Sự tha hóa nhìn từ vụ chuyến bay giải cứu

Phiên tòa xét xử 54 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu sau 8 ngày diễn ra đã làm sáng rõ nhiều tình tiết khiến dư luận hoài nghi suốt hai năm qua.

Trong đó, nhiều người đặc biệt quan tâm đến những lời khai của các bị cáo thuộc nhóm cựu quan chức khi họ trình bày lý do nhận hối lộ.

Các bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm.

Có thể nói, vụ án chuyến bay giải cứu là hồi chuông cảnh tỉnh về sự tha hóa, xuống cấp về mặt đạo đức và nhân cách của một bộ phận cựu quan chức khi thực hiện chức trách giải cứu công dân Việt Nam đang bị kẹt lại ở nước ngoài trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu.

Qua lời khai của các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm cho thấy tâm lý tội phạm đã được bộc lộ rất rõ trong tâm trạng của từng cá nhân. Họ đưa ra rất nhiều lý do khác nhau, cũng như nguyên nhân điều kiện và hoàn cảnh dẫn đến việc họ được nhận “quà cảm ơn”, chứ không phải nhận hối lộ.

Tuy nhiên, cho dù các bị cáo có biện minh như thế nào đi chăng nữa, thì họ cũng không thể lý giải được về sự mâu thuẫn ngay trong chính lời khai của mình. Bởi lẽ, chủ thể của tội nhận hối lộ đều là các chủ thể đặc biệt, phải là người có trách nhiệm giải quyết những yêu cầu của người đưa hối lộ.

Trong cấu thành cơ bản của tội nhận hối lộ quy định tại khoản 1 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã nêu rõ: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích vật chất nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích, hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi sẽ bị xử lý về tội này.

Đây là loại tội phạm cấu thành hình thức, tức là chỉ cần có sự hứa hẹn “sẽ nhận bất kỳ lợi ích vật chất nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”, cũng đã cấu thành tội nhận hối lộ.

Trong vụ án này, nếu các cựu quan chức không có chức vụ, quyền hạn thì họ khó có thể nhận được tiền hoặc lợi ích vật chất khác từ các đại diện doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay giải cứu.

Vì vậy, xét về mặt chủ quan của tội phạm nhận hối lộ đều được thực hiện hành vi với lỗi cố ý (cố ý trực tiếp), tức là người nhận hối lộ nhận thức rõ hành vi nhận tiền (quà cảm ơn) từ các doanh nghiệp là sai, thấy trước hậu quả sẽ xảy ra.

Có cựu quan chức khai: “Doanh nghiệp tìm mọi cách đưa tiền bằng được rồi cố tình không nhận lại (tắt điện thoại, không đồng ý gặp…)”. Trong trường hợp này, lẽ ra cựu quan chức kia phải thực hiện đúng nghĩa vụ của người cán bộ, đảng viên là phải báo cáo ngay với cấp ủy, thủ trưởng cơ quan của mình để nộp lại toàn bộ số tiền (quà cảm ơn) đó cho cơ quan Nhà nước. Như vậy, cựu quan chức đó sẽ vô can, không phạm tội nhận hối lộ trong vụ án.

Cũng có bị cáo đưa ra lý do “trả không được, mà không trả thì phạm tội”. Đây chỉ là lời biện minh quá muộn màng, cũng là bài học đắt giá cho những ai không thể thắng nổi sự cám dỗ của đồng tiền.

Luật sư Hoàng Ngọc Biên
(nguyên Điều tra viên cao cấp, Bộ Quốc phòng)

.

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/su-tha-hoa-nhin-tu-vu-chuyen-bay-giai-cuu-d598016.html