Sức mạnh hủy diệt của bom FAB-3000 lớn đến mức nào?

Bộ Quốc phòng Nga mới đây tuyên bố bắt đầu sản xuất hàng loạt bom hàng không FAB-3000 gắn module UMPC.

Bom FAB-3000 là vũ khí phát triển dưới thời Liên Xô và được đưa vào sử dụng trong thời kỳ hậu chiến tranh thế giới. Giống như các loại bom có sức nổ mạnh khác, nó được thiết kế để phá hủy cơ sở hậu cần và thông tin liên lạc, tổ hợp công nghiệp quân sự và năng lượng, thiết bị tác chiến cũng như nhân lực.

Do cấu tạo phần thân tương đối chắc chắn cùng trọng lượng lớn, quả bom có thể xuyên qua mặt đất, hoặc vượt qua các chướng ngại vật một cách rất dễ dàng.

Quả bom nặng 3 tấn này mạnh hơn nhiều so với những "người anh em" nhỏ hơn của nó bao gồm FAB-250, FAB-500 và FAB-1500. FAB-3000 nặng gần 3 tấn, trong đó khoảng 1.400 kg là đầu đạn chứa thuốc nổ mạnh.

Hiệu quả của những quả bom này có thể được đánh giá dựa trên kinh nghiệm sử dụng chúng trong cuộc chiến tranh Afghanistan.

Như đã báo cáo trong cuốn sách “Lịch sử vũ khí hàng không” của Alexander Hirokorad, khi tấn công lực lượng thánh chiến, bán kính sát thương chết người từ sóng xung kích của bom FAB-3000 là khoảng 39 mét, và trong bán kính lên tới 158 mét, đối phương bị chấn động chảy máu mũi và tai.

Ngày nay, mục tiêu chính của FAB-3000 được coi là các vật thể dưới lòng đất và trên mặt đất có độ bền đặc biệt. Tuần báo Zvezda đưa tin: “Khi FAB-3000M phát nổ, các công trình bị phá hủy hoàn toàn nằm trong một vòng tròn có đường kính khoảng 35 mét”.

Bom FAB-3000 có sức mạnh rất lớn nhưng cũng cồng kềnh và rất bất tiện khi sử dụng.

Chúng ta cũng hãy nhớ lại rằng Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga thậm chí còn có nhiều quả bom hủy diệt lớn hơn trong kho vũ khí của họ.

Ví dụ, FAB-9000, được phát triển vào cuối những năm 1950 và vẫn được coi là loại bom phi hạt nhân mạnh nhất đang được Liên Xô sử dụng và hiện nay là Nga.

Trọng lượng của đầu đạn bom FAB-9000 là hơn 4200 kg. Những quả bom này đã được sử dụng trong trận đánh tại Mariupol - chỉ chúng mới có thể phá hủy các lối đi liên lạc và cơ sở nằm ở độ sâu 6 tầng trong lòng đất Nhà máy thép Azovstal.

Tuy nhiên việc sử dụng vũ khí trên có nhược điểm, đó là trọng lượng quá nặng khiến chỉ có máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 mang nổi.

Bên cạnh đó bom cũng không thể lướt đi xa bất chấp có thêm module UMPC, khiến phương tiện mang gặp rắc rối lớn với phòng không Ukraine đã có trong tay những hệ thống tầm xa vô cùng lợi hại.

Nga bắt đầu sản xuất hàng loạt bom cỡ lớn FAB-3000.

Theo Rossiyskaya Gazeta

Bạch Dương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-manh-huy-diet-cua-bom-fab-3000-lon-den-muc-nao-post676501.html