Sửa Nghị định hướng dẫn Luật Hải quan: Đảm bảo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính

Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan là Nghị định “xương sống” của Luật Hải quan, chính vì vậy, việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi cần được rà soát kỹ lưỡng đảm bảo tính minh bạch, khả thi, hiệu quả.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội. Ảnh: N.Linh.

Đó là chỉ đạo của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình tại cuộc hội thảo lấy ý kiến tham gia đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP, do Tổng cục Hải quan tổ chức (từ ngày 26/6 đến 28/6).

Tháo gỡ vướng mắc

Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành và đi vào thực hiện từ tháng 3/2015. Nghị định này đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện phương thức hoạt động hải quan hiện đại theo nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trong toàn bộ hoạt động kiểm tra, giám sát hải quan; công tác kiểm tra sau thông quan được tăng cường; mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại trong hoạt động nghiệp vụ; thông quan điện tử được triển khai tại tất cả các cục hải quan, chi cục hải quan; Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN đã bước đầu được triển khai tạo bước ngoặt mới trong công tác hiện đại hóa hải quan. Đồng thời đảm bảo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính về hải quan tiếp tục được triển khai toàn diện như đơn giản hóa bộ hồ sơ hải quan, các chứng từ không cần thiết.

Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị định 08/2015/NĐ-CP đã có những vướng mắc nhất định cần được giải quyết để đảm bảo công tác cải cách hành chính, thuận lợi cho hoạt động của DN, phù hợp với thông lệ quốc tế như liên quan đến hàng hóa trung chuyển, kiểm tra chuyên ngành…

Theo Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Nguyễn Nhất Kha, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP được xây dựng song song với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC, vì vậy, ban soạn thảo sẽ rà soát kỹ hai văn bản trên để đảm bảo các quy định thống nhất, hiệu quả, dễ thực hiện, phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

Một trong những vấn đề phát sinh vướng mắc khá nhiều khi thực hiện Nghị định 08/2015/NĐ-CP là thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh, hàng hóa trung chuyển sẽ được quy định cụ thể tại dự thảo Nghị định sửa đổi. Theo đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung sẽ quy định cụ thể các trường hợp thực hiện thủ tục quá cảnh, trường hợp hàng trung chuyển. Cụ thể, đối với hàng hóa đưa vào Việt Nam được vận chuyển đến một cửa khẩu đường bộ, đường sông khác để XK thì áp dụng thủ tục quá cảnh, đối với hàng hóa đưa vào Việt Nam và đưa ra từ chính cửa khẩu nhập, trường hợp hàng hóa XK qua cửa khẩu đường biển, đường hàng không khác với cửa khẩu nhập nhưng không thay đổi loại hình vận chuyển thì thực hiện thủ tục đối với hàng trung chuyển. Bên cạnh đó, về chính sách mặt hàng đối với loại hình trên cũng có những quy định cụ thể hơn. Cụ thể, đối với hàng quá cảnh thực hiện theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP; đối với hàng trung chuyển quy định cụ thể hàng cấm trung chuyển; ngoài các mặt hàng cấm trung chuyển thì không cần phải xin giấy phép như hàng quá cảnh.

Làm rõ khái niệm kiểm tra chuyên ngành

Kiểm tra chuyên ngành là một khái niệm được bổ sung tại dự thảo Nghị định sửa đổi lần này. Theo ban soạn thảo, trên thực tế nhiều văn bản quy phạm pháp luật hải quan đều sử dụng các cụm từ này, nhưng chưa có giải thích cụ thể như: Điều 4 Luật Hải quan; Điều 9, 19 Nghị định 08/2015/NĐ-CP. Mặt khác, theo dự kiến Cục Kiểm định hải quan cũng là một cơ quan có chức năng thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK (theo chỉ định của bộ, ngành hoặc theo Danh mục được phê duyệt), do vậy để có cơ sở cho việc thực hiện, tại dự thảo Nghị định bổ sung khái niệm: Cơ quan kiểm tra chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành.

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi cũng quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại cửa khẩu trong việc kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải tại cửa khẩu. Hiện quy định về lấy mẫu hàng hóa phục vụ kiểm tra chuyên ngành đang được quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC, tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện trách nhiệm của các bộ quản lý chuyên ngành trong công tác phối hợp lấy mẫu, thông báo kết quả kiểm tra, dự kiến sẽ đưa nội dung này quy định tại Nghị định để tạo cơ sở pháp lý cho các bên thực hiện. Ngoài ra để thống nhất thực hiện việc lấy mẫu, tại dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về nguyên tắc lấy mẫu như: Việc lấy mẫu đối với hàng hóa kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra nhà nước về chất lượng phải thực hiện tại cửa khẩu, mẫu chỉ được lấy một lần… Đồng thời, để đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra và chịu trách nhiệm về quyết định thông quan đối với hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, tại dự thảo cũng bổ sung quy định về việc giao cơ quan Hải quan được quyền thực hiện kiểm tra lại kết quả kiểm tra chuyên ngành trong trường hợp có cơ sở khẳng định kết quả kiểm tra chuyên ngành không đúng với thực tế hàng hóa XK, NK.

Dự thảo Nghị định sửa đổi 66 Điều, bổ sung 9 Điều mới; được chia thành các nhóm vấn đề: Thủ tục hải quan; kiểm tra chuyên ngành; phân loại hàng hóa; trị giá hải quan; doanh nghiệp ưu tiên; kiểm tra sau thông quan; công tác chống buôn lậu.

Ngọc Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/sua-nghi-dinh-08-2015-nd-cp-huong-dan-luat-hai-quan-dam-bao-yeu-cau-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh.aspx