Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng 'ưu tiên bố trí nguồn lực tài chính cho các ngân hàng chính sách'

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, chiều 5/6, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại tổ về dự án Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Tài Nguyên nước (sửa đổi).

Đại biểu Hoàng Đức Chính, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn phát biểu thảo luận tổ.

Tham gia phát biểu thảo luận tổ về dự án Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Hoàng Đức Chính, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn cho biết ở nước ta hiện nay, có 2 ngân hàng được xếp vào nhóm ngân hàng chính sách gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội (thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (thành lập theo Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ). Theo các quyết định này thì NHCSXH và Ngân hàng Phát triển Việt Nam có một số đặc điểm đã được đưa vào dự thảo Luật các tổ chức tín dụng như hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được Nhà nước đảm bảo khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế, không phải thực hiện dự trữ bắt buộc… Đây là những đặc điểm rất quan trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng cũng như hiệu quả triển khai các loại hình tín dụng chính sách mà Nhà nước giao cho các ngân hàng này thực hiện.

Theo đại biểu, các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH và Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện đã cung ứng một lượng vốn rất lớn cho các địa phương nhằm thực hiện các mục tiêu về kinh tế cũng như xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình đó cũng phát sinh những vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng này, nhất là việc đảm bảo nguồn lực tài chính cho hoạt động của ngân hàng. Để các ngân hàng chính sách có thể thực hiện được chức năng, nhiệm vụ mà Nhà nước quy định, thì việc đảm bảo yêu cầu về nguồn lực tài chính cho các ngân hàng này là yếu tố quan trọng hàng đầu, bởi các ngân hàng này hoàn toàn do Nhà nước cấp vốn điều lệ và hoạt động của các ngân hàng này cũng được quy định là không vì mục tiêu lợi nhuận nên không có khả năng tự tạo ra nguồn lực tài chính để bù đắp cho sự thiếu hụt về nguồn lực do Nhà nước chậm thanh toán hoặc không thanh toán đủ các khoản kinh phí thuộc nghĩa vụ của ngân sách nhà nước. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định rõ hơn về việc đảm bảo nguồn lực tài chính cho hoạt động của các ngân hàng chính sách, cụ thể tại khoản 2 Điều 17 bổ sung thêm nội dung: "2. Ngân hàng chính sách được Nhà nước đảm bảo khả năng thanh toán; được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; được Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực tài chính để thực hiện các nhiệm vụ được giao”.

Bên cạnh đó, để tạo thêm nguồn lực cho hoạt động của các ngân hàng chính sách, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định cho phép các ngân hàng chính sách không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, cụ thể tại khoản 3 Điều 17 bổ sung: "3. Ngân hàng chính sách không phải thực hiện dự trữ bắt buộc và không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi”. Vì thực tế quy định này đã được nêu trong các quyết định thành lập hoặc quy chế quản lý tài chính của các ngân hàng và đã được áp dụng ổn định trong nhiều năm qua.

Ngoài vấn đề đảm bảo nguồn lực tài chính cho hoạt động của các ngân hàng chính sách, đại biểu Hoàng Đức Chính đề nghị cần đưa các nội dung liên quan đến việc thành lập và tổ chức hoạt động của các ngân hàng vào dự thảo Luật nhằm xác định địa vị pháp lý của các Ngân hàng chính sách, đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại phát triển các ngân hàng này.

Bùi Hiển

(Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/178706/sua-doi-luat-cac-to-chuc-tin-dung-uu-tien-bo-tri-nguon-luc-tai-chinh-cho-cac-ngan-hang-chinh-sach.htm