Sự thay đổi của fan nữ

Thành công của nghệ sĩ giải trí Hàn Quốc hầu như phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ nữ giới. Gần đây, họ có xu hướng ủng hộ các nhóm nhạc nữ thay vì chỉ nhóm nhạc nam như trước.

NewJeans thành công ngay khi ra mắt vào tháng 8/2022 với âm nhạc trẻ trung, tinh thần thoải mái.

Người hâm mộ được coi là nhịp tim của hệ sinh thái Kpop. Họ làm nhiều việc hơn là chỉ thưởng thức âm nhạc của nghệ sĩ.

Từ hàng hóa đến chương trình thực tế, nhóm này tiêu thụ tất cả nội dung mà thần tượng đưa ra và tự nguyện quảng bá cho những người khác.

Số lượng người hâm mộ tương đương với sức mạnh của một nghệ sĩ trong làng Kpop. Đó là lý do các nghệ sĩ và công ty quản lý của họ làm mọi cách để có được fandom lớn và trung thành, cả trong nước lẫn toàn cầu, theo Korea JoongAng Daily.

Người hâm mộ là ai?

Ngành công nghiệp nói chung cho rằng 70-90% fan Kpop là nữ. Điều này có nghĩa là thành công của nghệ sĩ Kpop hầu như phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ nữ giới.

Trong ngành giải trí nói chung, khách hàng nữ là đối tượng tiêu dùng cốt lõi. Theo phân tích của Samsung Securities, người tiêu dùng nữ có chung các xu hướng sau: chú trọng đến giá trị cá nhân và sự hài lòng, thích tương tác hai chiều, sản xuất nội dung phụ dựa trên sự thần tượng và sẵn sàng vung tiền cho những gì mang ý nghĩa cá nhân.

Trong nhiều thập kỷ, “yeodeok” (tiếng lóng của Hàn Quốc chỉ người hâm mộ nữ) chủ yếu bị thu hút bởi các nghệ sĩ nam. Do đó, các nhóm nhạc nữ tương đối tụt hậu về số lượng người hâm mộ trung thành hoặc các buổi biểu diễn thương mại.

Điều này vẫn đúng ở mức độ nào đó, nhưng gần đây, phụ nữ đứng sau các nhóm nhạc nữ Kpop và giúp họ bùng nổ.

5 thành viên của NewJeans có độ tuổi trung bình 14-17. Ảnh: Kpop_SBS.

JoongAng Ilbo thực hiện cuộc khảo sát và phỏng vấn chuyên sâu về 100 người hâm mộ Kpop ở Hàn Quốc vào tháng 10.

Chân dung những người hâm mộ Kpop trung bình được phác thảo: phụ nữ ở độ tuổi 20 đang đi làm, dành khoảng 1-2 giờ/ngày và 100.000 won/tháng (75 USD) cho các hoạt động để ủng hộ nhóm nhạc nữ mà họ ngưỡng mộ.

Nhóm fan này được sinh ra từ giữa những năm 1990 đến giữa những năm 2000, nghĩa là họ lớn lên sau khi các nhóm nhạc thần tượng Kpop đã tự khẳng định mình là một phần quan trọng trong văn hóa đại chúng chính thống của Hàn Quốc. Họ là những “người bản địa Kpop” lớn lên theo vũ đạo của các nhóm nhạc thần tượng từ khi còn học mẫu giáo.

Trong số đối tượng khảo sát là nữ, 46,5% trả lời rằng họ bắt đầu một số hoạt động hâm mộ từ lớp 4-6.

Một nhân viên văn phòng hơn 20 tuổi nói rằng cô dành trung bình 11-15 giờ/ngày cho các hoạt động của người hâm mộ. Cô là fan trung thành của nhóm nhạc nữ 13 thành viên WJSN. Khi nhóm phát hành EP (đĩa mở rộng) vào tháng 7 này, cô đã chi tổng cộng 3,5 triệu won để thể hiện sự ủng hộ trong suốt thời gian hoạt động quảng bá của nhóm bằng cách mua đĩa CD, hàng hóa,...

