Sửa soạn hành trang cho việc thực thi Luật Các tổ chức tín dụng

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản giao cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD). Với những động thái khá khẩn trương hiện nay, thị trường đang đón nhận các tín hiệu tích cực chuẩn bị cho việc sẵn sàng thực thi Luật từ tháng 7 tới.

Yếu tố có thể tạo động lực mạnh mẽ từ công nghệ, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai hoạt động ngân hàng. Ảnh tư liệu

Ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng 2 nghị định

Theo yêu cầu của Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết có trách nhiệm trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.

Kỳ vọng tạo ra chuyển biến về chất

Các điểm mới trong Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) bao gồm các nội dung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại. Tăng cường việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng. Hoàn thiện khung pháp lý về xử lý TCTD gặp rủi ro thanh khoản; luật hóa một số quy định về xử lý nợ xấu của các TCTD.

Người đứng đầu các cơ quan trên phải thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công chủ trì soạn thảo, trình văn bản; công khai nội dung, tiến độ, kết quả cụ thể từng giai đoạn trên Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ.

Định kỳ ngày 25 hằng tháng, cơ quan chủ trì soạn thảo cập nhật thông tin về tình hình, tiến độ soạn thảo văn bản quy định chi tiết và gửi Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ.

Trong phần liên quan trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan này được giao chủ trì soạn thảo 2 nghị định và một số thông tư hướng dẫn.

Một trong 2 nghị định là Nghị định quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (khoản 2 Điều 106). Cụ thể theo quy định của Luật các TCTD, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng là môi trường thử nghiệm việc ứng dụng công nghệ và triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng có giới hạn về phạm vi, không gian, thời gian thực hiện. Tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm có kiểm soát phải đáp ứng điều kiện, tiêu chí xét duyệt tham gia và chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nghị định thứ hai được Thủ tướng giao cho NHNN là Nghị định quy định chi tiết khoản 3 Điều 147 và khoản 2 Điều 159 Luật các TCTD. Đây là các nội dung liên quan đến biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm. Trong đó, định hướng cơ bản trong luật cho biết, trong thời gian thực hiện phương án khắc phục, TCTD được can thiệp sớm có lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ được áp dụng thêm một hoặc một số biện pháp hỗ trợ sau khi được NHNN chấp thuận bằng văn bản.

Những kỳ vọng mới sau ngày 1/7

Ngoài các nghị định cấp Chính phủ, Thủ tướng cũng đã giao cho NHNN xây dựng một số thông tư theo thẩm quyền thuộc NHNN ban hành. Đó là các thông tư quy định về quỹ tín dụng nhân dân; thông tư quy định về ngân hàng hợp tác xã; quy định về cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của tổ chức tài chính vi mô; quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng… Theo NHNN, cơ quan này đã thực hiện việc xây dựng dự thảo và đang gửi lấy ý kiến các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo.

Để đảm bảo tính kịp thời cho việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn trước khi Luật các TCTD chính thức có hiệu lực, Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bộ. Bộ Tư pháp sẽ có trách nhiệm báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản.

Với lộ trình và trách nhiệm xây dựng văn được Thủ tướng phân giao một cách rất cụ thể cho các cơ quan liên quan như trên, thị trường kỳ vọng Luật các TCTD sẽ sớm được áp dụng với các quy định đầy đủ. Đặc biệt, nhiều nội dung mới đã được ban hành trong Luật khi được cụ thể hóa và đưa vào cuộc sống sẽ tạo động lực cho các TCTD và các doanh nghiệp có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

Đánh giá về những điểm mới của Luật các TCTD, Luật sư Nguyễn Huy An - Trưởng Văn phòng Luật sư Huy An (thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, Luật Các TCTD đã hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức hoạt động của TCTD, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật các TCTD cũ.

Chẳng hạn như một trong những yếu tố có thể tạo động lực mạnh mẽ từ công nghệ là việc Luật đã bổ sung quy định để tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai hoạt động ngân hàng qua phương tiện điện tử. Đó là các quy định về hoạt động nghiệp vụ bằng phương tiện điện tử; quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử…/.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-soan-hanh-trang-cho-viec-thuc-thi-luat-cac-to-chuc-tin-dung-148806-148806.html