Sự thật bất ngờ về đại ác nhân Imhotep trong 'Xác ướp Ai Cập'

Trong loạt phim 'Xác ướp Ai Cập', Imhotep được xây dựng là 'đại ác nhân' nắm trong tay quyền lực lớn và có tính cách hung tàn. Tuy nhiên, trên thực tế, Imhotep là con người hoàn toàn khác.

Vào năm 1999 và 2001, khán giả lần lượt xem 2 phần đầu của bộ phim "Xác ướp Ai Cập". Khi xem phim, nhiều người ấn tượng trước nhân vật Imhotep. " Đại ác nhân" này được các nhà làm phim xây dựng hình ảnh là một gã tư tế hung bạo, độc ác, sở hữu pháp lực tối thượng và đội quân bất tử.

Ít ai biết rằng, "đại ác nhân" Imhotep là nhân vật có thật trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, Imhotep ở đời thật có tính cách và cuộc sống khác biệt hoàn toàn so với phim ảnh.

Cụ thể, các sử liệu ghi chép về việc Imhotep (2667 trước Công nguyên - 2600 trước Công nguyên) sống dưới thời trị vì của pharaoh Djoser. Thay vì là một ác nhân như trong phim, ông là polymath Ai Cập (từ để chỉ một chuyên gia về nhiều lĩnh vực). Bởi lẽ, ông là tể tướng, thầy tu, kiến trúc sư, nhà chiêm tinh, hiền triết và nhà nghiên cứu y khoa.

Là người đa tài ở nhiều lĩnh vực, Imhotep là một trong ít nhân vật trong lịch sử Ai Cập cổ đại được thần thánh hóa. Người dân coi ông là vị thần của trí tuệ và y học vì có nhiều đóng góp trong suốt thời gian phục vụ các pharaoh.

Một dấu ấn quan trọng trong cuộc đời tể tướng Imhotep là việc thiết kế, xây dựng kim tự tháp bậc thang hay còn gọi kim tự tháp Djoser dành cho pharaoh Djoser. Đây được cho là kim tự tháp đầu tiên ở Ai Cập cũng như công trình này đặt nền móng cho việc xây các công trình tương tự trong những thế kỷ tiếp theo.

Trước khi Imhotep xây kim tự tháp bậc thang làm nơi an nghỉ cho pharaoh Djoser, người Ai Cập cổ đại thường xây lăng mộ theo hình chữ nhật với phần mái phẳng và dốc ở các mặt từ gạch bùn hoặc đá (thường được gọi là mastabas).

Khi được giao phụ trách xây dựng lăng mộ cho pharaoh Djoser, Imhotep đã thay đổi thiết kế. Ông cho người xếp chồng 6 mastabas lên nhau với kích thước giảm dần từ đáy lên tới đỉnh. Bằng bộ óc siêu việt và đôi bàn tay tài hoa, Imhotep đã thiết kế và xây dựng kim tự tháp Djoser hoàn hảo cao 62m, đứng sừng sững giữa đất trời suốt hơn 4.000 năm qua mà không bị sụp đổ.

Ấn tượng trước tài hoa của Imhotep và ghi nhận những đóng góp của ông cho đất nước, pharaoh Djoser đã phá lệ, cho phép tên của vị tể tướng này được khắc trên các di tích, đế tượng giống như nhà vua Ai Cập. Đây được coi là niềm vinh dự lớn lao đối với Imhotep.

Sau khi pharaoh Djoser băng hà, Imhotep tiếp tục phụng sự các đời vua tiếp theo là: Sekhemkhet (khoảng 2650 trước Công nguyên), Khaba (khoảng 2640 trước Công nguyên) và Huni (2630 trước Công nguyên -2613 trước Công nguyên). Trong khoảng thời gian đó, ông đã phụ trách nhiều công trình khác.

Ngoài thành tựu nổi bật trong lĩnh vực kiến trúc, tể tướng Imhotep còn ghi dấu ấn trong lĩnh vực y tế. Ông được cho là tác giả của "Edwin Smith Paccorus" - văn bản y tế của Ai Cập, chứa gần 100 thuật ngữ giải phẫu và mô tả 48 vết thương và cách điều trị của chúng. Tài liệu này được ông đúc kết sau nhiều năm khám, chữa bệnh cho người dân, binh sĩ...

Mời độc giả xem video: Phát hiện thứ đáng sợ trong bụng cô gái Ai Cập 3.000 năm tuổi.

Tâm Anh (theo Ancient origins)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/su-that-bat-ngo-ve-dai-ac-nhan-imhotep-trong-xac-uop-ai-cap-1946177.html