Sự nhân văn trong công tác quản lý trại giam ở Việt Nam

Từ ngày 12/11 đến 16/11/2023, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cán bộ quản lý trại giam khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 41 (APCCA 41) với chủ đề 'Tạo dựng giá trị nhân văn, niềm tin và đoàn kết trong công tác trại giam'.

Tại hội nghị, sự chia sẻ các biện pháp giáo dục, cảm hóa, cải tạo phạm nhân và các chuyến tham quan thực tế tại các trại giam của Việt Nam đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ đối với bạn bè quốc tế, góp phần nâng tầm hợp tác trong lĩnh vực quản lý trại giam, cải thiện môi trường giam giữ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục cải tạo và lao động, dạy nghề cho phạm nhân, gắn kết và làm sâu sắc quan hệ đối tác với các nước thành viên.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cùng các đoàn Đại biểu thành viên APCCA và các nước khách mời tham dự Hội nghị Cán bộ quản lý trại giam khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 41 (APCCA 41).

Nói về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, APCCA 41 khẳng định quyết tâm của Công an Việt Nam tiếp tục đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện; thể hiện sự tích cực, chủ động, trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là nước thành viên APCCA; tạo điều kiện để các nước trong khu vực tăng cường đối thoại, hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý trại giam, tạo ấn tượng tốt đẹp với các đoàn đại biểu tham dự. Đồng chí Thứ trưởng cho biết: “Tại Việt Nam, công tác quản lý, giáo dục phạm nhân được thực hiện theo nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật bảo đảm tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa, tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân; kết hợp giữa trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; khuyến khích người chấp hành án ăn năn, hối cải, tích cực học tập, lao động tái tạo để sau khi chấp hành án tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội... Những nguyên tắc trên được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách cụ thể về giáo dục văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề, khám chữa bệnh cho phạm nhân; đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn có điều kiện; các chính sách về tái hòa nhập cộng đồng… Trong đó có chính sách ưu đãi cho vay tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Qua đó đã khuyến khích người bị kết án tù phấn đấu cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình, xã hội, hòa nhập với cộng đồng, không tái phạm tội”.

Với 5 chủ đề được chia sẻ tại hội nghị, Việt Nam đã cùng các thành viên APCCA cùng thảo luận, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân của quốc gia, vùng lãnh thổ mình, đồng thời lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam. Được biết, quá trình giáo dục cải tạo phạm nhân ở Việt Nam được chia thành các giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn là những chương trình giáo dục phù hợp, linh hoạt. Phạm nhân được giáo dục các kiến thức về pháp luật, được giáo dục nếp sống văn hóa, giao tiếp, ứng xử phù hợp giúp phạm nhân nhận thức rõ hơn điều kiện, hoàn cảnh bản thân, những khó khăn, trở ngại có thể gặp phải trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng khi chấp hành xong án phạt tù.

Cán bộ Công an làm căn cước công dân cho các phạm nhân được đặc xá.

Những phạm nhân cải tạo tiến bộ, có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều được xem xét, đề nghị cho hưởng các chính sách như: Đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù..., qua đó tạo điều kiện cho nhiều người đã từng một thời lầm đường, lạc lối, sớm được trao cơ hội trở về với gia đình, xã hội, làm lại cuộc đời. Đây được xem như là một dấu ấn mang giá trị nhân văn, phản ánh rõ việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Sau khi trở về, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đều tham gia công tác tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, bố trí, tạo điều kiện công ăn việc làm để họ sớm ổn định cuộc sống, không tái phạm tội. Tinh thần đồng hành được lan tỏa, giúp người chấp hành án phạt tù xóa bỏ mặc cảm, tự ti, đem đến cho họ những cơ hội việc làm, xây dựng niềm tin, nghị lực, ý chí để không trở lại con đường lầm lỡ.

Nói về điều này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, ngoài công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, Việt Nam rất quan tâm đến giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương; đã có nhiều chính sách dành cho người chấp hành xong án phạt tù. Mới đây nhất là Chỉ thị số 22 của Thủ tướng Chính phủ về cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để làm ăn. “Đây là chính sách rất nhân văn, nhân đạo. Mặc dù Việt Nam còn rất nhiều khó khăn nhưng luôn giàu lòng nhân ái, tương thân tương ái, không để ai phía sau. Đối với các phạm nhân, sau nhiều năm cải tạo ở trại giam, họ đã hao mòn kinh tế, kiến thức xã hội. Chính vì vậy, Chính phủ, Bộ Công an và cả hệ thống chính trị cùng hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, để họ có cuộc sống tốt hơn, ổn định hơn, không tái phạm tội. Rất nhiều phạm nhân đang cải tạo trong các trại giam, khi biết Chính phủ có quyết định cho vay vốn đã rất hào hứng, phấn khởi cải tạo tốt hơn để sớm được trở về vì họ biết cộng đồng, xã hội, gia đình đang đón chào, sẵn sàng giúp đỡ họ” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

Tham quan thực tế tại Trại giam Quảng Ninh và Trại giam Thanh Xuân, các đại biểu quốc tế đánh giá cao sự nhân văn, nhân đạo trong công tác giam giữ, giáo dục, cảm hóa phạm nhân của Việt Nam bởi ở Việt Nam, trại giam không chỉ là nhà tù, mà còn là trường học với cảnh quan đẹp đẽ, sạch sẽ, ngăn nắp; là thư viện với hàng chục nghìn đầu sách để phạm nhân bổ sung kiến thức của mình... Đặc biệt, khi tham quan nơi ăn, nơi ở, trực tiếp được kiểm tra khẩu phần thức ăn của phạm nhân, các đại biểu đã ấn tượng bởi sự quan tâm của Nhà nước dành cho người phạm tội.

Các phạm nhân chưa biết chữ được học chữ trong quá trình cải tạo ở trại giam.

Giáo sư Neil Morgan, điều phối viên hội nghị cho biết, chủ đề của hội nghị đã tích hợp các khẩu hiệu nhân văn, niềm tin và đoàn kết đã mang lại giá trị rất lớn lao. Nhân văn là vấn đề cốt lõi để chúng ta sống với nhau, để hỗ trợ cho các phạm nhân cải tạo tốt hơn, quản lý trại giam thông minh hơn. Niềm tin giúp những người quản lý trại giam tự tin hơn, tạo niềm tin của các phạm nhân song hành với tính nhân văn, mang lại nhiều giá trị hơn, mang lại niềm tin cậy cho tất cả người dân. Đoàn kết để chúng ta hợp tác làm việc với nhau tốt hơn. Giáo sư Neil Morgan khẳng định, Việt Nam đã thực hiện tốt chủ đề này, không chỉ trong hội nghị mà cả trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân ở các trại giam.

Ông Chan siu- Hang, Sỹ quan cấp cao Cục Cải huấn Hồng Kông, Trung Quốc cho biết, ông rất ấn tượng với các cơ sở giam giữ của Việt Nam bởi rất sạch sẽ, ngăn nắp, chỉn chu. Đặc biệt, Việt Nam đã tổ chức được nhiều lớp dạy nghề để có thể đảm bảo được việc mưu sinh cho phạm nhân khi trở lại cộng đồng. Đây là điều rất nhân văn trong công tác cải tạo người phạm tội ở Việt Nam.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/su-nhan-van-trong-cong-tac-quan-ly-trai-giam-o-viet-nam-i721462/