Sức hút của điền kinh Việt Nam

Nếu xem các khoản tài trợ như thước đo đánh giá sức hút của từng đội tuyển thì phải đến lúc này, đội tuyển điền kinh Việt Nam mới thực sự có giá sau khi nhận khoản tài trợ trong 5 năm liền từ Hãng Trang phục thể thao Li Ning. Xa hơn, mảnh đất ít được khai phá ở một trong những môn thể thao luôn được quan tâm ở các kỳ Đại hội thể thao này giờ đã được chú ý hơn.

Điền kinh Việt Nam đã thu hút được các nhà tài trợ trong 5 năm tới. Trong ảnh: VĐV Nguyễn Thị Huyền tỏa sáng trên đường chạy tiếp sức tại SEA Games 28. Ảnh: Khả Hòa

Ở Việt Nam, điền kinh không thể so đọ sức hút với bóng đá dù một bên được coi là “môn thể thao vua”, bên kia là “môn thể thao nữ hoàng”. Độ chục năm gần đây, điền kinh mới có những cái tên gây chú ý, được người hâm mộ nhớ đến. Còn ở bóng đá, từ mấy chục năm trước đã có những cái tên được biết và nhớ đến tận bây giờ. Không khó hiểu khi đội tuyển bóng đá quốc gia nam luôn có sức hút mạnh mẽ với các nhà tài trợ, trong đó có mảng trang phục tập luyện, thi đấu là một trong những mảng được coi là dễ gọi tài trợ nhất. Còn dù có một số cái tên nổi tiếng, từng góp công lớn đưa thể thao Việt Nam xếp thứ nhất toàn đoàn ở SEA Games 22 năm 2003 rồi luôn nằm trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu từ SEA Games năm 2005 đến nay, nhưng đến đầu năm 2016, đội tuyển điền kinh quốc gia vẫn chưa được hãng trang phục thể thao tài trợ chuyên biệt cho từng nội dung. Vấn đề còn nằm ở góc độ truyền thông khi những nhà quản lý không có giải pháp cụ thể để nâng cao hình ảnh đội tuyển điền kinh quốc gia. Những việc làm được của điền kinh Việt Nam thường trong cảnh “người nhà biết với nhau”. Còn giới truyền thông tìm đến với điền kinh nói chung, VĐV điền kinh nói riêng cũng mang tính tự phát, nên từ trước đến nay mới có chuyện VĐV điền kinh mua trang phục, giày thi đấu theo sở thích, thu nhập của mình. Mỗi người mỗi hãng. Rồi phụ kiện đi cùng như ba lô, túi xách cũng vậy.

Chỉ đến gần đây, khi Liên đoàn Điền kinh Việt Nam nhiệm kỳ VI chú trọng hơn đến mảng truyền thông cũng như tiếp cận các doanh nghiệp thì khâu tài trợ mới có chuyển biến. Như nửa cuối năm 2016, đội tuyển điền kinh quốc gia được Tổng công ty Đức Giang tài trợ trang phục, nhưng đó chưa phải là đồ chuyên dụng, trong khi đội tuyển điền kinh trẻ quốc gia gắn bó với một doanh nghiệp khác là Mekong’Nto. Vừa qua, sau quá trình tiếp xúc với Li Ning, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam mới tìm được nhà tài trợ trang phục cho đội tuyển. Đáng chú ý, bản hợp đồng với hãng trang phục thể thao này có thời hạn 5 năm. Bản thân đại diện doanh nghiệp này cũng cho rằng điền kinh là mảnh đất chưa được khai phá hết bởi số người tập điền kinh, đi bộ ở Việt Nam ngày càng đông trong khi đội tuyển lại đang có thành tích ổn định ở sân chơi Châu Á, Đông Nam Á cũng như nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các đơn vị quản lý. Với Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, việc tìm được nhà tài trợ trang phục với mức thu khoảng 1 tỷ đồng/năm chưa phải là mục tiêu cuối. Sẽ còn nhiều “hạng mục" khác ở đội tuyển cần sự tiếp sức từ doanh nghiệp để giúp VĐV nâng cao thành tích.

Vui lây với môn thể thao "nữ hoàng" sau câu chuyện có nhà tài trợ dài hạn, nhưng cũng không thừa khi nhắc đến chuyện giữ chân doanh nghiệp ở lại với đội tuyển. Đó cũng là chuyện lớn với những nhà quản lý điền kinh.

Thùy An

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-thao/853227/suc-hut-cua-dien-kinh-viet-nam