'Sức khỏe doanh nghiệp' là yếu tố quyết định sự phát triển của Đà Nẵng

Đà Nẵng hiện có 38.768 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động. Những năm qua, các doanh nghiệp đã thể hiện rõ vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng...

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2024. Ảnh Ngô Anh Văn

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt một số doanh nghiệp, nhà đầu tư năm 2024 do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức chiều ngày 12/01, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đánh giá cao sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trên địa thành phố đã không ngừng phát triển và nâng cao về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động.

Thời gian qua, 38.768 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động trên địa bàn thành phố đã thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

“Thành phố xác định “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhà đầu tư là yếu tố hàng đầu quyết định đến sự phát triển; đặc biệt sức mạnh nội lực của các doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng vì đây chính là nhân tố bảo đảm việc phát huy hiệu quả các nguồn ngoại lực, tạo thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội”, ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Đà Nẵng tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư ngay từ những ngày đầu năm mới là dịp để lãnh đạo thành phố kịp thời động viên, chia sẻ những khó khăn và ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang triển khai dự án trên địa bàn thành phố; Đồng thời, trực tiếp lắng nghe những tâm tư, chia sẻ, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc mà nhà đầu tư gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện dự án trên địa bàn thành phố.

Các đại biểu dự hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2024. Ảnh Ngô Anh Văn.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết tính đến ngày 31/12/2023, thành phố đã cấp mới và điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 57 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 58.172 tỷ đồng; thu hút 202,6 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó, cấp mới 110 dự án với vốn đăng ký cấp mới là 171,4 triệu USD. Lũy kế đến nay, Đà Nẵng có 1.017 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 4,25 tỷ USD. Và 374 dự án trong nước ở ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 195.000 tỷ đồng; 399 dự án trong nước nằm trong khu công nghiệp với vốn đầu tư 32.916 tỷ đồng.

Năm 2024, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, thực hiện hiệu quả chủ đề của năm là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.

Trong đó, ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là công nghệ thiết kế vi mạch bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ số… đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang dịch chuyển sang Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, cho biết năm 2024, thành phố xác định là năm cần tạo ra bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Vì vậy, thành phố phấn đấu đẩy mạnh triển kinh tế để đạt tốc độ tăng trưởng từ 8-8,5%. Thành phố tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ triển khai Quyết định 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Hoàn thành phê duyệt 9/9 phân khu đô thị, 7/10 phân khu xây dựng khu chức năng.

Cũng trong thời gian này, Đà Nẵng sẽ hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư và triển khai xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, hoàn tất thủ tục trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Khu công nghiệp Hòa Ninh, tháo gỡ vướng mắc dự án mở rộng Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 1.

Theo bà Hương, năm 2024, Đà Nẵng ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là công nghệ thiết kế vi mạch bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ số, đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang dịch chuyển sang Việt Nam.

Trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn từ Hoa Kỳ, Châu Âu (Đức, Hà Lan, Bỉ…), Nhật Bản đầu tư vào công đoạn thiết kế; thu hút các doanh nghiệp ở thị trường châu Á (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore) đầu tư vào công đoạn lắp ráp, kiểm thử, đóng gói và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng vật liệu bán dẫn đầu tư vào thành phố.

Cùng với đó, Đà Nẵng tiếp tục triển khai kế hoạch xúc tiến hợp tác giữa Đà Nẵng với các đối tác Nhật Bản giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch xúc tiến và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng với các đối tác châu Âu giai đoạn 2022 - 2025; Đề án tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa thành phố Đà Nẵng với các địa phương Lào giai đoạn 2023 - 2027; Quảng bá môi trường đầu tư Đà Nẵng và xúc tiến hợp tác du lịch, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu của Đà Nẵng đến các đối tác tiềm năng, thị trường trọng điểm…

Đà Nẵng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục đồng hành để tiếp tục khơi thông nguồn lực, khai thác hiệu quả lợi thế và tiềm năng của doanh nghiệp nói riêng và của thành phố nói chung, hướng đến các nguồn lực phát triển mới, từ đó góp phần đạt được chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Mặc khác, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn vướng mắc khi đầu tư, sản xuất kinh doanh tại thành phố; cải thiện các chỉ số thành phần thuộc Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm nâng cao tính minh bạch, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư vào thành phố, nhất là vào cụm công nghiệp, khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, ghi nhận những cố gắng nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương thành phố trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Tuy nhiên, theo ông Triết vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như các ý kiến của doanh nghiệp đã nêu.

Vì vậy, HĐND thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe, chuyển theo thẩm quyền xử lý; Đồng thời, ông Triết cũng đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng cần rà soát lại các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó, cần tập trung hoàn thành quy hoạch phân khu, phân khu chức năng, để tháo gỡ điểm nghẽn trong quy hoạch; điều chỉnh những điểm chưa hợp lý; nghiên cứu tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về vấn đề giá đất, nhất là giá đất ven biển...

“HĐND thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục giám sát, trong đó, nhanh chóng có chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển”, ông Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.

Ngô Anh Văn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/suc-khoe-doanh-nghiep-la-yeu-to-quyet-dinh-su-phat-trien-cua-da-nang.htm