Sức bật của ngành du lịch Ấn Độ hậu Covid-19

Thế giới thời kỳ hậu đại dịch mở ra tiền đề phục hồi mạnh mẽ cho nền kinh tế Ấn Độ, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.

Kì quan kiến trúc nhân loại - đền thờ Taj Mahal ở Ấn Độ được vinh danh là di sản văn hóa thế giới vào năm 1983. Ảnh: Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân tham quan địa điểm đặc biệt này nhân chuyến công du Ấn Độ tháng 2/2020. (Nguồn: Smithsonian Magazine)

Trong bối cảnh thế giới bước vào giai đoạn tái thiết hậu Covid-19, các nước đang tích cực khởi động nền kinh tế, nối lại quan hệ thương mại toàn cầu và hỗ trợ khối tư nhân trong nước phục hồi. Một số nước đối diện khó khăn và khó gượng dậy trước dư âm quá lớn của đại dịch. Song số khác cho thấy sức bật mạnh mẽ nhờ chính sách kinh tế hiệu quả và sự hợp tác đồng bộ giữa nhà nước với người dân.

Ấn Độ là một ví dụ tiêu biểu trong số các quốc gia phục hồi và tăng trưởng vượt bậc sau đại dịch, với mũi nhọn kinh tế là du lịch. Vậy New Delhi đạt được những tiến bộ cụ thể ra sao?

Những con số ấn tượng

Theo báo cáo của hai công ty Booking.com và McKinsey & Company, năm 2022, du khách Ấn Độ đóng vai trò then chốt với sự phục hồi của ngành lữ hành, đạt 78% chi tiêu du lịch của năm 2019, trong khi các nước châu Á khác chỉ đạt 52%. Dự kiến, du khách Ấn Độ tăng đáng kể chi tiêu trong những năm tới, đưa New Delhi trở thành nước chi tiêu du lịch lớn thứ tư toàn cầu vào năm 2030, với con số ước tính là 410 tỷ USD.

Mức ước tính này tăng 173% so với năm 2019, khi du khách Ấn Độ chi tổng cộng 150 tỷ USD và giúp New Delhi trở thành nước chi tiêu du lịch lớn thứ 6 toàn cầu. Hơn nữa, báo cáo dự đoán số chuyến đi của du khách đất nước Nam Á sẽ tăng từ 2,3 tỷ USD của năm 2019 lên 5 tỷ USD vào năm 2030.

Thành phố Varanasi bên bờ sông Hằng, một trong những vùng đất đẹp và linh thiêng nhất của người Ấn Độ. (Nguồn: The Times)

Một báo cáo khác của nghiên cứu tác động kinh tế (EIR) của Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới (WTTC) cho hay, ngành du lịch Ấn Độ đã tăng trưởng đáng kể vào năm 2022, với mức đóng góp vào GDP tăng gần 90%, vượt mức 15,6 nghìn tỷ Rupee. Con số này chiếm 5,9% tổng thể nền kinh tế, tiến gần đến mức cao nhất trước đại dịch là 7% vào năm 2019.

Hiện nay, lĩnh vực này tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và tiệm cận mức phát triển thời kỳ tiền đại dịch. Hoạt động lữ hành dự kiến đóng góp 16,5 nghìn tỷ Rupee cho nền kinh tế Ấn Độ trong năm 2023, chỉ thấp hơn 3,5% so với con số năm 2019.

Hơn nữa, dịch vụ du lịch sẽ tạo thêm 1,6 triệu việc làm, nâng tổng số việc làm trong ngành lên gần 39 triệu. Ngoài ra, chi tiêu của du khách trong nước dự kiến vượt 12,6 nghìn tỷ Rupee.

