Sửa Luật Trồng trọt để phát triển ngành giống cây trồng hiệu quả, bền vững

Việt Nam là nước nông nghiệp, trong đó lĩnh vực trồng trọt đóng góp gần 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Giống cây trồng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sản lượng và chất lượng, tạo sự bền vững cho chuỗi sản xuất nông sản, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

Ngày 26/12, báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) phối hợp tổ chức Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam”.

Quang cảnh Diễn đàn phát triển ngành giống cây trồng Việt Nam.

Vẫn phải bỏ ra hàng chục triệu USD nhập hạt giống

Chia sẻ tại Diễn đàn, Trưởng phòng Cây lương thực - Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Vương cho biết, khi thực thi theo Pháp lệnh Giống cây trồng, số giống cây trồng công nhận được từ 2013 - 2019 là 150 giống lúa (bình quân 22 giống/năm). Sau khi Luật Trồng trọt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, trong giai đoạn 2020 - 2023 đã công nhận được 190 giống lúa (bình quân 48 giống/năm), 96 giống ngô.

Dù vậy Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam Trần Xuân Định cho rằng, hệ thống sản xuất giống tuy nhiều nhưng năng lực hiện vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực của sản xuất hàng hóa, hướng đến xuất khẩu. Khâu yếu nhất của Việt Nam với ngành hàng hạt giống đó là giống rau, hoa.

Giá trị nổi bật của trồng trọt là duy trì ổn định sản lượng lúa gạo và sản lượng cây lương thực có hạt 48 - 49 triệu tấn hàng năm, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và xuất khẩu hàng năm trên dưới 6 triệu tấn góp phần vào an ninh lương thực chung toàn cầu.

“Hiện chúng ta phải nhập trên dưới 90% hạt giống rau, hoa, với giá trị vài chục triệu USD, mặc dù chúng ta có những vùng khí hậu như vùng núi cao phía Bắc hay Đà Lạt, có thể sản xuất được hạt giống các loại rau cận ôn đới…” - ông Định chia sẻ.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, các quy định của pháp luật còn một số bất cập, thủ tục rườm rà. Các văn bản hướng dẫn Luật Trồng trọt chậm ban hành và một số còn mâu thuẫn. Sự không đồng đều về hệ thống sản xuất và cung ứng giữa các vùng miền.

Số lượng doanh nghiệp tham gia ngành giống khá đông nhưng chưa thực sự mạnh. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vựa sản xuất lúa, trái cây nhưng số công ty sản xuất giống lớn, có tiềm lực rất ít. Giống lúa là chủ lực nhưng vẫn còn trên 25% nông dân sử dụng giống “không cấp”.

Ở khía cạnh khác, bà Đặng Ngọc Chi - đại diện CropLife Việt Nam chỉ ra một số vướng mắc về pháp lý và kỹ thuật đối với quy trình đăng ký và công nhận giống cây trồng mang tính trạng cải tiến tại Việt Nam. Theo đó, Luật Trồng trọt (Điều 19, khoản 7) và Nghị Định 94 (Điều 12, khoản 3) cho phép, hướng dẫn khảo nghiệm, đăng ký giống cây trồng biến đổi gen sau khi được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.

Giống biến đổi gen được xem xét đăng ký và lưu hành như một giống cây trồng mới. Tuy nhiên, các hướng dẫn khảo nghiệm hiện thiếu chỉ tiêu và phương pháp đánh giá công nhận các tính trạng cải tiến như kháng sâu, chống chịu thuốc BVTV, chống chịu căng thẳng phi sinh học, kháng bệnh... Điều này dẫn tới thiếu công cụ xác định tính khác biệt (đặc tính kháng) giữa giống mang tính trạng biến đổi gen với giống nền thường.

Giống cây trồng tiến bộ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Sớm hoàn thiện Luật Trồng trọt

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Mai Hiên, sau 3 năm triển khai Luật Trồng trọt đã mở ra một cách nhìn mới, đưa ra các quy định mới trong quá trình công nhận giống cây trồng. Luật đã điều chỉnh các quy định quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, bà Hiên cũng đề xuất 4 nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện gồm: Công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng; bổ sung hướng dẫn về phương pháp giải trình tự gen; điều kiện gia hạn giống cây trồng; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam giống cây trồng chính.

Thay mặt Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, ông Trần Xuân Định đưa ra 5 kiến nghị. Trong đó, nội dung quan trọng nhất là cần sửa Luật Trồng trọt và các nghị định, thông tư hướng dẫn để khả thi hơn, thực tế hơn tránh tình trạng mâu thuẫn nhau giữa các luật.

“Việc khảo nghiệm, công nhận lưu hành các giống ngô mang tính trạng chống chịu như chịu hạn, kháng sâu, chống chịu thuốc BVTV… là rất cần thiết, phù hợp với nhu cầu thiết thực trong phát triển và đăng ký giống mới, giúp tăng năng suất và tăng thu nhập của người nông dân” - Bà Đặng Ngọc Chi, đại diện CropLife Việt Nam.

Cùng với đó, cần có văn bản giải quyết các vướng mắc về tên giống tự công bố lưu hành với một loạt tên các giống rau, hoa của một số đơn vị đã phản ánh, gồm cả các trường hợp đã được bảo hộ tên hoặc nhãn hiệu hàng hóa nhưng bị đơn vị đăng ký trước “chộp” mất.

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, vai trò quản lý nhà nước tác động lớn tới hệ thống từ nghiên cứu chọn tạo - sản xuất kinh doanh giống cây trồng. Chính sách phù hợp với thực tiễn có tác dụng tạo môi trường sản xuất kinh doanh giống thuận lợi, tạo lợi ích cho người sản xuất cũng như toàn xã hội và ngược lại.

“Sau khi Luật Trồng trọt ra đời, chúng ta đã có những thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, đối với giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính thì tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành. Đây là bước thay đổi rất quan trọng, tuy nhiên điều này cũng là vấn đề khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp chưa kịp thích nghi. Trong việc chuyển đổi như vậy, cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa lường trước được những thay đổi…” - ông Cường cho hay.

Đại diện lãnh đạo Cục Trồng trọt nhấn mạnh, sau 3 năm thực hiện Luật Trồng trọt vẫn có một số vướng mắc, tuy nhiên, nhìn chung Bộ NN&PTNT, Cục Trồng trọt đã có những hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời. Chưa khi nào để xảy ra trường hợp khan hiếm giống, thiếu giống, nhất là các giống lúa.

“Từ phương thức quản lý cũ, chúng ta chuyển sang phương thức quản lý mới, vì thế cũng còn những vấn đề chưa thích ứng được, có những trục trặc, tuy nhiên về cơ bản trong những năm vừa qua Luật Trồng trọt đã đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Thời gian tới Bộ NN&PTNT, Cục Trồng trọt sẽ tiếp tục rà soát sửa đổi những cái chưa phù hợp trong Luật trồng trọt trong năm 2024” - ông Nguyễn Như Cường thông tin thêm.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/sua-luat-trong-trot-de-phat-trien-nganh-giong-cay-trong-hieu-qua-ben-vung.html