Sự trỗi dậy của 'ramen girls'

Suốt nhiều thập kỷ, tô ramen luôn 'siêu to khổng lồ' để vừa vặn bàn tay nam giới, nước súp rất nóng vì đàn ông Nhật Bản thích thế. Đã đến lúc điều này phải thay đổi.

Món mì ramen phổ biến ở Nhật Bản đang ngày càng chinh phục được nhiều “tâm hồn ăn uống” trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, có thể nhiều người không để ý rằng tại đất nước Mặt Trời mọc, ramen vốn là món ăn gắn liền với nam giới - chính những người đàn ông nước này mới có truyền thống ngồi trong quán ramen “ruột” chứ không phải phụ nữ. Nay, truyền thống đó đang đổi mới khi văn hóa "girl ramen" đang trỗi dậy, theo Nikkei Asia.

Kể từ những năm 1960, khi ramen đóng vai trò như một bánh răng trong động cơ của thời kỳ tăng trưởng kinh tế thần tốc của Nhật Bản, món ăn truyền thống này đã trở thành đặc quyền của nam giới, là nguồn vui riêng tư và là lối vào chốn thiêng liêng của cánh mày râu. Hầu hết đàn ông vào quán ramen một mình, ngồi ở quầy và không nói chuyện với ai. Giao tiếp xã hội hay hòa mình vào bầu không khí của quán ăn không phải phong cách thưởng thức ramen của họ.

Năm 2023 chứng kiến trend "girl dinner" lan truyền như vũ bão trên toàn cầu, sau một đăng tải TikTok của Olivia Maher (Anh) với đĩa đồ ăn nhẹ đẹp mắt, trong đó nguyên liệu chính là bánh mì và pho mát, được trộn nhanh gọn để tránh mất công nấu nướng. Tuy nhiên, thực ra "girl dinner" là trào lưu theo sau “girl ramen” vốn đã trở thành xu hướng từ năm 2015, khi Ramen Girls Festival (RGF - Lễ hội Ramen dành cho các cô gái) đầu tiên được tổ chức tại Yokohama (Nhật Bản).

Sự kiện này do blogger tiếng tăm Satoko Morimoto tổ chức. Morimoto nổi tiếng với giới truyền thông nhờ viết blog về tình yêu với ramen và thừa nhận rằng cô đã ăn 600 tô ramen mỗi năm.

Morimoto kêu gọi những phụ nữ trẻ Nhật Bản hãy dũng cảm đến các nhà hàng ramen ngon nhất, đứng hiên ngang giữa nhóm khách hàng chủ yếu là nam giới đang xếp hàng đông kín ở lối vào, và giải phóng nỗi ám ảnh về ramen bên trong của họ khi cuối cùng họ cũng được ngồi bên tô nước súp và mì nóng hổi trong mơ của mình.

Tại RGF, các đầu bếp phục vụ những tô ramen thơm ngon hấp dẫn cho những phụ nữ yêu thích ramen, và cho những người đàn ông dám bước qua lối vào được trang trí màu hồng của sự kiện ngoài trời này.

RGF được gộp chung vào sự kiện Ramen Expo hàng năm trong đại dịch Covid-19, nhưng nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy lễ hội sẽ được hồi sinh thành một sự kiện riêng biệt trong năm nay.

Điều gì khiến ramen nữ khác biệt với ramen truyền thống dành cho nam giới? Đầu tiên, các tiệm ramen cần thông hiểu và phục vụ các nhu cầu của phái nữ như nội thất thoáng mát, hợp vệ sinh, phòng vệ sinh sạch sẽ, mặt bàn bằng gỗ và dàn loa có nhạc jazz. Phần nước súp phải nhẹ nhàng hơn đối với hệ tiêu hóa so với loại truyền thống và phải có lựa chọn không chứa gluten cho mì. Thịt và rau nên có nguồn gốc từ các trang trại hữu cơ và khẩu phần ăn cần ít hơn khẩu phần truyền thống để vừa miệng nữ giới.

Trên hết, khách hàng nữ cần cảm thấy được chào đón. Trong văn hóa ramen truyền thống, đàn ông có thể húp súp một cách ồn ào tùy thích, nhưng phụ nữ phải tuân theo những quy tắc khác. Ở một khía cạnh nào đó, phụ nữ ngồi một mình ở quầy ramen sẽ gây chú ý hơn một phụ nữ một mình ở quán bar, vì họ được cho là đang phơi bày hình ảnh xì xụp húp súp cho cả thế giới thấy. Trừ khi cô ấy đi cùng bạn trai hoặc chồng, việc ăn mì ramen một mình đồng nghĩa đối mặt với những rủi ro xã hội lớn.

