Sửa nhiều quy định về quản lý luồng tuyến vận tải khách cố định

Bộ GTVT đang lấy ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 10 giao cho sở GTVT trực tiếp cập nhật luồng tuyến vận tải khách cố định lên phần mềm nhưng vẫn phải theo nguyên tắc tại Quyết định 927 của Bộ GTVT (Ảnh minh họa).

Dự thảo sửa đổi Nghị định 10 giao cho sở GTVT trực tiếp cập nhật luồng tuyến vận tải khách cố định lên phần mềm nhưng vẫn phải theo nguyên tắc tại Quyết định 927 của Bộ GTVT (Ảnh minh họa).

Đáng chú ý, tại nội dung quản lý tuyến vận tải khách cố định được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và cập nhật danh mục mạng lưới tuyến trên phần mềm quản lý tuyến vận tải. Sở GTVT xây dựng, điều chỉnh bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh; Thống nhất với sở GTVT đầu tuyến bên kia để thực hiện xây dựng, điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định liên tỉnh; Cập nhật danh sách mạng lưới tuyến trên phần mềm quản lý tuyến vận tải cố định của Bộ GTVT.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm cho biết, việc bổ sung quy định giao sở GTVT thống nhất với sở GTVT đầu tuyến bên kia để thực hiện xây dựng, điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định liên tỉnh đang gây nhiều cách hiểu khác nhau.

Quyết định 927 của Bộ GTVT về công bố danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh đã quy định rõ nguyên tắc bố trí luồng tuyến theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây, nghĩa là xe chạy các tỉnh phía Bắc vào bến Mỹ Đình, xe đi các tỉnh phía Nam vào bến Giáp Bát.

"Quy định tại dự thảo Nghị định rất dễ gây hiểu lầm khi thực hiện. Dự thảo giao cho sở GTVT thống nhất với đầu tuyến bên kia để thực hiện xây dựng, điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định liên tỉnh và cập nhật ngay lên phần mềm có thể sẽ xảy ra tình trạng, sở GTVT sửa đổi, thay đổi luồng tuyến theo ý mình, không theo nguyên tắc xây dựng luồng tuyến tại Quyết định 927", ông Lập nói.

Đồng quan điểm, ông Lưu Thành Đông, Tổng giám đốc Công ty Kim khí Hải Phòng - đơn vị sở hữu bến xe Thượng Lý cho hay, nếu quy định như tại dự thảo, các sở GTVT sẽ sẵn sàng sửa đổi luồng tuyến theo ý chủ quan của họ. Khi đó trật tự luồng tuyến bị đảo lộn, sinh ra tình trạng mua bán lốt, tạo cơ chế xin cho.

Lý giải về vấn đề này, ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN - đơn vị soạn thảo dự thảo Nghị định cho hay, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020 chỉ thay đổi phương thức thực hiện quản lý mạng lưới tuyến cố định bằng việc số hóa công tác đề xuất tuyến mới, điều chỉnh, bổ sung tuyến cố định thông qua phần mềm quản lý tuyến của Bộ GTVT.

Theo đó, thay vì như hiện nay các sở GTVT phải gửi đề xuất danh mục tuyến bằng văn bản để Cục Đường bộ VN tổng hợp, báo cáo Bộ GTVT công bố thì nay các sở GTVT sẽ trực tiếp cập nhật trên phần mềm quản lý tuyến cố định toàn quốc của Bộ GTVT để đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng và chính xác, giảm thời gian phải tổng hợp, rà soát thủ công đối với từng tuyến như hiện nay.

"Với quy định này thì việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến cố định liên tỉnh vẫn phải dựa trên quy hoạch luồng tuyến tại Quyết định 927/2022 của Bộ GTVT. Quy định tại dự thảo mang tính nguyên tắc, khi Nghị định ban hành sẽ có hướng dẫn cụ thể tại Thông tư", ông Thủy nói.

Trần Duy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/sua-nhieu-quy-dinh-ve-quan-ly-luong-tuyen-van-tai-khach-co-dinh-192230930175236529.htm