Sức hút của giáo dục Cuba

GD&TĐ - Trường Ba lê Quốc gia Cuba (ENB) - Nơi sản sinh ra nhiều vũ công ba lê nổi tiếng thế giới như Carlos Acosta và José Manuel Carreno - không có một sinh viên người Mỹ nào trong nhiều năm qua cho tới khi Mỹ thay đổi chính sách ngoại giao với Cuba. Chất lượng đào tạo cùng với nhiều yếu tố khác tạo nên sức hút du học sinh tìm tới Cuba…

Danh tiếng đào tạo

ENB, trường dạy ba lê lớn nhất thế giới có 3.000 sinh viên theo học, là địa chỉ đào tạo ba lê nổi tiếng thế giới. Thế nhưng không có sinh viên người Mỹ nào theo học chương trình chính khóa trong nửa thập kỉ đối đầu ngoại giao giữa Cuba và Mỹ.

Điều này đã thay đổi gần 2 năm trước bởi nhà lãnh đạo 2 nước là Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Năm nay, lần đầu tiên ENB có một sinh viên người Mỹ theo học chương trình chính khóa. Sinh viên “đặc biệt” 18 tuổi, Catherine Conley, cho biết mong muốn học được những cú xoay và nhảy trứ danh của nền ba lê Cuba nổi tiếng thế giới.

Conley, học ba lê từ bé tại Trung tâm Nghệ thuật Ruth Page tại Chicago, Mỹ. Nữ sinh này tới Cuba theo chương trình trao đổi học bổng giữa 2 trường được nối lại sau khi quan hệ Cuba - Mỹ ấm trở lại. Victor Alexander, Giám đốc Trung tâm Ruth Page, cho biết, ba lê Cuba hợp nhất những gì xuất sắc nhất từ ba lê Nga, Pháp, Italy, Anh, Mỹ.

Mặc dù, các trừng phạt kinh tế hà khắc của Mỹ gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Cuba nhưng giáo dục đào tạo Cuba vẫn có được danh tiếng quốc tế, đặc biệt là những ngành đào tạo như Y hoặc Nghệ thuật.

Miền đất hấp dẫn

60 trường đại học công lập của Cuba đã nâng danh tiếng trong vài thập kỉ qua nhờ vào cam kết đầu tư cho giáo dục của chính phủ với người dân.

Trong báo cáo 2015, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Cuba là nước đứng đầu thế giới về mức độ đầu tư cho giáo dục, chiếm 12,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

5 trường ĐH Cuba lọt vào bảng xếp hạng những trường ĐH hàng đầu Mỹ Latinh 2016 do QS thực hiện. Xếp hạng này dựa trên những yếu tố như tỉ lệ giảng viên/ sinh viên, số công trình khoa học được công bố, mạng lưới nghiên cứu quốc tế, tỉ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ khoa học, đánh giá năng lực cử nhân của chủ lao động…

Trong một nghiên cứu giáo dục đại học 13 nước Mỹ Latinh năm 2013, UNESCO khẳng định trình độ trung bình của sinh viên Cuba cao nhất trong số các nước này và thông thường, một sinh viên Cuba có chỉ số kiến thức và kỹ năng cao gấp đôi so với sinh viên các nước khác tại Mỹ Latinh.

Chất lượng đào tạo chỉ là một trong nhiều yếu tố thu hút du học sinh tới Cuba.

Cuba nổi tiếng với những bãi biển dài ngút mắt, những công trình kiến trúc độc đáo… Mặc dù có diện tích nhỏ bé, quốc đảo này sở hữu 9 di sản UNESCO và 3 địa danh khác đang chờ xếp hạng.

Với những người muốn học ngôn ngữ Tây Ban Nha thì Cuba là một địa điểm lí tưởng. Đặc biệt tiếng Tây Ban Nha được sử dụng tại Cuba có sự giao thoa giữa tiếng Tây Ban Nha gốc và tiếng Tây Ban Nha được nói tại Mỹ Latinh. Vì thế, nếu học tiếng Tây Ban Nha Cuba thì vừa sử dụng tốt ngôn ngữ này tại Tây Ban Nha, vừa sử dụng tốt tại Mỹ Latinh.

Theo báo cáo của WB, kể cả các quốc gia phát triển nhất trên thế giới cũng không có mức độ đầu tư cho giáo dục cao như Cuba. Đứng sau đảo quốc Caribe này về tỷ lệ ngân sách giáo dục/GDP là Timor Leste (11,3%) và Đan Mạch (8,7%). Tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Bolivia xếp thứ hai sau Cuba với mức đầu tư giáo dục chiếm 7,6% GDP. Trong số các nền kinh tế lớn nhất khu vực, Brasil và Argentina cùng có tỷ lệ 5,8%, trong khi chỉ số này của Mexico là 5,2%.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/suc-hut-cua-giao-duc-cuba-2516711-b.html