Sức hút của nhóc Nicolas

Được viết cách đây hơn 60 năm, 'Nhóc Nicolas: Những chuyện chưa kể I' vẫn có sức hút đặc biệt.

“Sức mạnh của cuốn sách này là có thể cuốn hút cả trẻ con cũng như người lớn. Trẻ con thì thấy giống quá, người lớn thì thấy nhớ quá…”. Được viết cách đây hơn 60 năm, “Nhóc Nicolas: Những chuyện chưa kể I” vẫn có sức hút đặc biệt như thế.

Tác phẩm “Nhóc Nicolas: Những chuyện chưa kể” (quyển 1) bao gồm 80 mẩu chuyện “chưa bao giờ được kể ở đâu hết” được Trác Phong, Hương Lan dịch sang tiếng Việt và Công ty Cổ phần Văn hóa và truyền thông Nhã Nam liên kết với Nxb Hội Nhà văn tái bản năm 2013.

Cuốn truyện kể về cuộc sống đời thường xoay quanh gia đình, hàng xóm, bạn bè và thầy sâu đậm trong lòng độc giả. Các đặc điểm, tính cách ấy được nhà văn Goscinny thể hiện tài tình qua những mẩu chuyện nhỏ.

Đó là gia đình của Nicolas: Chính bản thân Nicolas - tuy hơi mít ướt nhưng lại có tinh thần kiên trì theo đuổi những mong muốn của mình đến cùng; bố và mẹ - những người luôn quan tâm tới gia đình nhỏ, tuy có lúc hơi cáu gắt; chú Eugène - rất hài hước vui nhộn; bà của Nicolas - rất thương yêu và hay gửi đồ cho Nicolas.

Đó là những người bạn: Alceste - rất béo và ăn luôn mồm; Agnan - học giỏi nhưng mít ướt; Maixent - chạy rất nhanh và “có đầu gối to đùng bẩn thỉu”; Geoffroy con nhà giàu nhưng hay nói dối sống sượng; Eudes rất khỏe và thích đấm vào mũi người khác…

'Nhóc Nicolas: Những chuyện chưa kể I' được kể bằng giọng văn trong trẻo, hài hước, hồn nhiên của nhà văn Pháp Goscinny… Ảnh: Tấn Quyết.

René Goscinny (1926 - 1977) là nhà văn truyện tranh người Pháp. Ông được coi là người đi tiên phong trong nghề biên kịch nội dung cho truyện tranh ở Pháp vốn trước đó chưa từng tồn tại. Những tác phẩm nổi tiếng của ông gồm có: Tập truyện “Nhóc Nicolas”, “Asterix”, “Lucky Luke”, “Iznogoud”,…

Jean-Jacques Sempé (1932 - 2022) là nghệ sĩ vẽ tranh hoạt hình nổi tiếng người Pháp. Cùng với việc vẽ tranh minh họa cho tập truyện “Nhóc Nicolas”, ông còn là tác giả của hai cuốn sách “Marcellin Caillou” và “Raoul Taburin”.

Đó là các thầy cô: Thầy giám thị Nước Lèo đã cao tuổi và nghiêm khắc, đặc biệt thầy có đôi mắt “làm chúng tôi nghĩ tới những bong bóng tròn thô lố như mắt trong thùng nước lèo”; cô giáo của Nicolas rất tuyệt vời và yêu thương học sinh; thầy hiệu trưởng nghiêm khắc chuyên phạt lớp Nicolas,…

Đó còn là những người hàng xóm: Ông Blédurt rất thân với bố Nicolas nhưng thích chọc ghẹo và có thói quen “thích nhảy qua hàng rào và bước vào vườn nhà Nicolas”; ông Courteplaque thì luôn hục hặc gây sự với gia đình của Nicolas chỉ vì những lí do nhỏ nhặt: Đổ rác sang vườn người khác, “rằng thật chỉ có rất thiếu suy nghĩ mới đi lấy kẹo cho trẻ con ngay trước bữa trưa” khi bố Nicolas cho Marie-Edwige - con gái của ông Courteplaque một cây kẹo…

Cũng chính vì khác biệt “một trời một vực” trong tính cách, những mẩu chuyện đó không khởi nguồn từ những thứ to tát, hay từ những “phi vụ”, mà lại chính từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống thường nhật của nhóc Nicolas: Chơi với các bạn, những bữa ăn gia đình, đi mua sắm,…

Hôm nay có thể là Joachim mang cái ống nhòm tới trường và sinh đủ thứ chuyện chỉ vì đám bạn của Nicolas muốn thử nghiệm đồ vật mới. Hay hôm khác, chú Eugène đến ăn tối cùng gia đình Nicolas và đã cùng bố tạo nên một bữa tối rất vui nhộn với đủ tình huống hài hước: Cái ly có những lỗ rò nhỏ, điếu xì gà biết nổ, miếng pho mát Camembert biết kêu “éc”…

Cùng với đó, tác giả cũng rất khéo léo mô tả nhân vật gần gũi đời thực nhất có thể. Gặp những nhân vật như: Bố mẹ, bà thậm chí cả những người hàng xóm, bạn bè và thầy cô của Nicolas trong trang truyện mà cứ ngỡ như là người quen cùng biết bao câu chuyện tinh nghịch, hồn nhiên của trẻ thơ... Sự đơn giản đến tưởng chừng như không thể ấy đã giúp độc giả có thể dễ dàng hòa mình vào những lời văn của René Goscinny.

Được xoay quanh nhóc Nicolas, tác giả đã khéo léo “gài” vào trong đó rất nhiều bài học và thông điệp ý nghĩa. Chẳng hạn, nên nhìn sự vật, sự việc từ mọi phương diện chứ không nên theo cách nghĩ phiến diện của cá nhân.

Tiêu biểu nhất là mẩu chuyện “Phòng ăn tập thể” miêu tả hai thái độ khác biệt của Nicolas trước và sau khi ăn bữa trưa tại trường: Bài xích và khen ngợi. Hay như đức tính tự lập khi cậu bé đã tự làm bài tập làm văn của mình và được cô giáo nêu gương.

Ngoài ra, tác giả còn nêu lên những thông điệp về sự thật thà khi nhóc Nicolas nhặt được ví tiền, tuy chỉ có 50 cent nhưng đã cùng bố đến sở cảnh sát trả lại và cả bài học về tình yêu thương động vật khi Nicolas được ông Compani cho một chú mèo xinh xắn nhưng lại không được mẹ đồng ý nuôi,… Những bài học ấy đã phần nào giúp các nhân vật trong truyện, đặc biệt nhóc Nicolas trở nên trưởng thành hơn.

…cùng những tranh vẽ của Sempé tuy đơn giản nhưng giàu sức biểu cảm, tiêu biểu như bức tranh trong mẩu chuyện “Chúng tôi không phải xấu hổ”. Ảnh: Tấn Quyết.

Với “Nhóc Nicolas: Những chuyện chưa kể I”, tác giả Goscinny và Sempé đã vừa giúp độc giả lớn tuổi có thể trở về thời tuổi thơ đầy hồn nhiên, lại vừa gieo những hạt mầm của lối ứng xử và các tính cách tốt đẹp như: Sự thật thà, tình cảm yêu thương động vật, đức tính tự giác, tự lập,… cho trẻ thơ.

Tất cả được kể bằng giọng văn trong trẻo, hài hước, hồn nhiên của nhà văn Pháp Goscinny cùng với những tranh vẽ của họa sĩ Sempé tuy đơn giản nhưng giàu sức biểu cảm.

Tấn Quyết

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-hut-cua-nhoc-nicolas-post634312.html