Sức lan tỏa của loạt dự án trọng điểm

Hàng loạt dự án lớn được đưa vào vận hành tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho vùng cũng như cả nước

Những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11-2023, tin vui liên tiếp đến với người dân và chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi các dự án lớn như Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải, dự án hóa dầu Long Sơn, dự án cảng cạn Phú Mỹ đã hoàn thành và sắp hoàn thành được đưa vào vận hành.

Cuối tháng 10, một sự kiện đặc biệt của ngành năng lượng đã diễn ra, đánh dấu những nỗ lực vượt bậc của Việt Nam trong hành trình chuyển đổi năng lượng xanh, thân thiện với môi trường, công trình công nghiệp dầu khí cấp đặc biệt - Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải (LNG 1 triệu tấn Thị Vải) do Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) thực hiện đã chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Kho LNG Thị Vải được khởi công xây dựng vào tháng 10-2019 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư gần 300 triệu USD, do PV Gas làm chủ đầu tư cùng liên danh Tổng thầu Samsung C&T và Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). Sau gần 4 năm, từ khu đất khoảng 5 ha đã mọc lên công trình LNG lịch sử đầu tiên, lớn nhất và hiện đại nhất của Việt Nam với bến cảng có thể tiếp nhận tàu chuyên chở LNG trọng tải đến 100.000 DWT, bồn chứa có dung tích tồn trữ 180.000 m3, đạt công suất qua kho trung bình 1 triệu tấn LNG/năm, giai đoạn 2 dự kiến nâng lên 3 triệu tấn LNG/năm.

Cảng cạn Phú Mỹ với những chuyến hàng đầu tiên

Tổng Giám đốc PV Gas Phạm Văn Phong cho biết công trình Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế, cũng như các yêu cầu về an toàn vận hành. "Việc hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động đã đánh dấu bước tiến mới của PV Gas trên bản đồ kinh doanh năng lượng thế giới. Công trình hoàn thành với nhiều nỗ lực vượt bậc, không chỉ là cơ sở hạ tầng LNG đầu tiên ở Việt Nam mà còn là một ví dụ điển hình cho việc hiện thực hóa sự chuyển đổi của ngành năng lượng quốc gia" - ông Phong khẳng định.

Tại lễ khánh thành kho LNG, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá dự án kho khí hóa lỏng Thị Vải vận hành là hạng mục quan trọng, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng, Chính phủ về định hướng và quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng quốc gia. Đây cũng là dự án mở đường để đưa sản phẩm khí thiên nhiên hóa lỏng LNG lần đầu tiên có mặt tại thị trường Việt Nam, chính thức ghi tên Việt Nam vào bản đồ LNG toàn cầu và đánh dấu bước đi quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững của Việt Nam.

Dự án tổ hợp hóa dầu lớn và hiện đại sắp vận hành

Sau 5 năm xây dựng, dự án tổ hợp hóa dầu lớn và hiện đại nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư 5,1 tỉ USD sắp chính thức vận hành thương mại. Đây là dự án trọng điểm quốc gia do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP - công ty thành viên của SCG Chemicals) làm chủ đầu tư, được khởi công vào năm 2018, tại xã Long Sơn (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn là dự án tổ hợp tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam, bao gồm các nhà máy polyolefin, cụm cảng - bồn bể chuyên dụng và nhà máy tiện ích trung tâm. Đặc biệt, lần đầu tiên tại Việt Nam, dự án có nhà máy olefins, sản xuất nguyên liệu trung gian dùng để sản xuất hạt nhựa phục vụ nền công nghiệp sản xuất nhựa.

Khi tổ hợp hoạt động ổn định, LSP sẽ cung cấp khoảng 1,4 triệu tấn polyolefin thay thế sản phẩm đang được nhập khẩu hiện nay, đây là nguyên liệu sản xuất nhiều loại sản phẩm nhựa sử dụng trong cuộc sống hằng ngày như chai, lọ, ống, bình nhiên liệu, màng bọc, nắp chai, phụ tùng ô tô, máy giặt, lưới công nghiệp… Dự án cũng đã tạo ra việc làm cho 18.000 lao động trong thời điểm thi công và tạo việc làm cho hơn 700 lao động được đào tạo, tay nghề cao tại Việt Nam.

Quan trọng hơn, khi đưa vào khai thác, tổ hợp hóa dầu được kỳ vọng tạo sức lan tỏa lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp hóa dầu, các ngành công nghiệp hạ nguồn như ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì và những ngành dịch vụ khác của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Kulachet Dharachandra, Tổng Giám đốc LSP, cho biết dự án đã tiến tới giai đoạn chạy thử vào tháng 11-2023 và sẽ hoạt động chính thức từ năm 2024. Ngoài cơ sở vật chất hiện đại, thiết bị kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt chú trọng đến bảo vệ môi trường thì trách nhiệm xã hội là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo LSP. "Để bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn đã đầu tư các công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất với khoảng 100 triệu USD. Đó là hệ thống đuốc đốt mặt đất khép kín, không phát sinh khói, ánh sáng, phát nhiệt và giảm tiếng ồn lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam" - ông Kulachet Dharachandra cho hay.

Cảng cạn đầu tiên hoạt động

Cuối tháng 10-2023, Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ tổ chức lễ công bố cảng cạn Phú Mỹ tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3. Đây là cảng cạn đầu tiên tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi vào hoạt động và là cảng cạn thứ 3 tại khu vực phía Nam, được xây dựng trên tổng diện tích 37,8 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.992 tỉ đồng.

Cảng cạn Phú Mỹ được hình thành từ nhu cầu tối ưu hóa vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tới các hành lang kinh tế lân cận, trở thành trung tâm hậu cần của cảng biển. Cảng cạn cung cấp một hệ sinh thái dịch vụ logistics đa phương thức, tích hợp, trọn gói với các dịch vụ cốt lõi như dịch vụ vận chuyển, dịch vụ xếp dỡ, đóng rút hàng hóa, kiểm tra và hoàn tất thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu kho, lưu bãi và các dịch vụ logistics khác.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết sự kiện công bố dự án cảng cạn Phú Mỹ là minh chứng cho sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc đầu tư phát triển hệ sinh thái dịch vụ hậu cần cảng Cái Mép - Thị Vải đồng bộ, hiện đại.

Bài và ảnh: NGỌC GIANG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/suc-lan-toa-cua-loat-du-an-trong-diem-20231106203515741.htm