Sự trỗi dậy của mì ăn liền

Sự phổ biến của mì ăn liền đang lan rộng nhanh chóng khắp thế giới, tới những nơi trước đây vốn không có thói quen tiêu thụ sản phẩm này.

Khi Remilekun Oguntoye bước vào tiệm mì Titilayo Taiwo’s để ăn sáng, cô biết chính xác mình cần lấy gì từ chiếc bàn nhỏ nơi bày la liệt các loại nguyên liệu.

Cô gái 23 tuổi này nằm trong số rất nhiều khách quen tại tiệm mì ven đường ở Muhsin, vùng ngoại ô thu nhập thấp của Lagos (Nigeria). Oguntoye đang chờ gọi món như thường lệ: Hai gói mì với một quả trứng rán và một ít cá.

“Một tuần có 7 ngày, tôi có thể ăn mì 5 ngày”, Oguntoye nói. Cô gái trẻ không thích nấu ăn và coi mì là lựa chọn thay thế nhanh gọn và cũng giúp bao tử được lấp đầy.

“Với tần suất ăn (mì) như vậy, giờ tôi lẽ ra có thể làm đại sứ rồi”, cô hài hước.

Lan rộng nhanh chóng

Ăn hai gói 70 g trong một bữa, Oguntoye tiêu thụ lượng sodium khoảng 2.352 mg - tức bằng 118% lượng khuyến nghị hàng ngày của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Sự phổ biến của mì ăn liền đang lan rộng nhanh chóng ở các nước đang phát triển ở châu Phi, Nam Mỹ và một số khu vực ở châu Á vốn ít coi mì là món ăn hàng ngày trước đây. Điều này làm nảy sinh mối lo ngại về một số bệnh lý, đặc biệt là những bệnh liên quan đến tim, do mì gói thường chứa hàm lượng muối cao.

Tuy nhiên, người tiêu dùng bị thu hút bởi giá mềm, hương vị dễ ăn và sự tiện lợi, thường khó nhận ra các vấn đề sức khỏe liên quan do các quy định lỏng lẻo về ghi nhãn.

Một phụ nữ nhận hộp mì từ nhân viên cứu trợ trong đại dịch Covid-19 ở Lagos, Nigeria. Mức tiêu thị mì ăn liền ở nước này đang tăng vọt. Ảnh: Alamy

Taiwo - chủ tiệm mì Titilayo Taiwo’s - cho biết: “Mì gói rất được ưa chuộng, mọi người đổ xô đến ăn rất nhiều”.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới có trụ sở tại Nhật Bản, từ năm 2018 đến năm 2022, Nigeria - quốc gia tiêu thụ mì ăn liền lớn nhất châu Phi cho đến nay - đã chứng kiến lượng cầu tăng vọt 53%, từ 1,82 tỷ khẩu phần lên 2,79 tỷ khẩu phần. Trong khi các quốc gia như Kenya có lượng khách hàng hiện tại nhỏ hơn nhiều thì nhu cầu trong cùng thời kỳ cũng tăng 160% từ 50 triệu khẩu phần lên 130 triệu khẩu phần. Con số này cũng tăng 150% ở Colombia và 110% ở Ai Cập.

Giá cả phải chăng và sự tiện lợi là chìa khóa cho sự tăng trưởng bền vững của thực phẩm trên toàn cầu, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng như đại dịch Covid-19 và khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Theo Hiệp hội Mỳ ăn liền Thế giới, năm ngoái, thế giới tiêu thụ 121,2 tỷ suất mỳ ăn liền, tăng 2,6% so với năm trước.

Và mì ăn liền cũng không còn là món ăn của người có túi tiền khiêm tốn. Sự lan rộng của văn hóa đại chúng Hàn Quốc cũng đã thúc đẩy nhu cầu đối với thực phẩm xứ kim chi ở các nước giàu hơn và trong tầng lớp trung lưu ở các nước đang phát triển. Theo dữ liệu do Hàn Quốc công bố vào tháng 11, nước này đã xuất khẩu mì ăn liền trị giá kỷ lục 785 triệu USD trong 10 tháng đầu năm nay - tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mì ăn liền chứa hàm lượng muối cao hơn mì thông thường để giữ kết cấu và giảm thời gian nấu. Ngoài ra, muối còn có nhiều trong các gói gia vị có sẵn trong gói mì.

