Sự thành công của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Sau 'Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ' được dựng thành kịch hồi tháng 6, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại đón nhận tin mừng khi 'Ngày xưa có một chuyện tình' sẽ được đưa lên màn ảnh rộng. Sức hấp dẫn của truyện Nguyễn Nhật Ánh với giới điện ảnh, sân khấu đã giúp ông trở thành nhà văn có nhiều tác phẩm được chuyển thể nhất hiện nay.

Mới đây, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chính thức khởi động vòng casting tuyển chọn dàn diễn viên cho phim điện ảnh “Ngày xưa có một chuyện tình”. Phim được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Ở thời điểm ra mắt, tác phẩm khiến văn đàn xôn xao bởi lần đầu tiên nhà văn hóa thân vào cả bốn nhân vật xưng “tôi” và đi sâu miêu tả cảnh nóng của hai nhân vật chính. Câu chuyện tuổi thơ và tình yêu tuổi mới lớn giữa miền quê thanh bình kết hợp với ngòi bút phân tích nội tâm sâu sắc đã khiến cuốn sách trở thành một trong những tác phẩm bán chạy nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Như vậy, đến nay Nguyễn Nhật Ánh đã sở hữu bốn tác phẩm được chuyển thể thành phim điện ảnh gồm: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Mắt biếc” và “Ngày xưa có một chuyện tình”. Ngoài bốn tác phẩm trên, một tác phẩm khác được nhà sản xuất Chung Minh mua bản quyền từ năm 2018 và đang trong quá trình tuyển diễn viên là “Ngồi khóc trên cây”. Đây là kỷ lục mà ít nhà văn nào bì kịp.

Dự án phim "Ngày xưa có một chuyện tình" đang ở giai đoạn tuyển diễn viên.

Ở địa hạt phim truyền hình, công chúng không thể nào quên bộ phim nổi tiếng “Kính vạn hoa”. Các bộ phim khác lấy cảm hứng từ truyện Nguyễn Nhật Ánh còn có “Bong bóng lên trời”, “Chú bé rắc rối”, “Áo trắng sân trường” (lấy cảm hứng từ tác phẩm “Nữ sinh”, “Bồ câu không đưa thư”)… Sân khấu kịch cũng không kém cạnh khi nhanh nhạy đưa những câu chuyện tuổi thơ đầy tinh nghịch, hóm hỉnh và vô cùng cảm động của Nguyễn Nhật Ánh lên sàn gỗ. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là vở kịch thứ ba của sân khấu Hồng Hạc sau hai vở “Làm bạn với bầu trời”, “Thiên thần nhỏ của tôi”. Nhà hát Tuổi Trẻ thì biến những trang sách dễ thương của “Trại hoa vàng” thành vở nhạc kịch cùng tên.

Mỗi lần dự án phim hay kịch chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh ra mắt cũng giống như những lần nhà văn best -seller này trình làng tác phẩm mới. Nếu độc giả hào hứng đội nắng, đội mưa xếp hàng rồng rắn chờ xin bằng được chữ ký của ông thì ở phòng vé, khán giả cũng kiên nhẫn xếp hàng đông nghịt như vậy. Nhìn lại, cả ba bộ phim điện ảnh “Mắt biếc”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua” đều gây sốt, được giới chuyên môn đánh giá cao và gặt hái doanh thu khả quan.

Nhờ hiệu ứng từ tác phẩm của ông, rất nhiều diễn viên “tân binh” bước ra từ các bộ phim trên vụt sáng thành sao. Nhờ “Mắt biếc”, tên tuổi Trần Nghĩa, Trúc Anh dần trở nên quen thuộc với người yêu điện ảnh. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ghi dấu ấn của cậu bé Thịnh Vinh và cô bé Thanh Mỹ. Diễn viên Anh Đào và Ngọc Trai “chết vai” Hạnh và Quý Ròm trong phim truyền hình “Kính vạn hoa”. Thậm chí sau này Ngọc Trai góp mặt ở nhiều dự án phim ảnh khác nhưng những vai diễn ấy vẫn không thể vượt qua cái bóng quá lớn của Quý Ròm.

Là bạn văn đồng hương thân thiết, lại là người có nhiều nghiên cứu sâu về tiểu sử lẫn sự nghiệp của Nguyễn Nhật Ánh, nhà thơ Lê Minh Quốc dễ dàng lý giải nguyên nhân tại sao tác phẩm của ông bạn thân xứ Quảng lại cuốn hút giới làm phim, sân khấu đến thế. Thứ nhất, nhìn về hiệu ứng và doanh thu, cái tên Nguyễn Nhật Ánh là một bảo chứng tạo nên cơn sốt phòng vé. Là nhà văn ăn khách, ông đã có sẵn một lượng độc giả đông đảo đủ mọi lứa tuổi. Đây là nguồn khán giả tiềm năng khi phim ra rạp. Nhà sản xuất thừa biết chuyển thể một tác phẩm khác dù nội dung hay hơn, thời sự hơn nhưng chưa chắc nó khiến người xem chú ý.

