Sửa Luật CCCD để hạn chế thủ tục hành chính

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng các cơ quan tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật CCCD nhưng theo cơ quan thẩm tra, cần phải có giải pháp chặn nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân.

Sáng 17-3, tiếp tục phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với dự án Luật CCCD (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Sửa luật nhằm hạn chế phát sinh thủ tục hành chính

Về dự án Luật CCCD (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật CCCD năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích CCCD, phục vụ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử…

Chính phủ đề nghị xây dựng Luật CCCD (sửa đổi) với bốn nhóm chính sách.

Thứ nhất, quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu CCCD vào CCCD. CCCD có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong CCCD.

Thứ hai, bổ sung thông tin lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu CCCD.

CCCD có giá trị cung cấp thông tin, tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp để tạo thuận lợi cho người dân, hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan…

Thứ ba, bổ sung đối tượng được cấp CCCD và đối tượng được cấp giấy chứng nhận CCCD.

Thứ tư, hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu CCCD; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy, thu hồi số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất CCCD và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội bổ sung dự án Luật CCCD (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm (tháng 5-2023) và thông qua tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2023).

3.000.000

người chưa làm CCCD. Công an phải đi tìm từng người để làm vì có những người không cần làm căn cước… Chúng ta không nên để “khoảng trống” khi có những người không có giấy tờ gì.

Bộ trưởng Bộ Công an TÔ LÂM

Cần giải pháp chặn nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết các cơ quan tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật CCCD.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị trong quá trình xây dựng dự án luật cần tiếp tục bổ sung đánh giá tác động kỹ hơn đối với các chính sách trong dự án luật, nhất là đánh giá về nguồn lực thực hiện (kinh phí từ ngân sách nhà nước và chi phí từ phía người dân), lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi.

Ông Tùng đề nghị làm rõ phương thức thực hiện việc tích hợp thông tin vào CCCD, bổ sung thông tin vào cơ sở dữ liệu CCCD để không gây phiền hà cho người dân; rà soát các luật có liên quan bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất.

Với các chính sách cụ thể, Thường trực Ủy ban Pháp luật lưu ý việc đưa nhiều thông tin cá nhân vào CCCD dẫn đến tăng nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cần có giải pháp chỉ cấp quyền đọc thông tin tích hợp trong CCCD phù hợp với yêu cầu quản lý, giao dịch của công dân trong từng trường hợp cụ thể, bảo đảm bí mật đối với những thông tin không trực tiếp liên quan đến yêu cầu quản lý, giao dịch cụ thể đó.

Do các thông tin được đề xuất tích hợp bổ sung vào CCCD đều là thông tin cá nhân, bí mật cần được bảo vệ (như BHXH, bảo hiểm y tế, tài khoản ngân hàng, lý lịch tư pháp…) gắn với quyền con người, quyền công dân, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, thống nhất với các bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực để đưa ra giải pháp phù hợp, có tính khả thi.•

Bộ trưởng Tô Lâm: Cấp CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi
là cần thiết

Liên quan đến đề xuất bổ sung quy định cấp CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải thích thêm. Ông nói: Chúng ta kêu gọi xây dựng chính phủ điện tử thì các cháu cũng phải được giao dịch. Bây giờ đăng ký điện thoại, Sim điện thoại phải có căn cước, thế các cháu dưới 14 tuổi có được dùng điện thoại không, hay cha mẹ đăng ký để con dùng? Trẻ được tham gia các hoạt động trên môi trường mạng nhưng để tránh những bất cập, chúng ta phải hoàn thiện những vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên họp sáng 17-3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QHVN

Bây giờ, trẻ mới sinh ra được cấp hộ chiếu ngay bởi vì đây là yêu cầu quốc tế. Tuy nhiên, ngoài hộ chiếu và giấy khai sinh, các cháu không có giấy tờ gì để giao dịch. Trẻ đi học phải dựa vào giấy khai sinh nhưng giấy này không chứng minh được người khai sinh là người giám hộ.

Theo quy định, khi đi máy bay, trẻ phải có giấy khai sinh. Tuy nhiên, thực tế nhiều gia đình đối phó bằng cách khai mất giấy khai sinh, hoặc có trường hợp mượn giấy khai sinh của một cháu khác có thông tin tương thích… Rất nhiều bất cập liên quan chưa giải quyết được.

CCCD hiện là một trong những phương thức quản lý dân cư hiện đại trên thế giới, chúng ta đang phấn đấu thống nhất các loại giấy tờ trong ASEAN, công dân các nước đi lại trong ASEAN không cần hộ chiếu. Nếu các quốc gia thống nhất, công dân Việt Nam có thể đi lại các nước ASEAN bằng CCCD, đây là vấn đề hội nhập nhưng đang có “khoảng trống” do công dân không có được giấy tờ để hội nhập quốc tế.

Nếu triển khai việc cấp CCCD cho trẻ thì thời hạn sẽ không giống người lớn mà có thể năm năm phải đổi một lần. Bộ Công an đặt mục tiêu 100% nhân dân giao dịch được trên môi trường điện tử, 100% người dân có căn cước.

Sau khi nêu hàng loạt lợi ích về việc cấp CCCD cho trẻ, ông nói: “Chúng tôi muốn làm càng sớm càng tốt, người dân ít giấy tờ cũng phục vụ cho quản lý xã hội, giao dịch xã hội một cách thông minh, tiện lợi nhất. Chúng ta không nên để lỡ cơ hội này trong quản lý, quản trị xã hội”.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/sua-luat-cccd-de-han-che-thu-tuc-hanh-chinh-post724440.html