Sức bật trên vùng an toàn khu

Phát huy truyền thống cách mạng của vùng an toàn khu (ATK), các địa phương quyết tâm thay đổi diện mạo làng quê, cuộc sống người dân chuyển mình mạnh mẽ, ấm no đang về…

Phát huy truyền thống cách mạng

Về thăm vùng quê cách mạng vào một ngày cuối năm, chúng tôi được Trưởng xóm Đà Vỹ, thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa) Lã Văn Nghĩa dẫn đi tham quan nhà ông Lã Văn Ho, nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Biên giới năm 1950. Đường về xóm được bê tông khang trang, sạch đẹp, đạt chuẩn nông thôn mới, không khí của mùa xuân mới tại vùng ATK dường như nhộn nhịp hơn, các gia đình gác lại những tháng ngày mưu sinh để chuẩn bị chào đón một cái tết an lành, đủ đầy.

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bước vào giai đoạn mới, tháng 6/1950, Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch lớn đánh địch trên tuyến biên giới Việt - Trung. Ngày 7/7/1950, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch giải phóng vùng biên giới Đông Bắc tại khu vực Cao Bằng - Lạng Sơn, lấy mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong II. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy mặt trận và Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch.

Nhà văn hóa xóm Đà Vỹ, thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa) được đầu tư xây dựng khang trang, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân các xã an toàn khu.

Trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã chọn hai địa điểm quan trọng lập đại bản doanh làm Sở Chỉ huy Chiến dịch, trong đó, địa điểm nhà ông Lã Văn Ho, xóm Đà Vỹ, thị trấn Quảng Uyên (trước đây thuộc làng Tả Phầy Tâử, xã Quốc Phong) vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Biên giới ở và làm việc từ ngày 10 - 13/9/1950. Địa điểm còn lại của Sở Chỉ huy Chiến dịch Biên giới đặt tại xóm Cốc Đứa, xã Đức Long (Thạch An) đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Hai địa điểm này đóng vai trò quan trọng, góp phần quyết định trực tiếp cho sự thắng lợi của chiến dịch, trở thành di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta, đã và đang tiếp tục được đầu tư, tôn tạo để khai thác, phát huy tốt giá trị lịch sử. Di tích nhà ông Lã Văn Ho, xóm Đà Vỹ, thị trấn Quảng Uyên được công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia từ ngày 12/2/1999.

Xóm Đà Vỹ hiện có 140 hộ dân với 560 nhân khẩu. Những năm trước, cuộc sống của các hộ dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước và chính quyền các cấp đầu tư cơ sở vật chất, người dân được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ trong trồng trọt, chăn nuôi, được hưởng chính sách ưu đãi theo các quy định hiện hành. Anh Lã Văn Toán, xóm Đà Vỹ chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi nuôi khoảng 70 - 80 con lợn giống địa phương nhưng hiệu quả không cao. Sau đó, tôi chuyển sang đầu tư nuôi giống lợn siêu nạc và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Hiện nay, đàn lợn của gia đình có 110 con, mỗi năm xuất chuồng 2 lứa, trừ chi phí cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Hạ tầng cơ sở được đầu tư khang trang, đồng bộ, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phát triển góp phần làm cho bộ mặt nông thôn thị trấn Quảng Uyên đổi thay mạnh mẽ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Chủ tịch UBND thị trấn Quảng Uyên Lý Viết Mao vui mừng cho biết: Thị trấn được công nhận ATK theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tạo động lực để địa phương đoàn kết, đồng lòng tiếp bước những người đi trước, chung sức xây dựng quê hương. Năm 2023, tổng sản lượng lương thực cây có hạt toàn thị trấn đạt 1.876 tấn, vượt 3% kế hoạch; tổng đàn gia súc trên 2.200 con, gia cầm trên 13.200 con; tỷ lệ che phủ rừng đạt 43%; thu ngân sách 2 tỷ đồng; chất lượng giáo dục nâng cao... Quê hương được như ngày hôm nay là thành quả của toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, chúng tôi tiếp tục gìn giữ và phát triển hơn nữa, để thị trấn xứng tầm trung tâm thương mại của huyện Quảng Hòa, cửa ngõ các huyện miền Đông.

Vân Trình vững vàng vươn lên

Người dân Vân Trình vốn có truyền thống cần cù chịu khó và giàu lòng yêu nước. Từ rất sớm, người dân đã theo Đảng làm cách mạng, cùng với nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh chống lại chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền, đem lại tự do cho nhân dân. Tháng 2/1933, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thạch An ra đời tại hang Nà Mẹc, xóm Phạc Sliến, xã Vân Trình do đồng chí Nguyễn Văn Mô làm Bí thư, với nhiệm vụ như Huyện ủy lâm thời đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ phong trào cách mạng của huyện.

Hằng năm, Khu di tích lịch sử cách mạng hang Nà Mẹc thu hút nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân và học sinh đến tham quan. Những hoạt động thăm hỏi, về nguồn tại “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống, lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng.

Đường vào Khu di tích lịch sử cách mạng hang Nà Mẹc, xã ATK Vân Trình (Thạch An) được đầu tư, nâng cấp.

Bí thư Đảng ủy xã Vân Trình Đinh Quang Vũ tự hào cho biết: Là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện, Vân Trình vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Truyền thống cách mạng đã tạo cảm hứng và động lực cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân xã Vân Trình phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Sau khi được công nhận ATK, xã được hưởng chính sách hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng vùng ATK, các thiết chế văn hóa như: bê tông hóa đường, nâng cấp, sửa chữa nhà bia, mở rộng sân bãi, hàng rào, chỉnh trang cảnh quan môi trường xung quanh khu di tích; người dân được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế… Xã đang đề nghị huyện đầu tư thêm tuyến đường mới, xây cầu đi vào khu di tích để tạo thuận lợi cho người dân khi đến tham quan.

Về Vân Trình hôm nay, đứng trên con đường bê tông trải rộng bằng phẳng kéo dài đến xóm, phóng tầm mắt ngắm nhìn những cánh đồng xanh mướt, bạt ngàn, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát cùng các công trình phúc lợi xây dựng khang trang… cảm nhận sự đổi thay rõ nét, bộ mặt nông thôn xã ATK ngày càng khởi sắc. Năm 2023, tổng sản lượng lương thực cây có hạt toàn xã đạt 2.523,4 tấn; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 37,5 triệu đồng/ha/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 62,54%; các công trình mương thủy lợi đáp ứng tưới tiêu ổn định trên 80% diện tích canh tác; nhà văn hóa xóm, đường nông thôn, nước sinh hoạt được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa; y tế, giáo dục, an sinh xã hội đảm bảo; 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững ổn định. Đến nay, xã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới.

Ngày 8/2/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký quyết định công nhận 9 đơn vị hành chính cấp xã của 5 huyện thuộc Cao Bằng là các xã ATK của Trung ương đặt tại tỉnh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, gồm: Minh Tâm, Vũ Minh (Nguyên Bình); Vân Trình (Thạch An); Hồng Việt, Trương Lương (Hòa An); Trường Hà, Ngọc Đào, Lũng Nặm (Hà Quảng); thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa). Các xã ATK được thực hiện chính sách ưu đãi theo các quy định hiện hành.

An Lê

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/suc-bat-tren-vung-an-toan-khu-3167332.html