Sức mạnh kinh khủng của quân đội Ukraine trong quá khứ

Được thừa kế khối tài sản khổng lồ từ Liên Xô, nhưng Ukraine đã đánh mất tất cả những gì tinh túy nhất và đẩy mình rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Vào thời điểm mới thành lập, Quân đội Ukraine rất mạnh, có 3 quân khu lớn với quân số là 980.000 binh lính và 3 tập đoàn quân không quân, hơn nữa còn chưa tính tới kho vũ khí của lực lượng hạt nhân chiến lược gồm 176 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạt nhân, bao gồm 130 tên lửa SS-19 và 24 tên lửa SS-24, cùng hơn 1.000 đầu đạn.

Vào thời điểm mới thành lập sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine được xem như là cường quốc hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga, đứng trước Trung Quốc về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, trước sức ép của phương Tây và Nga, Ukraine đã quyết định tiêu hủy và chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Nga. Đến năm 1994, trên đất nước Ukraine không còn vũ khí hạt nhân.

Dưới thời Liên Xô, Ukraine là nơi có nhiều nhà máy và xưởng chế tạo công nghiệp nặng. Sau năm 1991, đất nước này được thừa hưởng rất nhiều công nghệ vô cùng tiên tiến, đặc biệt là ngành đóng tàu.

Vào những năm 1980, nhà máy đóng tàu nằm ở Biển Đen của Ukraine, đã đóng cùng lúc cả hai tàu sân bay là Đô đốc Kuznetsov và Varyag. Và như chúng ta đã biết, chỉ có tàu Đô đốc Kuznetsov được đưa vào biên chế, còn tàu Varyag mới hoàn thiện được khoảng 60% và bỏ dở vì Liên bang Xô viết sụp đổ.

Do tiềm lực kinh tế hạn chế, nên việc tiếp nhận kho vũ khí khổng lồ của Liên Xô là một gánh nặng đối với Ukraine. Họ không có kinh phí để duy trì hoạt động, chưa kể đến việc tiếp tục xây dựng.

Do không có kinh phí, tàu Varyag không thể hoàn thành được, Trung Quốc nhanh chóng chớp lấy cơ hội mua nó và làm nốt phần còn lại. Tàu Varyag nay là tàu sân bay Liêu Ninh - CV 16 nổi tiếng, là hàng không mẫu hạm đầu tiên của Hải quân Trung Quốc.

Trước đây khi còn nằm trong thành phần Liên bang Xô viết, Ukraine có khả năng đóng tàu hàng chục nghìn tấn, nhưng giờ chỉ đóng được tàu nhỏ. Hải quân Ukraine hiện dựa hoàn toàn vào các tàu tuần tra nhỏ Gyurza-M, thậm chí chúng còn được xếp vào loại tàu tuần tra ven biển.

Đáng gờm nhất, bên cạnh hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Ukraine là máy bay ném bom uy lực kế thừa từ Liên Xô. Ukraine từng sở hữu 43 máy bay ném bom chiến lược, bao gồm 23 chiếc Tu-95 và 20 chiếc Tu-160.

Ngoài ra, Ukraine còn có 241 máy bay ném bom chiến thuật, bao gồm 90 chiếc Tu-160; 70 chiếc Tu-22 và 81 chiếc Tu-22M. Tu-160 là một trong những máy bay ném bom uy lực nhất thời bấy giờ, nhưng do không có kinh phí để bảo trì nó, Ukraine đã lên kế hoạch bán chúng cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự can thiệp của Mỹ đã ngăn cản điều này và Ukraine đã phải phá hủy tất cả. Hiện tại, Không quân Ukraine không còn vận hành máy bay ném bom.

Đáng kể nhất có lẽ là lực lượng xe tăng của quân đội Ukraine. Ukraine thừa hưởng một số lượng lớn xe tăng với 5.300 chiếc từ T-54/55, T-62, T-64 đến T-72 và T-80 hiện đại, 2.400 xe chiến đấu bọc thép. Điều này đã tạo cho quân đội Ukraine một sức mạnh không thể phủ nhận, mạnh hơn bất kỳ lực lượng mặt đất Tây Âu nào khác.

Hơn hai chục năm sau khi Liên Xô sụp đổ, quân đội Ukraine đã trở thành một trong những quân đội yếu nhất trong khối hậu Xô-viết. Tuy Quân đội Ukraine hiện nay đã khá hơn nhiều so với thời nổ ra xung đột vào năm 2014, nhưng vẫn không phải là đối thủ của lực lượng quân sự Nga đông đảo hơn. Nếu chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, nhiều khả năng Ukraine sẽ bị lép vế hoàn toàn.

Thái Hòa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/suc-manh-kinh-khung-cua-quan-doi-ukraine-trong-qua-khu-1650359.html