Sưa cổ thụ 200 tuổi giá 50 tỷ: Vì sao được bán?

Việc bán cây sưa 200 tuổi ở Đình Đông Cốc đã được Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Bắc Ninh đồng ý cho địa phương đấu giá''

Liên quan vụ việc người dân thôn Đông Cốc (xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) ẩu đả ngay tại cuộc họp triển khai phương án khai thác cây sưa 200 tuổi tại đình Đông Cốc, trao đổi với Đất Việt sáng 10/12, ông Nguyễn Văn Đáp - Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (VH-TT&DL) Bắc Ninh) cho biết:

''Việc bán cây sưa 200 tuổi là địa phương đề nghị, sau đó tỉnh cũng có báo cáo lại với Bộ VH-TT&DL. Cuối cùng bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL đã có văn bản đồng ý giao cho tỉnh xử lý.''

Nói thêm về cây sưa 200 tuổi, theo ông Đáp, thời điểm địa phương kiến nghị bán thì cây sưa này đã bị héo và có dấu hiệu chết.

Gốc sưa 200 tuổi được định giá 50 tỷ

Cùng ngày, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Mạo - Giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh cũng khẳng định rằng, việc bán cây sưa 200 tuổi ở Đình Đông Cốc đã được Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Bắc Ninh đồng ý cho địa phương đấu giá. Chi cục kiểm lâm cũng đã có văn bản xác định rằng cây sưa 200 tuổi này đã chết.

''Tôi đã nắm được thông tin liên quan đến vụ ẩu đả xảy ra trong buổi đấu giá cây sưa 200 tuổi. Tuy nhiên, việc bán đấu giá cây sưa này lại không thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Quản lý di tích.'' - ông Mạo nói.

Trong khuôn viên đình làng Đông Cốc, ngoài cây sưa 200 tuổi bị chết vẫn còn một cây sưa 400 tuổi nằm ngay sân đình, Hiện tại, cây sưa 400 tuổi vẫn xanh tốt, phát triển khỏe mạnh.

Thiếu minh bạch?

Như đã thông tin trước đó, ngày 7/12, tại đình thôn Đông Cốc, xã Hà Mãn (Thuận Thành, Bắc Ninh), chính quyền đã tổ chức buổi họp tiếp dân về việc đấu giá cây sưa từng được rao bán với giá 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu cuộc họp thì đã xảy ra màn ẩu đả, thậm chí có người bị đánh chảy máu đầm đìa ở đầu. Mâu thuẫn xảy ra khi người dân cho rằng, cây sưa đỏ này đã có người trả số tiền lên đến 49 tỷ đồng nhưng chính quyền lại bán với giá chỉ 24 tỷ đồng.

''Cây sưa của làng Đông Cốc nằm ở đình làng mà chính quyền mang tận lên Hà Nội để tổ chức bán đấu giá là không hợp lý, có khuất tất. Cây ở thôn Đông Cốc phải về đây đấu giá công khai cho toàn dân biết'' - một người dân thôn Đông Cốc đặt nghi vấn.

Sau khi xảy ra vụ ẩu đả, ngày 8/12/2016, UBND tỉnh Bắc Ninh có công văn số 3675/UBND-NC, trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo: ''Giao UBND huyện Thuận Thành xem xét giải quyết trả lời công dân và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh trước ngày 15/1/2017''.

Ngày 8/12, Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành, ông Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, UBND huyện Thuận Thành đã quyết định tạm dừng khai thác cây gỗ sưa tại đình làng Đông Cốc, xã Hà Mãn nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Cùng ngày, UBND huyện Thuận Thành đã ra văn bản chỉ đạo số 859/CV-UBND, yêu cầu UBND xã Hà Mãn chỉ đạo tạm dừng khai thác cây gỗ sưa tại đình làng Đông Cốc, xã Hà Mãn. Đồng thời chỉ đạo Công an huyện điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật, ẩu đả, gây rối tại hội nghị họp dân thôn Đông Cốc sáng ngày 7/12/2016.

Đình Đông Cốc là di tích lịch sử cấp quốc gia, nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong các khu vực bảo vệ của di tích, trường hợp đặc biệt phải được phép của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch.

Thiên Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/sua-co-thu-200-tuoi-gia-50-ty-vi-sao-duoc-ban-3324743/