên tâm phát triển kinh tế, chung sức dựng xây địa phương ngày càng phát triển.

Miệng nói, tay làm để dân vận khéo

“Dân vận khéo” là một trong những phong trào thi đua được các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống dân vận quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện triển khai sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, các ngành, cơ quan, đơn vị...

Hầu hết các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đều tập trung hướng về cơ sở, quan tâm chăm lo đời sống vật, chất tinh thần cho Nhân dân. Qua đó, từng bước mở rộng và phát huy dân chủ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị làm công tác dân vận.

Tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, phong trào thi đua “Dân vận khéo” còn được triển khai thực hiện đồng thời với các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, ngành phát động đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư.

Thực hiện mô hình "Dân vận khéo", Đảng ủy Quân sự huyện Cư Jút đã triển khai hỗ trợ sinh kế chăn nuôi bò cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, riêng 10 năm trở lại đây, hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, toàn tỉnh đã có 420 mô hình của tập thể và 277 mô hình của cá nhân được công nhận "Dân vận khéo".

Nhiều mô hình "Dân vận khéo" đã được Nhân dân đồng thuận hưởng ứng, tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Điển hình như Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, “Tiết kiệm vì ngày mai lập nghiệp”, “Tiết học vùng biên”, “Tuyến đường hoa”, “5 cán bộ, đảng viên giúp một hộ dân thoát nghèo”, “Chia sẻ yêu thương, đưa em vững bước tới trường”, “Thoát nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ”, “Tổ tuyên truyền - bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng”…

Trong đó, riêng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do các cấp hội phụ nữ trong tỉnh thực hiện đã nhận đỡ đầu tổng 189 trẻ em, với mức hỗ trợ bình quân từ 500.000 - 1.000.000 đồng/cháu/tháng.

Qua nhiều năm, Chương trình đã trở thành “cầu nối”, điểm tựa đầy tình thương, trách nhiệm, để các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ có cơ hội được học tập, phấn đấu trở thành những công dân có ích cho xã hội, góp phần xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh, trật tự, kỷ cương.

Bà H’Vi Êban, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Nông cho biết, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã khơi dậy được tình yêu thương, sự sẻ chia và lòng trắc ẩn của người phụ nữ đối với trẻ em mồ côi.

Với phương châm “Ở đâu có trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở đó có mẹ đỡ đầu”, đến nay, chương trình đã có sức lan tỏa sâu rộng, trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức hội phụ nữ các cấp.

Chi bộ Đại đội Bộ binh 4, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư Jút đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục đến trường

Hay mô hình “5 cán bộ, đảng viên giúp một hộ dân thoát nghèo” của huyện Đắk Song, được triển khai thực hiện từ năm 2020, đến nay, toàn huyện đã huy động được tổng số tiền trên 4,12 tỷ đồng, giúp đỡ được 402 hộ thoát nghèo.

Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả to lớn trong công tác giảm nghèo của địa phương, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ mà còn phát huy được vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với người dân, nhất là hộ nghèo.

Đây là mô hình hay, ý nghĩa được Tỉnh ủy đánh giá cao và yêu cầu cần được tiếp tục phát huy và nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh.

Cũng theo đồng chí Hà Thị Hạnh, thời gian tới, hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận không ngừng học tập, nâng cao trình độ, thực hiện hiệu quả phương châm “óc nghĩ, mắt trông, chân đi, tai nghe, miệng nói, tay làm”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thuận An, Đắk Mil tuyên truyền, vận động bà con dân tộc thiểu số ở xã Thuận An chấp hành quy định về an ninh biên giới, cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc

Hệ thống dân vận các cấp phát huy vai trì, gần dân, sát dân, nắm chắc tình hình dư luận, Nhân dân kịp thời phản ánh, đề xuất tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân để cấp có thẩm quyền xem xét.

Quá trình triển khai thực hiện, các cấp, ngành tiếp tục động viên, khích lệ đội ngũ người có uy tín, cốt cán, người đứng đầu các cơ sở tôn giáo phát huy vai trò, trách nhiệm để việc tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao về chất và lượng nhằm tạo khí thế sôi nổi trong các cấp, ngành, địa phương và Nhân dân.

Hoàng Hoài

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/suc-manh-tu-dan-van-kheo-o-dak-nong-201271.html