“Nhóm nhạc nam mà tôi thích thời niên thiếu luôn gây ồn ào với những vụ bê bối. Đó là khi tôi cảm thấy hoài nghi về việc hỗ trợ các nghệ sĩ và tạm rời xa Kpop. Sau đó, tôi biết đến WJSN khi còn học cấp 3, khi nhóm đang trở nên nổi tiếng ở Hàn Quốc và nước ngoài nhờ những concept cùng màn trình diễn tuyệt vời”.

Người hâm mộ sẵn sàng đầu tư thời gian và tiền bạc để ủng hộ thần tượng Kpop. Ảnh: Kbizoom.

Vì sao là nhóm nhạc nữ?

“Trong khi tìm kiếm một bức ảnh để tạo động lực giảm cân, tôi bị mê hoặc bởi cách BlackPink thống trị sân khấu”, một sinh viên đại học là fan của nhóm nhạc nữ này cho biết.

“Irene của Red Velvet từng là người mẫu quảng cáo gà rán khi tôi học lớp 4. Khoảnh khắc fangirl đầu tiên của tôi là khi tôi nói với em gái mình: “‘Eonni’ (cách gọi phụ nữ của người Hàn) xinh đẹp này là Irene’”, một fan 17 tuổi cho biết.

“Tôi yêu cách họ luôn cống hiến hết mình”, một phụ nữ ở độ tuổi 30, fan của Le Sserafim, Girls' Generation và WJSN, cho biết.

Tất cả họ đều là “yeodeok” của các nhóm nhạc nữ. Nhiều người chia sẻ rằng họ ngưỡng mộ các nhóm nhạc nữ được yêu thích vì họ “đẹp, tài năng và chăm chỉ”.

Nhiều người hâm mộ sẵn sàng dốc hết tài khoản ngân hàng để thể hiện tình yêu của họ. Số tiền chi tiêu cao nhất trong số những người trả lời khảo sát là từ một người đàn ông ở độ tuổi 30. Anh đã chi 10 triệu won chỉ trong một tháng khi nhóm nhạc nữ Nmixx phát hành EP thứ hai vào tháng 9.

Một nữ sinh viên đại học khoảng 20 tuổi, fan của Apink và WJSN, nói rằng cô chi trung bình 5 triệu won/tháng. Cô dành phần lớn thời gian trong ngày, thường xuyên thức trắng đêm để thực hiện các hoạt động dành cho người hâm mộ. Động lực của cô là “sự ngưỡng mộ và tình cảm đặc biệt”.

Cách các fan nữ nhìn nhận nhóm nhạc nữ yêu thích của họ rất đa dạng. Họ tôn trọng và ngưỡng mộ, đồng thời cũng muốn bảo vệ, hỗ trợ họ.

BlackPink là một trong những nhóm nhạc nữ Kpop đầu tiên được biết đến với tỷ lệ người hâm mộ là nữ cao vì họ tập trung vào hình ảnh tự tin. Ảnh: Bloomberg.

Một fan của fromis_9 cho biết đối với cô, các thành viên của nhóm nhạc nữ giống “những người bạn tình lãng mạn trong màn hình, đôi khi như đồng đội cùng chung hành trình”.

“Văn hóa thần tượng có điều gì đó đặc biệt, khác với điều mà các mối quan hệ xã hội ngoài đời thực có thể mang lại. Một số người có cái nhìn không thiện cảm với tôi vì là fan của một nhóm nhạc nữ. Xã hội mong tôi kết hôn, nhưng họ sẽ không chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của tôi nên tôi không quan tâm. Hiện tại, tôi thích fromis_9 hơn là ý tưởng hẹn hò hay kết hôn”, cô nói.

Một fan 18 tuổi của nhiều nhóm nhạc nữ đang hoạt động cho biết: “Tôi không thể không bị mê hoặc bởi các cô gái vừa có giọng hát hay vừa có ngoại hình đẹp. Ngay cả khi cố gắng thích các nhóm nhạc nam, tôi cũng không thích phong cách âm nhạc, bầu không khí hay thành viên của họ. Trên hết, tôi cảm thấy không có sự liên kết với họ. Đó là lý do tôi tiếp tục thần tượng các nhóm nhạc nữ”.

