Sửa luật, siết kinh doanh ô tô: Buôn bán xe hơi cần hạn chế?

Có nên sửa đổi Luật Đầu tư?

Tuy nhiên, các luật sư lại cho rằng, theo Luật Đầu tư mới, kinh doanh ô tô không thuộc 267 ngành nghề có điều kiện. Do đó, muốn nâng cấp Thông tư 20 lên thành Nghị định về điều kiện kinh doanh ô tô thì trước hết cần phải sửa Luật Đầu tư. Phải đưa ô tô vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này, liệu có thực hiện được? Và có nên làm?

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, cơ quan chức năng có chủ trương sửa Luật Đầu tư ngay trong năm nay. Dự kiến sẽ loại bỏ khoảng 70 ngành nghề đang thuộc nhóm kinh doanh có điều kiện và thêm vào 10 ngành nghề mới. Nhưng với ô tô, ông Đức cho rằng “không thể được”.

Ông Đức lý giải, ngoài Luật Đầu tư, theo quy định của Hiến pháp, Luật Dân sự thì quyền tự do kinh doanh công dân chỉ được hạn chế bằng luật. Muốn hạn chế ngành nghề nào đó phải có 3 điều kiện là: ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và đạo đức. Kinh doanh ô tô không ảnh hưởng đến 3 lĩnh vực trên, vì vậy không thể hạn chế hay áp đặt điều kiện kinh doanh cho nó và nếu muốn, trước hết phải sửa Hiến pháp. Đó là điều không thể và cũng không thấy có lý do gì phải sửa, ông Đức nói.

Theo một số chuyên gia, các quy định của Thông tư 20 chỉ áp dụng cho xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống. Giả sử có sửa Luật Đầu tư, đưa ô tô thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì sẽ phải áp dụng cho cả xe chở khách từ 10 chỗ trở lên và xe tải các loại. Như vậy, xe tải, xe khách nhập khẩu cũng bắt buộc phải có ủy quyền chính hãng. Điều này chắc chắn phát sinh nhiều hệ lụy cho thị trường ô tô.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, khi nói đến kiểm soát nhập khẩu ô tô là liên quan đến kiểm soát chất lượng và kiểm soát thị trường.

Với kiểm soát chất lượng thì có thể khẳng định về mặt pháp luật, Việt Nam hiện đã có đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng ô tô sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam. Bất cứ ô tô nào lăn bánh tại Việt Nam đều được đăng kiểm và đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật.

Vấn đề triệu hồi xe cũng đã được quy định tại Thông tư 19 của Bộ GTVT. Triệu hồi xe lắp ráp sản xuất trong nước hay xe nhập khẩu (trong đó gồm cả nhập khẩu ủy quyền hay không ủy quyền) đều như nhau. Cần phải phát huy quy định này chứ Thông tư 20 của Bộ Công Thương không nên gánh thêm nhiệm vụ bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.

Việc DN trong nước mua ô tô từ các nhà cung cấp ở nước khác hợp lệ, cho dù không được nhà sản xuất ủy quyền trực tiếp tại Việt Nam vẫn hợp pháp, chủ nhãn hiệu (nhà sản xuất) không có quyền ngăn cấm. Do vậy, không nên dựng hàng rào để ngăn cản.

Thông tư 20 cũng không làm giảm nhập siêu ô tô. Nếu năm 2011, Việt Nam chi 1,02 tỷ USD để nhập khẩu ô tô, thì sang năm 2015 là 2,98 tỷ USD. Tỷ lệ nhập khẩu ô tô nguyên chiếc 2011 chiếm 0,94% tổng giá trị nhập khẩu, nhưng đến 2015 là 1,81% tổng giá trị nhập khẩu.

“Các quy định cần phải bảo đảm lợi ích đông đảo người tiêu dùng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, chứ không phải để hạn chế quan hệ phân phối và luật hóa các quan hệ này”, ông Tuấn nói.

Trần Thủy

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/317556/buon-o-to-kinh-doanh-tu-do-hay-phai-co-dieu-kien.html