Sự tri ân lặng thầm. Bài 2: Nặng lòng với sức khỏe người có công

Cũng như các cán bộ làm công tác chính sách trên địa bàn, thời gian qua, 20 viên chức, người lao động Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Quảng Trị (đóng tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) luôn dành cả khối óc, con tim cho công việc đầy ý nghĩa. Một cách thầm lặng, họ đã giúp nhiều người có công tìm được mái nhà, tổ ấm, sống vui, sống khỏe những ngày cuối cuộc đời.

> Sự tri ân lặng thầm. Bài 1: Gỡ khó cho người có công

 Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Nguyễn Đặng Hưng thăm hỏi, động viên bà Tạ Thị Thanh - Ảnh: Q.H

Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Nguyễn Đặng Hưng thăm hỏi, động viên bà Tạ Thị Thanh - Ảnh: Q.H

Ấm lòng người có công neo đơn

Bà Tạ Thị Thanh, thương binh hạng 1/4, quê ở xã Trung Sơn, huyện Gio Linh trẻ, khỏe hơn nhiều so với tuổi 80. Ít ai biết, ngày mới vào trung tâm, bà Thanh hiếm khi rời khỏi giường bệnh. Mỗi khi trái gió, trở trời, những vết thương chiến tranh khiến miếng ăn, giấc ngủ cũng trở nên nhọc nhằn đối với bà. Nói về sự đổi thay “ngoạn mục” ấy, bà Thanh khẳng định, đó là nhờ sự quan tâm, chăm sóc tận tình của viên chức, người lao động Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh. Bà Thanh kể: “Không chỉ thuốc thang mỗi khi đau ốm, các cô, các chú còn quan tâm đến bữa ăn, giấc ngủ, niềm vui, nỗi buồn của tôi. Không chồng, không con, tôi từng lo mình sẽ chết trong cô đơn, bệnh tật, giờ thì khác rồi”.

Nói về tình cảm mà viên chức, người lao động Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh dành cho mình, bà Thanh khẳng định, dù kể cả ngày cũng không hết. Mới đây, bà thấy đau ở vùng bụng dưới phía bên phải. Cơn đau ngày càng dày khiến bà luội dần. Vậy mà, bà vẫn cố chờ đến sáng vì sợ làm phiền mọi người. May mắn là nhờ linh tính mách bảo, cán bộ trực đêm đã phát hiện tình trạng của bà, rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Mấy ngày sau đó, lãnh đạo Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh cắt cử người vào viện túc trực, chăm sóc bà. Ở viện, ai cũng nghĩ viên chức trung tâm là máu mủ, ruột rà của bà Thanh.

Ở cạnh phòng bà Tạ Thị Thanh, bà Đoàn Thị Sen (90 tuổi), quê ở xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong thường được mọi người gọi bằng “mẹ” một cách trìu mến. Mang thương tật 93%, bà Sen gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Tâm trí bà cũng không được minh mẫn như ngày trước. Đôi lúc cùng một câu hỏi, bà Sen đặt ra cho người đối diện cả chục lần. Vậy mà, viên chức, người lao động Trung tâm Điều Dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh luôn kiên trì trả lời. Bà Sen cho biết: “Người ta nói tôi không con, không cái. Nhưng đâu phải, con cháu tôi ít ít cũng có 20 người (ý chỉ viên chức, người lao động của Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh - PV)”.

 Người có công huyện Vĩnh Linh được chăm sóc sức khỏe bằng máy móc hiện đại - Ảnh: Q.H

Người có công huyện Vĩnh Linh được chăm sóc sức khỏe bằng máy móc hiện đại - Ảnh: Q.H

Không đơn thuần là mái nhà che mưa nắng, Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh đã trở thành tổ ấm của 48 cụ già, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó, một số trường hợp như bà Thanh, bà Sen từng đóng góp máu xương cho cách mạng. Điểm chung của họ là đều già cả, ốm yếu, không nơi nương tựa… Ở tuổi xế chiều, khát khao về một tổ ấm luôn thường trực trong các bà. Vì thế, ai cũng vui khi được sống tại Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh.

Thiết kế tour cho người có công

Những năm gần đây, bà Tạ Thị Thanh, Đoàn Thị Sen rất vui khi có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với đoàn người có công đến từ các địa phương trong và ngoài tỉnh. Nói về dấu mốc mở màn cho cuộc gặp gỡ những người từng một thời vào sinh ra tử, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Nguyễn Đặng Hưng bật mí, tháng 4/2021, đơn vị đón tiếp đoàn người có công ở huyện Vĩnh Linh đến điều dưỡng, khởi đầu cho nhiệm vụ mới. “Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH giao phó, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc trung tâm. Vì thế, chúng tôi luôn trăn trở, lo lắng tìm cách để người có công đến điều dưỡng hài lòng”, ông Hưng nói.

Để nỗi lo không kéo dài, ông Hưng đã họp với tất cả viên chức, người lao động. Rất nhanh sau đó, một bản kế hoạch về việc điều dưỡng người có công đã được thiết kế. Yêu cầu đặt ra là thực hiện nghiêm túc chế độ, chính sách đãi ngộ của Nhà nước đối với người có công. Đặc biệt, lãnh đạo trung tâm xác định, cần triển khai việc đón tiếp, điều dưỡng dưới hình thức một “tour nghỉ dưỡng” kéo dài 6 ngày. Trong chuyến đi, người có công không chỉ được lo ăn, ngủ, nghỉ mà còn có dịp tham gia các hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe, giao lưu văn nghệ, chơi thể thao, tham quan… Để “tour nghỉ dưỡng” thành công, khâu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và khám sàng lọc được viên chức, người lao động ở trung tâm đặc biệt chú ý để ngay từ đầu có sự phân bố tầng, phòng; lên thực đơn cơm nước; triển khai hoạt động điều dưỡng… phù hợp.