Nhìn chung, phụ nữ gia nhập cộng đồng người hâm mộ của các nhóm nhạc nữ sau khi bị thu hút bởi kỹ năng biểu diễn, phong cách, tính cách hoặc ảnh hưởng của giới truyền thông. Họ cũng có xu hướng trở thành fan trung thành trong một thời gian dài.

Nhiều người cũng nhấn mạnh rằng họ cảm thấy nhẹ nhõm vì các nhóm nhạc nữ ít có khả năng bị lôi kéo vào các vụ bê bối liên quan đến tội nhẹ hoặc rắc rối pháp lý.

Dù lý do là gì, những người hâm mộ này đã dành lượng thời gian và tiền bạc đáng kể để thể hiện sự ủng hộ của họ. Họ tận hưởng cảm giác kết nối và tương tác, sẵn sàng dành tình yêu vô điều kiện cho thần tượng.

Đã có nhiều giả thuyết về lý do phụ nữ dễ trở thành người hâm mộ trung thành của một nghệ sĩ hơn so với nam giới. Một số chuyên gia khẳng định khi phụ nữ phải đối mặt với nhiều giới hạn trong các hoạt động xã hội của họ, việc trở thành một người hâm mộ là một trong số ít lĩnh vực mà họ có thể chủ động tận hưởng một cách tự chủ.

Mặc dù cách giải thích như vậy vẫn còn nhiều dấu hỏi, nhưng nhìn chung, phụ nữ thể hiện rõ xu hướng đánh giá cao những trải nghiệm phi vật thể trong các lĩnh vực văn hóa khác. Các ngành công nghiệp biểu diễn trực tiếp, xuất bản và điện ảnh đều lấy phụ nữ làm cơ sở tiêu dùng cốt lõi.

Một thay đổi quan trọng từ văn hóa Kpop những năm 90 cho đến nay là tình cảm chủ đạo của người hâm mộ không còn là sự lãng mạn nữa.

Ngày nay, ít nhất là ngoài đời, văn hóa đó đã suy giảm phần lớn khi ngày càng có nhiều phụ nữ trở thành người hâm mộ các nghệ sĩ nữ. Phản hồi tích cực của họ đối với các nhóm nhạc nam và nữ đều tập trung vào tài năng, ngoại hình đẹp và nhân cách của họ.

Cùng với BlackPink và New Jeans, IVE nhóm nhạc nữ Kpop nắm giữ những vị trí cao trên các bảng xếp hạng âm nhạc Hàn Quốc. Ảnh: Starship Entertainment.

Nhà phê bình nhạc pop Mimyo nói: “Thần tượng thế hệ đầu tiên là ‘oppa’ (thuật ngữ thân mật chỉ một người đàn ông) và họ là đối tượng được tôn thờ. Sau đó, chúng tôi bắt đầu thấy nhiều nhóm nhạc thần tượng được thành lập thông qua các chương trình thử giọng thực tế. Điều này đã thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa các nhóm và fan. Ngay cả trước khi ra mắt chính thức, người hâm mộ đã biết toàn bộ câu chuyện về các thành viên đó như họ là ai, đến từ đâu và đã nỗ lực như thế nào để trở thành ngôi sao. Người hâm mộ bây giờ có thể chọn thần tượng của riêng họ”.

Người hâm mộ gọi những ngôi sao yêu thích của họ, thường trẻ tuổi hơn họ, một cách trìu mến như “em bé của tôi” hoặc “godgi” - từ ghép giữa “god” (thần) và “agi” (em bé).

Giáo sư tâm lý học Lim Myung-ho của Đại học Dankook cho biết: “Thế hệ trẻ của Hàn Quốc, ở độ tuổi 20 và 30, có xu hướng ít quan tâm đến vai trò giới tính hơn. Trước đây, những khía cạnh mà người hâm mộ cảm thấy bị thu hút chủ yếu dựa trên sự giả tưởng, chẳng hạn như vẻ đẹp phi thực tế hoặc sự lãng mạn. Giờ đây, họ bị thu hút nhiều hơn khi thấy các ngôi sao có thể liên quan đến thực tế của họ theo một cách nào đó”.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-thay-doi-cua-fan-nu-post1384301.html