Sự thống trị của sầu riêng: 'Vũ khí bí mật' của Việt Nam với Trung Quốc

Việt Nam đã xuất khẩu hơn 95% trong tổng số 876 triệu USD sầu riêng sang Trung Quốc trong nửa đầu năm nay.

Lợi thế độc nhất của Việt Nam

Việt Nam đang tăng cường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc bằng cách sử dụng các chuyến hàng qua biên giới đất liền để kiểm soát chi phí, một chiến lược có thể thách thức sự thống trị của sầu riêng Thái Lan trên thị trường.

Các chuyến hàng xuyên biên giới đã tăng mạnh kể từ khi Trung Quốc chính thức cho vận chuyển hàng hóa thường xuyên các loại trái cây tươi phổ biến có mùi vị mạnh từ Việt Nam một năm trước.

Trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu lượng sầu riêng trị giá 876 triệu USD, trong đó 835 triệu USD được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Jack Nguyễn, đối tác của Công ty tư vấn kinh doanh Mazars tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết việc vận chuyển sầu riêng qua biên giới đất liền dài 1.306km (812 dặm) sẽ tiết kiệm được khoản tiền đáng kể và điều đó sẽ thể hiện trực tiếp qua giá bán lẻ.

“Việt Nam có lợi thế về sản lượng và tính khả thi của việc vận chuyển. Chắc chắn là sầu riêng của Việt Nam sẽ cạnh tranh về giá”, ông Jack nói thêm.

Trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu lượng sầu riêng trị giá 876 triệu USD, trong đó sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc trị giá 835 triệu USD. (Nguồn: Hà Huệ Phong)

Tiềm năng thị trường cho sầu riêng Việt Nam vận chuyển bằng đường bộ đã thúc đẩy các thành phố biên giới ở Trung Quốc cải thiện dịch vụ hậu cần thương mại.

Trung Quốc cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải biên giới vào tháng 1/2022, tháng mà hiệp định thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực có hiệu lực.

Thỏa thuận thương mại tự do gồm 15 quốc gia, bao gồm khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên cộng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand, đã thúc đẩy thương mại sầu riêng do thuế thấp hơn và thủ tục hải quan được đơn giản hóa.

Sầu riêng đã trở thành một trong những loại trái cây nhiệt đới được tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc ưa chuộng nhất, được người tiêu dùng ở một số vùng coi đây là món quà cao cấp cho các cặp vợ chồng mới cưới và biếu mẹ chồng tương lai.

Tuy nhiên, sản lượng sầu riêng của Trung Quốc tương đối nhỏ và mới so với các nước láng giềng Đông Nam Á.

Được biết, sầu riêng Việt Nam loại cao cấp được bán với giá khoảng 4 USD/kg tại Trung Quốc. Hồi đầu tháng này, HSBC cho biết sầu riêng từ các quốc gia Đông Nam Á khác được bán với giá từ 10 USD trở lên mỗi kg.

HSBC cho biết, Thái Lan xuất khẩu 99% sầu riêng vào thị trường Đông Nam Á, với nhu cầu toàn cầu đã tăng 400% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên của năm 2023 do nhu cầu từ Trung Quốc.

Sầu riêng của Thái Lan nổi tiếng với hương vị ngọt ngào nhưng chặng đường vận chuyển đường bộ-đường biển tới Trung Quốc phải mất tối thiểu 4 ngày.

Cam kết đảm bảo chất lượng an toàn

Các nhà phân tích cho biết, nông dân tại các vùng chuyên canh sầu riêng của Việt Nam ở các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên mong muốn đạt 76 mã xuất xứ bắt buộc của Trung Quốc trong việc trồng trọt và 25 mã xuất xứ đối với việc đóng gói sầu riêng nhập khẩu.

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Trung Quốc trước đây lo ngại về việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón trong việc trồng sầu riêng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nông dân Việt Nam đã giải quyết được vấn đề thuốc trừ sâu và phân bón vào tháng 9 năm ngoái.

Ông Nguyễn Thành Trung, người ước tính có 100 nông dân Việt Nam có giấy phép xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, cho biết: “Điều đó có nghĩa là họ đang cố gắng đẩy nhanh xuất khẩu”.

Nhà phát triển máy bay không người lái sử dụng trong nông nghiệp XAG cho biết do sầu riêng thường được trồng ở vùng có khí hậu nóng ẩm nên loại cây này dễ bị sâu bệnh.

Cụ thể, sầu riêng cần được “phun thuốc và bón phân” trong suốt chu kỳ sinh trưởng, một quá trình “có thể tốn nhiều nhân công và phân bón”.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu người trồng trọt và xuất khẩu Việt Nam trước tiên phải đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Họ muốn nông dân thực hành “quản lý chất lượng” và đáp ứng “các yêu cầu vệ sinh”, nghĩa là sầu riêng phải đạt tỷ lệ trưởng thành 80% sau khi thu hoạch, có trọng lượng và chất lượng gần như giống hệt nhau và được bảo quản lạnh đúng cách.

Tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc

Hiện nay, sầu riêng được trồng trên 110.300 ha trên cả nước, tăng từ 37.000 ha vào năm 2017.

Ông Frederick Burke, cố vấn cấp cao của công ty luật Baker McKenzie có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Họ bắt kịp xu hướng khá nhanh chóng. Nông dân sẽ nói rằng cố gắng xuất khẩu sang Trung Quốc thôi”.

Ông Ralf Matthaes, người sáng lập công ty tư vấn Infocus Mekong Research tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết nông sản đang dẫn đầu các hạng mục xuất khẩu khác của Việt Nam trong năm nay nhờ sầu riêng sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, các quan chức Việt Nam hy vọng cuối cùng sẽ tránh được sự phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc trong trường hợp có những vấn đề khác làm gián đoạn thương mại.

Trước đó, Chính quyền Trung Quốc đã chặn hàng nghìn xe tải chở hàng của Việt Nam ở biên giới trong nhiều tuần vào tháng 12/2021 và một lần nữa vào tháng 3/2022 do các hạn chế về đại dịch.

“Trung Quốc có sức mua rất lớn. Họ là những người mua lớn nhất thế giới. Vì vậy, đó là lý do chúng tôi lo lắng về sự phụ thuộc quá mức”, ông Nguyễn Thành Trung nói thêm.

Hồng Vân (Theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/su-thong-tri-cua-sau-rieng-vu-khi-bi-mat-cua-viet-nam-voi-trung-quoc-post264465.html