Sự thật tàn khốc trận chiến sinh tử của võ sĩ giác đấu La Mã

Cách đây hàng ngàn năm, đấu trường La Mã là nơi diễn ra vô số trận đấu cam go, ác liệt của võ sĩ giác đấu La Mã. Tính mạng của võ sĩ bại trận phụ thuộc vào quyết định của khán giả tại đấu trường.

Nằm ở Rome, Italy, đấu trường La Mã (Colosseum) là một trong những điểm đến nổi tiếng thế giới. Công trình hàng ngàn tuổi của đế chế La Mã ẩn giấu nhiều bí mật khiến hậu thế tò mò. Trong số này có các cuộc chiến "nảy lửa" của võ sĩ giác đấu La Mã.

Võ sĩ giác đấu dưới thời đế chế La Mã là những chiến binh được đào tạo để mua vui cho tầng lớp quý tộc. Họ thường được trang bị đầy đủ vũ khí và tham gia vào các cuộc chiến đấu sinh tử với các đấu sĩ khác hoặc dã thú.

Về xuất thân, phần lớn võ sĩ giác đấu là nam giới nhưng đôi khi cũng có phụ nữ. Họ thường là những kẻ phạm tội, tử tù hay tù binh. Số còn lại là những người xuất thân từ tầng lớp nghèo khó. Những nhóm đối tượng này trở thành võ sĩ giác đấu để đạt được danh tiếng, của cải hoặc được trả tự do.

Tuy nhiên, một số võ sĩ giác đấu xuất thân từ tầng lớp cao quý. Họ tham gia các cuộc so tài ở đấu trường La Mã như một thú vui. Điển hình là trường hợp hoàng đế La Mã Commodus, danh tướng Mark Anthony (người tình của nữ hoàng Cleopatra)...

Các cuộc so tài của các võ sĩ giác đấu trước sự theo dõi của hàng ngàn khán giả. Họ hò hét, cổ vũ cho võ sĩ giác đấu yêu thích, thậm chí đặt cược cho người chiến thắng.

Nếu đánh bại đối thủ thì võ sĩ giác đấu giành chiến thắng sẽ nhận được khoản tiền thưởng lớn, được nhiều người yêu quý, ngưỡng mộ, thậm chí được trả tự do nếu đang mang thân phận tù nhân, tù binh...

Cái chết là kết quả không thể tránh khỏi trong các trận chiến giữa các võ sĩ giác đấu hoặc với dã thú. Điều này xuất phát từ danh dự rất được các đấu sĩ xem trọng. Ngay cả khán giả cũng mong đợi người thua sẽ dũng cảm, chiến đấu cho đến phút cuối cùng và chết trong tay đối thủ.

Tuy nhiên, không phải cuộc chiến nào giữa các võ sĩ giác đấu hoặc với dã thú đều có kết cục một sống một chết. Theo các nhà nghiên cứu, người chiến thắng sẽ chĩa vũ khí vào cổ kẻ thua cuộc đang nằm dưới đất và chờ đợi sự phán quyết từ khán giả.

Ban đầu, quyết định sự sống chết của kẻ thua cuộc phụ thuộc vào người quyền uy cao nhất có mặt tại trận đấu đó, thường là hoàng đế hay các nhân vật quyền lực trong chính quyền. Tuy nhiên, về sau, để cuộc so tài của võ sĩ giác đấu thu hút được đông đảo công chúng, luật lệ được thay đổi khi quyền sống chết của kẻ thua cuộc phụ thuộc vào khán giả có mặt tại đấu trường.

Nếu phần đông khán giả đồng ý tha mạng cho kẻ thua cuộc thì người đó sẽ tránh khỏi được cái chết. Ngược lại, nếu đa số khán giả muốn kẻ thua cuộc phải chết thì đấu sĩ giành chiến thắng sẽ kết liễu tính mạng của đối thủ.

Mời độc giả xem video: Đến thăm thành phố La Mã, nơi thời gian ngừng trôi gần 2.000 năm.

Tâm Anh (theo Ancient origins)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/su-that-tan-khoc-tran-chien-sinh-tu-cua-vo-si-giac-dau-la-ma-1977057.html