Miyako Kuzushiro, nhân viên văn phòng Tokyo, một người yêu thích ramen nhưng không thích ăn giữa đám đông, cho biết: “Ăn mì ramen có thể gây tổn hại về giao tiếp xã hội. Bạn không bao giờ nên ăn ramen trong buổi hẹn hò đầu tiên hoặc thậm chí là buổi hẹn hò thứ ba. Trước tiên, bạn phải biết rằng người hẹn hò sẽ không đánh giá bạn vì yêu thích ramen và vẫn muốn tiếp tục mối quan hệ sau đó".

Hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng chỉ là ăn ramen thôi nhưng dường như áp lực nhiều hơn là thưởng thức ẩm thực cho phụ nữ.

Điều này cũng có thể hiểu được, bởi trong nhiều thập kỷ, mọi khía cạnh của ramen đều hướng đến nam giới, từ nước súp - thường bao gồm mỡ heo, nội tạng heo và một ít bột ngọt - cho đến chiếc tô, thường rất lớn và được thiết kế cho bàn tay nam tính. Nước súp thường rất nóng vì đàn ông Nhật Bản thích như vậy, trong khi rõ ràng hơi nóng bốc lên từ tô ramen sẽ ảnh hưởng đến lớp trang điểm trên gương mặt của phụ nữ.

Những tép tỏi đặt trên bàn ăn nhà hàng, rất phù hợp với những người đàn ông yêu thích tỏi nhưng hẳn là không “nghĩ cho” những phụ nữ không muốn bị ám mùi tỏi khi quay lại văn phòng làm việc.

Những tấm áp phích chụp các cô gái mặc bikini trang trí trên tường, và những tạp chí khỏa thân cũ kỹ thường ló ra trên kệ báo. Không có khăn ăn và thường chỉ có một phòng vệ sinh tối tăm và chật chội.

Vì vậy, khi phụ nữ muốn ăn ramen, họ tới siêu thị và mua Cup Noodle - một trong những phát minh đáng kể nhất tại Nhật Bản, in đậm dấu ấn của Tập đoàn Thực phẩm Nissin vào năm 1971. Nhờ Cup Noodle và vô số các loại ramen ăn liền có hương vị khác nhau, đựng trong ly tiện dụng, các thế hệ phụ nữ Nhật Bản đã có thể húp xì xụp và ăn thỏa thích trong sự riêng tư mà không bị quấy rối ngay tại nhà riêng.

Phải nói rằng cũng mất khá lâu Nissin mới đưa ra một sản phẩm dành riêng cho phụ nữ. Cup Noodle Light, xuất hiện vào năm 2008, nhắm đến những phụ nữ thành thị, quan tâm hơn đến sức khỏe, đang tìm cách ăn ramen mà không bị kỳ thị về lượng calo và tăng cân. Cup Noodle ban đầu có lượng calo 335, trong khi Light chỉ cung cấp 198 calo. Bảy năm sau, Nissin nâng tầm với Cup Noodle Light Plus, cũng cung cấp 198 calo nhưng bao gồm các phiên bản sang hơn như Ratatouille, Bagna Cauda và Lobster Bisque.

Với bao bì bắt mắt và hương vị thơm ngon dành cho người sành ăn, Light Plus đã thu hút được nhiều khách hàng nữ. Khi Nissin tiến thêm một bước nữa bằng cách cắt ngắn sợi mì để thực khách dễ ăn hơn và bớt phải húp xì xụp, công ty ghi nhận gần 70% người mua sản phẩm này là phụ nữ.

Và sau đó vào năm 2021, Nissin đã loại bỏ Light Plus khỏi kệ hàng và thay thế bằng Cup Noodle Pro, một sản phẩm có chứa gluten và đường, hoàn hảo cho dân thành thị ở cả hai giới đang trong trào lưu “đốt mỡ” trong các phòng tập gym. Chữ "Pro" biểu thị sự thoát khỏi định kiến về giới tính, thừa nhận rằng người Nhật hiện đại muốn ramen ăn liền phù hợp nhất với nhu cầu ăn kiêng.

Tuy nhiên, các cuộc khảo sát trực tuyến cho thấy phụ nữ đang tìm đến một sản phẩm khác - Cup Noodle Seafood (Mì ly hải sản) - hương vị ưa thích nhất của họ. Cup Noodle Seafood không hề ít calo (chứa 340 calo) nhưng được cộng đồng ramen trực tuyến của phụ nữ ủng hộ hết mình.

Tất cả những điều này cho thấy phụ nữ Nhật Bản cuối cùng đã có thể tạo dựng mối quan hệ riêng với ramen. Cho dù họ thưởng thức ramen trong nhà hàng hay ngồi ở nhà với ly ramen ăn liền yêu thích, cánh cửa bước vào thế giới ramen đều đã được mở ra.

“Đã đến lúc tất cả cùng tận hưởng”, Kuzushiro nói. "Chỉ cần đảm bảo rằng mascara và kem nền của bạn không thấm nước".

Hạnh Lam

Ảnh: Nikkei Asia, New York Times

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoa-ra-to-ramen-sieu-to-khong-lo-day-ap-dac-quyen-cua-dan-ong-post1462869.html