Đến năm 2033, theo dự báo, lĩnh vực lữ hành sẽ tăng trưởng đáng kể và đóng góp 36,8 nghìn tỷ Rupee vào GDP quốc gia. Con số này chiếm khoảng 7% nền kinh tế Ấn Độ. Đồng thời, ngành du lịch sẽ tạo ra cơ hội việc làm cho hơn 58,2 triệu người trên toàn quốc, cho thấy cứ 10 người thì có khoảng 1 người làm việc trong lĩnh vực du lịch.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ, Chủ tịch & Giám đốc điều hành của WTTC Julia Simpson hoan nghênh tiến độ phục hồi của ngành du lịch Ấn Độ, đồng thời nhấn mạnh rằng lĩnh vực này đang tăng trưởng với tốc độ gấp đôi GDP không chỉ ở Ấn Độ mà còn trên tất cả các quốc gia G20.

Ông Julia Simpson khẳng định, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 đã cho phép Ấn Độ nêu bật tiềm năng đóng góp của du lịch vào giai đoạn phục hồi nền kinh tế toàn cầu.

Tầm nhìn chiến lược

Để phát huy được đà tăng trưởng trên, New Delhi đã đề xuất, xây dựng và triển khai các chương trình phù hợp với xu thế, bao gồm du lịch bền vững, du lịch mạo hiểm với 4 mục tiêu chính: tạo cơ hội việc làm và kinh doanh; nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành; thu hút đầu tư khu vực tư nhân và FDI; bảo tồn, nâng cấp tài nguyên văn hóa và thiên nhiên, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Ngôi đền dát vàng Harmandir Sahib tại bang Punjab tọa lạc trên dòng nước thiêng của hồ Sarovar. (Nguồn: Shutterstock)

Tháng 4/2022, Bộ Du lịch Ấn Độ khởi xướng chiến lược quốc gia về du lịch bền vững, đồng thời nêu rõ tầm nhìn, sứ mệnh và các trụ cột chiến lược để phát triển du lịch bền vững trong nước. Đến tháng 11 cùng năm, New Delhi tổ chức hội thảo khu vực đầu tiên nhằm phát triển bền vững các danh lam thắng cảnh, đặc biệt lưu tâm đến những thành phố du lịch trọng tâm như Khajuraho, Madhya Pradesh.

Bên cạnh đó, Bộ Du lịch đặc biệt đẩy mạnh hai sáng kiến “Swadesh Darshan 2.0” và “Adopt a Heritage: Apni Dharohar, Apni Pehchaan”, nhằm khuyến khích các bên liên quan phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng bền vững và thân thiện môi trường.

Tương tự du lịch bền vững, New Delhi triển khai chiến lược quốc gia về du lịch mạo hiểm, với mục tiêu biến Ấn Độ trở thành điểm đến du lịch mạo hiểm hàng đầu thế giới. Đây được coi là thế mạnh của quốc gia Nam Á, bởi Ấn Độ sở hữu lợi thế địa lý nổi bật như 70% diện tích dãy Himalaya và 7.000 km bờ biển.

Ấn Độ cũng là một trong ba quốc gia trên thế giới có sa mạc vừa nóng vừa lạnh, đứng thứ 10 về tổng diện tích rừng che phủ và thứ 6 về di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận. Ngành du lịch mạo hiểm của Ấn Độ, dù còn non trẻ, nhưng được định giá 0,3 tỷ USD vào năm 2019 và ước tính vượt 2 tỷ USD vào năm 2028, tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 20%.

Như vậy, ngành du lịch Ấn Độ đang trên đà tăng trưởng kể từ sau đại dịch, với mức đóng góp lớn cho tổng thể nền kinh tế, trên cả phương diện GDP và việc làm. Nhằm tiếp đà phát triển đó, New Delhi đang tích cực đẩy mạnh nhiều sáng kiến thiết thực, nhằm giúp quốc gia Nam Á phát triển du lịch bền vững và hướng tới thu hút đông đảo du khách quốc tế.

(theo Wionews)

Xuân Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/suc-bat-cua-nganh-du-lich-an-do-hau-covid-19-247245.html