Sức khỏe của cầu thủ quyết định phong độ thi đấu

World Cup 2022 đang diễn ra, sức khỏe trong đó có thể lực của mỗi cầu thủ trên sân thi đấu là yếu tố quan trọng quyết định phong độ thi đấu của cầu thủ, góp phần vào kết quả của một trận đấu bên cạnh một số yếu tố khác như may mắn, trọng tài...

PV Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS Võ Tường Kha – GĐ Bệnh viện Thể thao Việt Nam để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

PV: Thưa PSG.TS.BS Võ Tường Kha, mức độ hoạt động thể lực của cầu thủ bóng đá khi thi đấu trên sân ảnh hưởng đến thành tích của cả đội tuyển như thế nào?

PGS.TS.BS Võ Tường Kha: Thành tích thi đấu của đội phụ thuộc vào thể lực, kỹ thuật, chiến thuật, tâm lý, thời cơ, may mắn của từng cá nhân và của cả đội tuyển. Mỗi vị trí trên sân khác nhau (thủ môn, tiền vệ, hậu vệ, tiền đạo) thể hiện ưu thế khác nhau về tố chất thể lực, tốc độ, sức nhanh, sức mạnh, sức bền và tâm lý.

Khi thi đấu, yếu tố thể lực và tâm lý được gọi là "căng thẳng" thể lực, tâm lý, hay còn gọi là các "stressors" thể lực và tâm lý. Trung bình mỗi cầu thủ di chuyển từ 10-13km/trận đấu, lúc này các "stressors" tác động vào não bộ, trục vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến giáp, tuyến sinh dục… tức là tác động lên thần kinh thực vật và thần kinh vận động, dẫn đến "stressors" kéo dài, sức ép căng thẳng lớn.

Vì thế, nếu thể lực không tốt, tâm lý không tốt, căng thẳng kéo dài thì thành tích của đội tuyển sẽ không tốt.

PGS.TS.BS Võ Tường Kha - GĐ Bệnh viện Thể thao Việt Nam. Ảnh NVCC

PV:PGS.TS.BS Võ Tường Kha cho biết các bệnh lý thường gặp đối với cầu thủ trên sân thi đấu là gì?

PGS.TS.BS Võ Tường Kha: Khi các cầu thủ thi đấu trên sân có hai dạng bệnh lý xảy ra đó là bệnh lý cấp tính và chấn thương:

Bệnh lý cấp tính gồm bệnh tim và hô hấp: Đó là khi cầu thủ bị thiếu máu cơ tim, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, nhịp tim nhanh, dẫn đến đột quỵ. Lúc này đội cấp cứu trên sân sẽ làm nhiệm vụ sơ cứu, hồi sức cấp cứu rồi chuyển tuyến.

Chấn thương: Gồm có chấn thương phần mềm gân, cơ, dây chằng – sên mác, chày mác, cơ dép, tổn thương dây chằng chéo trước gối (ACL), tổn thương dây chằng chéo sau (PCL), đùi, hàm mặt, ngực sườn, khớp vai, cột sống, gãy xương, trật khớp…

Đội ngũ y tế đưa vận động viên bị chấn thương ra khỏi sân thi đấu để chuyển tuyến điều trị. Ảnh BVCC

PV: Với vai trò là lãnh đạo Bệnh viện Thể thao Việt Nam, PGS.TS.BS Võ Tường Kha có thể chia sẻ về công tác chuẩn bị thể lực và đảm bảo an toàn y tế cho các vận động viên trước khi ra sân trong một giải đấu tại Việt Nam là như thế nào?

PGS.TS.BS Võ Tường Kha: Về công tác tổ chức, Ban tổ chức sẽ thành lập Tiểu Ban y tế. Y tế các đội tuyển cần chuẩn bị thể lực, điều kiện, diễn tập phương án, tình huống cấp cứu, gồm:

Chuẩn bị đủ trang thiết bị y tế.
Diễn tập các tình huống.
Chọn, tập huấn nhân lực có trình độ.
Chuẩn bị kết nối thông tin y tế.
Chuẩn bị phương án vận chuyển.

PGS.TS.BS Võ Tường Kha cùng đội ngũ y tế của Bệnh viện Thể thao Việt Nam thực hiện diễn tập các tình huống. Ảnh BVCC

Về vận động viên, cần chuẩn bị thể lực thông qua khám phát hiện bệnh; đảm bảo dinh dưỡng, tâm lý; tuân thủ kỷ luật, chiến thuật; ý thức chấp hành Điều lệ, kỷ luật giải; ý thức thi đấu phải fair play; chuẩn bị dụng cụ bảo hộ chấn thương vùng trên cơ thể có nguy cơ chấn thương cao.

PV: Xin chân thành cảm ơn PGS.TS.BS Võ Tường Kha!

Thu Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/suc-khoe-cua-cau-thu-quyet-dinh-phong-do-thi-dau-169221128122009904.htm