Một nghiên cứu năm 2017 phân tích thành phần của 765 sản phẩm mì ăn liền ở 10 quốc gia, cho thấy hàm lượng muối rất khác nhau, chiếm từ 35% đến 95% lượng muối ăn hàng ngày của người trưởng thành. Mì ăn liền ở các nước thu nhập trung bình có hàm lượng muối cao hơn đáng kể so với các nước thu nhập cao.

Cả một thế hệ lớn lên cùng mì ăn liền

Tại Nigeria, thị trường mì ăn liền đang do thương hiệu Indomie của Indonesia thống lĩnh, hãng này đã thiết lập hẳn một nền văn hóa ẩm thực đô thị riêng. Nigeria là quốc gia châu Phi đầu tiên có nhà máy Indomie và những người bán hàng của thương hiệu này đều có một ki-ốt đặc biệt, có thể nhận thấy trên mọi con phố, ở gần như mọi vùng ngoại ô.

Mặc dù mì Indomie nhanh chóng trở thành mặt hàng chủ lực ở Nigeria với thế hệ trẻ nhờ chiến dịch tiếp thị thành công nhưng họ không phải là thương hiệu đầu tiên gia nhập thị trường này. Maggi - sản phẩm thuộc sở hữu của Nestlé - vốn phổ biến ở Ấn Độ - mới là thương hiệu mì gói đầu tiên tìm cách xâm nhập Nigeria.

“Mì Maggi đã tìm cách chinh phục người trưởng thành nhưng thất bại nên họ bỏ cuộc. Indomie đã nhận ra sai lầm và thực hiện một chiến lược khác”, Opeyemi Famakin, một nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng ở Nigeria, nói với Guardian.

“Hãy tìm tới giới trẻ. Hãy tiếp cận chúng khi còn trẻ để chúng lớn lên cùng bạn và theo mặc định, chúng sẽ trở nên trung thành với bạn. Thế hệ Millennial ở Nigeria lớn lên với Indomie. Hãng này đã bán một bữa ăn nấu trong hai phút. Không có món ăn nào ở Nigeria nấu nhanh như vậy”.

Có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm

Quảng cáo cũng đóng vai trò quan trọng ở Ấn Độ, nơi nhu cầu với mì ăn liền vẫn đang tăng nhanh.

Theo bà Nupur Bidla, chuyên gia nghiên cứu dinh dưỡng của các thực phẩm với tư cách là thành viên của tổ chức Ấn Độ Vận động Dinh dưỡng vì Lợi ích Công cộng (Napi), Maggi có thể đã thất bại trong việc chiếm lĩnh thị trường Nigeria nhưng khá phổ biến ở Ấn Độ.

Một banner quảng cáo mì Indomie - thương hiệu Indonesia được giới trẻ ưa chuộng - treo bên ngoài một cửa hàng ở Juja, Nairobi. Ảnh: Guardian“Nó có mặt ở khắp nơi: Các ngôi làng, những vùng đồi hẻo lánh... Bạn có thể không tìm thấy rau ở đó, nhưng sẽ tìm thấy Maggi”, bà Bidla nói.

Một báo cáo gần đây của Napi về thực phẩm chế biến sẵn cho rằng quảng cáo mì Maggi “cố tình che giấu thông tin quan trọng” chẳng hạn nồng độ sodium cao - một gói 70 g chứa khoảng 1/3 lượng sodium khuyến nghị cho một người trưởng thành.

Báo cáo cũng chỉ ra chiến thuật tiếp thị của thương hiệu dựa vào đưa trẻ em vào các quảng cáo để tạo cảm xúc.

Bà Bidla nói rằng trong khi mì có thể có giá 10-15 rupee ở khu vực thành thị thì có tới nông thôn, giá giảm xuống còn 5 rupee.

“Tất cả quảng cáo đều có hình ảnh trẻ em hoặc người nổi tiếng và có cả yếu tố vui vẻ và hạnh phúc. Họ gắn khát vọng với Maggi. Trước đây có một quảng cáo, trong đó một người mẹ ở nông thôn cố gắng thưởng cho con mình một tô Maggi”, bà Bidla nói.

“Điều thu hút là bạn không thể quên được hương vị. Chúng tôi biết những thực phẩm này rất ngon miệng và điều tự nhiên là khi bạn ăn thứ gì đó mặn hoặc ngọt, bạn sẽ muốn ăn lại. Họ đã thiết kế nó như thế đấy”, bà chỉ rõ.

