Sửa đổi luật để thúc đẩy du lịch phát triển có trọng tâm, trọng điểm

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp, ngày 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Du lịch (sửa đổi).

Tại phiên họp, một số ý kiến cho rằng khái niệm "du lịch" rất cần bàn thêm vì bản chất của "du lịch" là hoạt động rời khỏi nơi cư trú của mình nhưng phải hợp pháp, dự án luật chưa nêu được bản chất đó. UBTVQH nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Du lịch hiện hành để xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, tạo động lực, môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển có trọng tâm, trọng điểm; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương trong lĩnh vực này.

Đánh giá du lịch của đất nước chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước, khách du lịch nước ngoài ít đến Việt Nam hoặc đến một lần rồi đi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu luật sửa đổi ra đời phải thu hút được đông khách đến và quay lại đất nước mình; phát triển du lịch không tách rời văn hóa.

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Một trong những nội dung còn quan điểm khác nhau là cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo. Bộ VH-TT&DL thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng, còn chưa có cơ quan nào quản lý nhà nước về tín ngưỡng.

Cơ quan thẩm tra dự án luật - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cần phải có một cơ quan nhà nước phù hợp chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý về lĩnh vực này.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/848834/sua-doi-luat-de-thuc-day-du-lich-phat-trien-co-trong-tam-trong-diem