Sức khỏe của bạn: Đừng để bị sặc

- Hôm qua bị một phen hết hồn, đang cho cháu ăn bột lại bị sặc, cháu khóc ngằn ngặt, ho sặc sụa, mũi dãi; bà đang uống ngụm nước hoảng quá nuốt vội cũng sặc nước ho khạc chảy nước mắt nước mũi. May mà mẹ cháu nghe tiếng bỏ dưới bếp chạy lên đỡ cho.

- Chuyện bị sặc thì ai cũng bị; khi thì do ăn uống, khi thì bị lúc bơi lội, có lúc lại bị do tai nạn khác có dính dáng đến nước, do nuốt nhầm vật có kích thước nhỏ... nhưng đáng lo ngại khi gặp ở trẻ nhỏ, người già, người ốm nằm lâu hay phải chăm sóc đặc biệt.

- Em thấy cũng chỉ hơi hốt một tí, ho sặc sụa một hồi rồi hết không thấy di chứng gì, cũng là chuyện thường gặp rồi cho qua, mấy ai để ý.

- Không nên coi thường chuyện bị sặc vì nó là dị vật đột ngột xâm nhập vào đường thở gây phản xạ dữ dội và lấp tắc đường thở, chỉ chậm giải thoát trong vài phút là nguy đến tính mạng. Chỉ cần cấp cứu chậm hoặc xử lý sai là không cứu được cho dù có thể cứu cho tuần hoàn hô hấp hoạt động trở lại nhưng chỉ 5 phút ngừng hô hấp đã có thể gây chết não.

- Sao lại nguy cấp đến thế, chỉ một ngụm nước uống vội làm sặc, ho mạnh ra thì hết.

- Giả sử trên đường cao tốc xe ô tô chạy 120km/giờ một chiều, mình lại đi nhầm vào đường cấm có nguy hiểm không? Sặc chính là thức ăn, nước uống, đôi khi là dị vật nhỏ phải đi vào thực quản lại đi nhầm sang gây tắc đường thở còn nguy hiểm hơn.

Vùng họng hầu là vị trí như một ngã tư đường ăn và đường thở có cơ chế “điều khiển giao thông” bằng chức năng đóng/mở của sụn nắp thanh môn; khi ta nuốt nắp thanh môn đóng kín đường hô hấp để thức ăn chỉ đi đúng vào đường thực quản. Động tác nuốt thực ra rất phức tạp liên quan đến hoạt động co bóp của các cơ nâng hầu, cơ khít hầu nhịp nhàng tuần tự theo kiểu nhu động đưa thức ăn từ miệng xuống hầu rồi xuống thực quản. Điều khiển cử động nuốt do hệ thần kinh thực vật tự động, tự chủ khi có khối thức ăn đi vào ngay cả khi ngủ, khi hôn mê chưa sâu nên được gọi là phản xạ nuốt và là dấu hiệu đánh giá tổn thương não (khi mất phản xạ nuốt là tổn thương đến hành não rối loạn hô hấp tuần hoàn). Nhưng não bộ và vỏ não (phần ý thức) cũng tham gia điều khiển cử động nuốt nên phát sinh trục trặc khi nuốt. Vừa ăn uống vừa xem TV tường thuật bóng đá, đang nhai định nuốt đúng lúc có pha bóng “nghẹt thở” thế là sặc.

Để phòng tránh sặc, cần rèn thói quen ăn chậm nhai kỹ, tập trung vào thưởng thức món ăn, “thiền khi ăn” như thiền học đã dạy. Với người trẻ, phản xạ thần kinh còn nhạy có thể vừa ăn uống vừa làm đủ chuyện; còn đối với trẻ nhỏ phản xạ thần kinh chưa được định hình và người già phản xạ thần kinh kém nhạy cảm tuyệt đối không vừa ăn uống vừa làm thêm việc khác hoặc ít ra khi định nuốt phải ngừng việc khác chỉ nghĩ đến động tác nuốt cảm nhận được thức ăn đang trôi từ từ xuống thực quản dạ dày.

Một số trường hợp khác cần để ý: Khi ăn nhậu say gần xỉn vẫn ăn uống nói nhiều cao giọng dễ mất điều khiển; bệnh nhân nằm liệt lâu ngày phải ăn uống khi nằm; bệnh nhân phải cho ăn bằng sonde, bệnh nhân bán hôn mê... đều rất cần chú ý tránh bị sặc.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/suc-khoe-cua-ban-dung-de-bi-sac-577931.bld