Người phát ngôn của Nestlé Ấn Độ cho hay: “Chúng tôi tin rằng tất cả các sản phẩm của chúng tôi có thể là một phần của chế độ ăn uống cân bằng bao gồm nhiều rau, trái cây, đậu và ngũ cốc nguyên hạt. Điều quan trọng đối với chúng tôi là cung cấp thông tin và dịch vụ để giúp mọi người đưa ra lựa chọn thực phẩm sáng suốt. Để hỗ trợ điều này, chúng tôi cung cấp hướng dẫn về dinh dưỡng cho người tiêu dùng thông qua các nền tảng trực tuyến như AskNestlé. Hơn nữa, Nestlé Ấn Độ tự nguyện đưa vào hướng dẫn ghi nhãn lượng hàng ngày (GDA) trên mặt trước của gói để cung cấp thông tin dinh dưỡng minh bạch”.

“Chúng tôi tuân theo các nguyên tắc do cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của Ấn Độ đưa ra về quảng cáo cho trẻ em”, người phát ngôn nói thêm.

Barry Popkin, giáo sư dinh dưỡng tại Mỹ, người vận động chống lại thực phẩm chế biến sẵn, cho biết mùi từ các chất phụ gia nhân tạo trong mì ăn liền là một phần tạo nên sự hấp dẫn và giúp thu hút mọi người.

“Tôi thường xuyên nhìn thấy cảnh tượng các sinh viên đại học ăn mì khi đi bộ trên đường phố ở Mỹ. Đó là một sản phẩm rất phổ biến, nhưng vẫn chưa thể so được với nhiều nơi khác. Ở Trung Quốc, châu Á và châu Phi, lượng người tiêu dùng mì ăn liền thực sự rất cao. Mì ăn liền không chỉ được tiêu thụ mạnh ở Trung Quốc, mà còn cả những quốc gia chưa từng có truyền thống ăn mì. Nếu bạn nhìn vào xu hướng bán hàng, điều đó thật tuyệt vời”, ông nói.

“Tuy nhiên, đây là một trong những thực phẩm chế biến sẵn có lượng sodium và các loại chất béo cao có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Thực tế là mọi người đang ăn hai hoặc ba gói mì mỗi ngày - không có gì lạ khi chứng tăng huyết áp đang tăng vọt”, vị chuyên gia nhận định.

Bên ngoài khuôn viên Đại học Nairobi, nhiều quán mì thu hút rất nhiều sinh viên đang tìm kiếm một bữa ăn nhanh và rẻ.

Lenox Oyanga, một sinh viên năm thứ hai tiêu thụ mì ăn liền hàng tuần, cho biết anh không nhận thức rõ ràng về các vấn đề sức khỏe liên quan và dù sao cũng sẽ ưu tiên nghĩ tới “túi tiền” sinh viên eo hẹp của mình.

“Tôi có lo ngại, nhưng cũng chỉ có thể điều chỉnh lối sống của mình dần dần”, anh nói. Anh tin rằng thời điểm kinh tế khó khăn trong nước sẽ thúc đẩy nhiều người “tiết kiệm tiền hơn là chú tâm vào sức khỏe”.

Và với một gói mì được bán với giá 35-50 shilling Kenya (0,22-0,32 USD), không khó hiểu hiểu tại sao chúng lại hấp dẫn đối với một sinh viên có túi tiền vừa phải.

Brian Chiaji, một nhân viên cửa hàng ván trượt tuck, cho biết: “Tôi trữ 5 hộp mỗi tuần - mỗi hộp có 20 gói [mì] - và thường hết sạch”.

Một người bạn cùng trường của Oyanga, Albert Bahati, 19 tuổi, cho biết mì ăn liền đã trở nên phổ biến rộng rãi hơn bao giờ hết trong các ki-ốt, siêu thị mini và siêu thị lớn.

“Mì gói ở khắp mọi nơi, đồng nghĩa với sự tiêu thụ đang rất lớn. Trước đây, món này không phổ biến và dường như là thứ dành cho người giàu, nhưng bây giờ thì ngược lại”, anh chia sẻ.

Theo ZNews

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/diem-nong/su-troi-day-cua-mi-an-lien/259615.htm