Ngày đón đoàn người có công đầu tiên đến từ huyện Vĩnh Linh, viên chức, người lao động Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh đều hồi hộp. Điều khiến họ yên tâm là 34 thành viên trong đoàn rất gần gũi, thân thiện và dành nhiều tình cảm cho viên chức, người lao động của trung tâm. Nhiều người còn có những góp ý rất chân tình. Đó cũng chính là động lực thôi thúc các cán bộ, viên chức làm tốt hơn nhiệm vụ. Họ không ngại dậy từ mờ sáng để hằng ngày vệ sinh trung tâm, phòng ốc; chuẩn bị 5, 6 chế độ ăn trong một bữa; điều dưỡng cho 34 người… Hôm chia tay, ai cũng vui khi nghe các thành viên trong đoàn chia sẻ, 6 ngày ở trung tâm, họ cảm thấy như sống tại ngôi nhà của mình. Có thương binh khẳng định, đây là chuyến “du lịch 0 đồng” đáng nhớ nhất trong đời.

Bước khởi đầu thành công đã tiếp thêm niềm tin cho cán bộ, viên chức Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh. Họ đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung hoạt động phù hợp để đón tiếp những đoàn người có công khác đến từ huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, TP. Đông Hà… Chương trình điều dưỡng hằng năm cũng được xây dựng bài bản, cụ thể. Tiếng lành đồn xa, đoàn người có công ở các tỉnh: Đắk Lắk, An Giang… đã chọn Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh làm điểm đến.

Dành cả khối óc và trái tim

Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh có 20 viên chức, người lao động. Phần lớn anh chị em ở trung tâm đều làm việc xa nhà, có người phải đi, về gần 70 km. Vừa hằng ngày chăm sóc cho 48 trường hợp bảo trợ xã hội, trong đó có các thương binh, vừa tổ chức tour đón tiếp, điều dưỡng người có công trong và ngoài tỉnh, trọng trách đặt trên vai viên chức, người lao động ở đây không hề nhỏ. Vì thế, các viên chức, người lao động luôn phải làm việc bằng gấp đôi, gấp ba sức mình. Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Lê Anh Minh cho biết: “Vào giai đoạn cao điểm, phần lớn viên chức, người lao động phải ở lại trung tâm để làm việc. Có người cả tuần lễ liền không được về nhà”.

Vì khối lượng công việc nhiều, trong khi nguồn nhân lực có hạn, viên chức, người lao động Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh luôn phải tập trung suy nghĩ, tìm giải pháp để thực hiện nhanh, hiệu quả nhất nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo trung tâm khuyến khích người lao động đưa ra các sáng kiến, giải pháp cải tiến công việc. Về phần mình, mỗi thành viên trong trung tâm đều nêu cao ý thức tự trau dồi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng…, thậm chí cả năng khiếu để có thể làm được nhiều việc nhất có thể. Đơn cử như ngoài khám, chữa bệnh, bác sĩ, hộ lý, điều dưỡng ở trung tâm còn xắn tay dọn dẹp vệ sinh hay tham gia các tiết mục văn nghệ phục vụ người có công lúc cần. Nói như các viên chức, người lao động ở đây: “Không đa năng, không thể làm việc tại trung tâm”.

Tuy nhiên, theo anh Lê Anh Minh, nếu chỉ dùng mỗi sức lực, khối óc để làm việc cũng khó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cái mỗi viên chức, người lao động ở trung tâm luôn cần là có một trái tim ấm áp. Thực tế, phần lớn người có công mà các viên chức, người lao động đón tiếp, săn sóc đều gặp nhiều vấn đề về tuổi tác, sức khỏe. Ai cũng mong được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn. Vì thế, không thể chỉ xem người có công như khách mà phải là thành viên trong gia đình. “Phần lớn anh chị em ở trung tâm đều có ba mẹ già. Ở nhà, chúng tôi chăm sóc ba mẹ mình như thế nào thì đến đây chăm sóc người có công như thế ấy. Chúng tôi không ngại bỏ dở bữa cơm, rút ngắn giấc ngủ để lo liệu cho người có công”, anh Minh khẳng định.

Đến Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là không gian nơi đây không trầm lắng, nhuốm màu buồn như tưởng tượng mà rộn tiếng hát ca, nói cười. Để có bầu không khí ấy, những viên chức, người lao động làm việc tại trung tâm đã đổ rất nhiều tâm sức. Vậy nhưng, khi hỏi về ước mơ, không ai nói về những điều mang tính cá nhân. Mong muốn chung của họ là trung tâm có thêm những trang thiết bị trị liệu và đặc biệt là nhiều cây xanh. Thật ra, mấy năm nay, viên chức, người lao động Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh đã bắt tay thực hiện ước mơ này. Thế nhưng, đất cát nhiễm mặn cộng với thời tiết miền biển đã cản trở những nỗ lực của họ. Vì thế, những bóng cây râm mát để xoa dịu cái nóng ngày hè cho người có công là mong mỏi của các viên chức, người lao động. Chỉ ước mơ chung nhỏ bé, giản dị ấy thôi cũng đủ để thấy cũng như người có công và các trường hợp bảo trợ khác, họ đã xem trung tâm như chính ngôi nhà, tổ ấm của mình.

Trương Quang Hiệp

Bài 3: Nghĩa tình ở ngôi nhà chung của thân nhân liệt sĩ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=168435&title=su-tri-an-lang-tham-bai-2-nang-long-voi-suc-khoe-nguoi-co-cong