Sức mạnh mềm của Nga trong xử trí nổi loạn

Sáng 25-6, tập đoàn quân sự tư nhân Wagner có 'cú quay xe' bất ngờ khi quyết định dừng đưa quân tới Moscow (Nga) nhằm giảm căng thẳng leo thang sau khi chấp nhận đề xuất từ trung gian là Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, 'đồng minh đúng nghĩa' của Nga. Sự lùi bước của Wagner sau 24 giờ nổi loạn diễn ra với tốc độ chóng mặt khiến mối lo về cuộc nội chiến giữa tập đoàn này và quân đội Nga ngay tại Moscow đã lắng xuống.

Cảnh sát Nga tuần tra bên ngoài tòa nhà Tập đoàn quân sự tư nhân PMC Wagner ở Saint Petersburg ngày 24-6. Ảnh: AFP

RIA (Nga) đăng tải video cho thấy người đứng đầu Wagner, ông Yevgeny Prigozhin, rời căn cứ quân sự ở Rostov trên ô-tô. Thống đốc khu vực Rostov Vasily Golubev xác nhận: “Đoàn quân Wagner đã rời Rostov và hướng đến các trại dã chiến của họ”. Trên Telegram, ông Prigozhin cũng tuyên bố, lực lượng này dừng hành quân và quay trở lại lán trại dã chiến.

Lời kêu gọi đoàn kết từ Tổng thống Putin

Theo TASS, theo thỏa thuận do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đề xuất và được Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp thuận tối 24-6 (giờ địa phương), ông Prigozhin sẽ tới Belarus và vụ án hình sự mà nhân vật này phải đối mặt sẽ khép lại. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, ông Prigozhin và các thành viên Wagner sẽ không bị truy tố nếu tuân thủ thỏa thuận. Ông Peskov bác bỏ khả năng vụ nổi loạn vũ trang này tác động tới chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cùng ngày, mọi hạn chế được áp đặt trước đó với các tuyến đường cao tốc ở Nga được dỡ bỏ.

Có thể thấy, giới chức Nga hết sức bình tĩnh tìm cách ứng phó cuộc đổ bộ như vũ bão của Wagner. Bên cạnh quan điểm cứng rắn khi sẵn sàng thực thi các biện pháp quân sự cần thiết trong chiến dịch chống khủng bố, chính quyền Tổng thống Putin vẫn nỗ lực phối hợp các bên liên quan để tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng thông qua con đường đàm phán.

Ngay trong bài phát biểu trước toàn quốc khi Wagner có âm mưu nổi loạn, Tổng thống Putin kêu gọi tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng, hợp nhất và trách nhiệm của tất cả lực lượng để vượt qua tình thế nguy cấp. “Tất cả các xung đột, bất hòa nội bộ phải gác lại vào lúc này vì kẻ thù bên ngoài có thể lợi dụng điều đó để làm suy yếu đất nước từ bên trong”, ông Putin nói. Nhà lãnh đạo Nga nhắc lại bài học lịch sử cay đắng khi kịch bản tương tự đã diễn ra ở Nga vào năm 1917 khi nước Nga đang trong Thế chiến 1. Tổng thống Putin cam kết thực hiện mọi hành động bảo vệ đất nước, trật tự hiến pháp, cuộc sống, an ninh và quyền tự do của công dân Nga; đồng thời khẩn trương điện đàm với những người đồng cấp Belarus, Uzbekistan và Kazakhstan để tìm hướng xử trí.

Belarus luôn sát cánh cùng Nga

Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”, với sự đồng ý của Tổng thống Putin, Tổng thống Lukashenko làm rất tốt vai trò trung gian giúp xử lý ổn thỏa cuộc nổi loạn và kết quả là thủ lĩnh Wagner phải chấp nhận rút quân kèm các điều kiện nói trên, trong đó có bảo đảm an ninh. Theo RT, Tổng thống Lukashenko khéo léo sử dụng kênh liên lạc riêng để nhiều lần đối thoại với Prigozhin trong suốt ngày 24-6 và sau cùng, ông Prigozhin phải chấp nhận đề xuất của ông Lukashenko và tiến hành các bước giảm căng thẳng. Sự tham gia đàm phán của ông Lukashenko tiếp tục chứng minh mối liên kết bền chặt Nga - Belarus. Hội đồng An ninh Belarus khẳng định: “Belarus và Nga là những dân tộc anh em, các quốc gia của chúng ta bị ràng buộc bởi liên minh chính trị. Người dân Belarus đang và sẽ luôn sát cánh cùng Nga”.

Theo Al Zaeera, ông Lukashenko đề nghị hòa giải bởi lẽ ông hiểu rất rõ về cá nhân thủ lĩnh Wagner trong khoảng 20 năm qua. Một quan chức Nga tiết lộ: “Tránh đối đầu nội bộ và đụng độ với những kết quả khó lường là mục tiêu cao nhất trong cuộc thương lượng kịch tính này”. Giới quan sát suy đoán, ông Prigozhin có thể nhượng bộ như đặt Tập đoàn Wagner dưới quyền liên bang hoặc ông có thể chuyển hoạt động của lực lượng này trở lại châu Phi, nơi lính Wagner hoạt động tích cực những năm gần đây.

Ngày 25-6, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo, các nước phương Tây không nên sử dụng tình hình nội bộ ở Nga để đạt được mục tiêu chống lại nước này. Đáng chú ý, theo Washington Post, trước khi xảy ra cuộc nổi dậy này, tình báo Mỹ theo dõi các dấu hiệu cho thấy thủ lĩnh Prigozhin và lực lượng Wagner có ý định chống lại giới lãnh đạo quân đội Nga giữa tháng 6-2023.

24 giờ nổi loạn
Ngày 24-6 (giờ địa phương), nhóm Wagner điều hàng nghìn quân đang tham chiến ở Ukraine vượt biên giới trở về Nga để “đòi công lý” sau khi cáo buộc Bộ Quốc phòng Nga không kích nhắm vào doanh trại của lực lượng này ngày 23-6. Trong khi đó, Moscow bác bỏ cáo buộc này và khẳng định mọi nội dung phát tán trên mạng xã hội về vụ tấn công đều không đúng và mang tính khiêu khích. Căng thẳng leo thang khi quân Wagner tiếp tục từ Rostov on Don, nơi lực lượng này nắm quyền kiểm soát các căn cứ quân sự quan trọng, tiến qua Voronezh rồi hướng về Moscow. Sự vụ buộc lực lượng vệ binh quốc gia Nga đặt trong tình trạng báo động toàn diện và an ninh ở Moscow được siết chặt. Sau thỏa thuận với Tổng thống Belarus Lukashenko, tối 24-6, thủ lĩnh Prigozhin đình chỉ cuộc tiến quân khi chỉ cách Moscow 200km.

THƯ LÊ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5408/202306/suc-manh-mem-cua-nga-trong-xu-tri-noi-loan-3947549/