Trước đây cũng có những nhà văn tạo ra hiện tượng best-seller nhưng đó chỉ là một hiện tượng nhất thời với một vài tác phẩm chứ không bền vững. Riêng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cứ mỗi lần ra mắt sách là một lần “tạo nên cơn sốt dễ chịu cho lứa tuổi hoa niên”. “Cơn sốt” ấy cứ đến hẹn lại lên hơn mười mấy năm nay. Thành ra khi “chọn mặt gửi vàng” ở tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, các đạo diễn yên tâm vì bộ phim đã có sẵn lượng công chúng đông đảo và ổn định.

Về mặt nội dung, các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh viết về tuổi thơ, về miền quê nghèo ở nông thôn miền Trung với những kỷ niệm tươi đẹp. Đó là ký ức chưa xa nhưng đã dần nhạt nhòa trong đời sống ngày càng đô thị hóa, hiện đại hóa. Trong nhịp sống gấp gáp hôm nay, khán giả luôn khao khát tìm về miền tuổi thơ êm đềm, về miền thiên nhiên thanh bình, đẹp xinh. Hình ảnh nông thôn, câu chuyện tuổi thơ với những rung động tuổi mới lớn đi vào phim luôn dễ dàng chinh phục khán giả.

Bằng chứng là bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, hình ảnh quê hương miền Trung khiến bất cứ ai cũng xao động dù đó là bối cảnh ở Phú Yên chứ không phải là vùng đất Quảng Nam như trong nguyên tác. Khi chuyển thể qua kịch nói, truyện Nguyễn Nhật Ánh có một lợi thế là những mẩu đối thoại dí dỏm mà các nhà văn khác ít chú tâm. Hầu hết tác phẩm của ông, mẩu đối thoại nào cũng khiến người ta bật cười vì sự hóm hỉnh, hài hước, hồn nhiên.

Cảnh trong vở kịch nói "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của sân khấu Hồng Hạc.

“Trên tất cả, tôi nghĩ yếu tố cốt lõi khiến sách Nguyễn Nhật Ánh liên tiếp được nhà làm phim, nhà dựng kịch ưu ái chính là giá trị nhân văn, giá trị thanh lọc tâm hồn con người. Qua trang sách của anh, người ta bỗng thấy cuộc sống này tươi đẹp hơn, đáng yêu hơn. Giữa một xã hội có quá nhiều đổi thay với các giá trị bị đảo lộn, con người bị tổn thương đã tìm về trang văn Nguyễn Nhật Ánh như một sự nương náu về tâm hồn. Ở trang văn đó vẫn còn lưu giữ những giá trị rất đẹp, những câu chuyện nghĩa tình đầy cảm động và trong veo. Câu chuyện nhân văn rất đẹp ấy giúp tâm hồn họ được tưới mát, được chữa lành” - nhà thơ Lê Minh Quốc phân tích.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tự nhận văn chương của mình rất khó chuyển thể. Bởi vì hầu hết truyện không có những tình tiết gay cấn, giật gân cũng không có xung đột gì ghê gớm. Cho nên ông bảo mình vẫn hay tò mò muốn biết các nhà làm phim, dựng kịch đã chuyển thể như thế nào. Đạo diễn Victor Vũ cho hay chính vì cốt truyện nhẹ nhàng nên khi quay “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” lẫn “Mắt biếc”, anh và ekip không quá bám sát tình tiết câu chuyện mà đào sâu nội tâm nhân vật bằng những khung hình đẹp như mơ. Đó chính là phần hồn của nguyên tác. Dựng lên được cái phần hồn ấy, dù phần da thịt có thêm mắm dặm muối thế nào, tác phẩm phái sinh đã ít nhiều thành công.

Tuy vậy, không ít phim vẫn bị khán giả la ó rằng nhân vật lẫn cảm xúc không giống như mong đợi, tưởng tượng của họ. Thậm chí có khán giả còn chất vấn tại sao đoàn phim không tham khảo ý kiến của “cha đẻ” nguyên tác.

Trước chất vấn này, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nêu quan điểm: “Thật ra, mỗi khi chuẩn bị bấm máy, các đạo diễn, nhà biên kịch đều mang kịch bản đến và đề nghị tôi góp ý chỗ nào nên thêm, chỗ nào nên bớt. Tôi hoàn toàn không đọc kịch bản nào hết. Mà chuyện làm phim, nhà văn không thể góp ý được. Bởi bộ phim chính là góc nhìn chủ quan của đạo diễn, nhà biên kịch đối với tác phẩm của nhà văn. Giả sử tôi muốn bộ phim đúng ý mình thì tôi không chỉ góp ý ở khâu kịch bản mà còn phải góp ý ở khâu tuyển diễn viên, ra hiện trường để kiểm soát góc quay, đạo cụ, trang phục… Và khi góp ý như vậy tôi không còn là nhà văn nữa mà là phó đạo diễn mất rồi. Tôi tâm niệm rằng nhà văn hãy làm tốt việc viết văn. Còn làm phim hãy để cho đạo diễn. Tác phẩm của mình chỉ là chất liệu để đạo diễn nhào nặn nên đứa con tinh thần của anh ta. Phim hay hoặc dở là nằm ở đạo diễn. Khi phim ra rạp tôi cũng xếp hàng mua vé để xem với tư cách khán giả chứ không phải với tư cách tác giả văn học. Nhờ vậy mình mới có cái nhìn khách quan vì tác phẩm văn học và phim điện ảnh là hai ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau”.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/su-thanh-cong-cua-nha-van-nguyen-nhat-anh-i700983/