'Sự nghiệp tình thương' của người phụ nữ giàu nghị lực

Từ giây phút nhận được suất cháo, chiếc bánh mì, cùng hộp sữa tại bệnh viện K1, chị Nguyễn Thị Thu Phương (48 tuổi, TP Hà Nội), mang trong mình căn bệnh ung thư cổ tử cung, tự nhủ sẽ dành cả cuộc đời để làm từ thiện giúp đỡ những người yếu thế, những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Từ lòng trắc ẩn đến hành động

Mang trong mình căn bệnh ung thư cổ tử cung, nhưng chị Nguyễn Thị Thu Phương (48 tuổi, Hà Nội) “quên đi” nỗi đau của bản thân, hàng ngày gieo mầm yêu thương tại Viện Huyết học và Bệnh viện K Tân Triều; đi đến vùng sâu, vùng xa trao tặng cây giống, vật nuôi giúp đỡ người dân nghèo; đặc biệt duy trì bếp cháo 0 đồng suốt 8 năm qua.

Một buổi phát cháo chiều chủ nhật tại bệnh viện K Tân Triều của chị Phương và nhóm cháo của mình.

Đầu năm 2016, biết tin bản thân mắc căn bệnh ung thư cổ tử cung, chị Phương suy sụp, khó lòng chấp nhận. Chị giấu cả gia đình, một mình đi điều trị tại bệnh viện K1. Sau 3 tháng âm thầm điều trị, gia đình cũng phát hiện vì người chị bắt đầu xuống cân, người gầy gò, tóc rụng nhiều; kể từ đó, chị có những người thân cùng đồng hành.

Nhưng cũng chính 3 tháng ngắn ngủi đó đã giúp chị thêm thấu hiểu và đồng cảm với những con người đang ngày đêm “chiến đấu với bệnh tật”, những con người thao thức mong mỏi người thân sớm ngày bình phục. Chị cảm động và biết ơn những hành động nhỏ, ấm áp, những lời an ủi động viên của những con người xa lạ.

“Trong thời gian một mình đi truyền thuốc, tôi được nhận những suất cơm, suất cháo, bánh mì, sữa,... của các sư thầy nhà chùa. Điều đó thôi thúc tôi sau khi sức khỏe ổn định phải thành lập một bếp cơm, bếp cháo để giúp đỡ mọi người. Mọi người đi viện cũng như tôi, không có đủ tiền để trang trải tiền thuốc thang, tiền ăn uống hàng ngày”- chị Thu Phương chia sẻ.

Các thành viên vui vẻ, mãn nguyện khi trao đi những suất cháo, suất cơm.

Với chị Phương và những bệnh nhân hàng ngày hàng giờ “đấu tranh với sự sống”, nhận được tình cảm, sự quan tâm từ những người xa lạ, qua những lời hỏi thăm, động viên, qua những bát cháo, suất cơm, hộp sữa,... khiến họ cảm nhận được tình yêu, sự an ủi, họ như được tiếp thêm sức mạnh chiến thắng bệnh tật.

Đến tháng 6/2016, bệnh tình của chị Phương đã thuyên giảm, sức khỏe dần ổn định. Đây cũng là lúc chị thực hiện lời hứa, “làm đỏ lửa” bếp ăn tình thương, nấu tặng những bệnh nhân đang mỏi mòn chiến đấu với bệnh ung thư giống như mình. Giai đoạn đầu bếp ăn phục vụ khoảng 300 suất với trị giá khoảng 3,5 triệu đồng. Sau đó, câu chuyện vượt lên bệnh tật để làm thiện nguyện của chị nhận được sự hưởng ứng, hỗ trợ của nhiều người hơn. Các chị em trong quận Bắc Từ Liêm và các mạnh thường quân tìm đến bếp cháo của chị, người giúp sức, người quyên góp tiền, giúp bếp cháo "đỏ lửa" trong 8 năm qua. Hiện tại, mỗi tuần căn bếp từ thiện của chị đều đặn đỏ lửa vào thứ Sáu và Chủ nhật, phục vụ khoảng 600 suất cơm, cháo cho bệnh nhân ở Viện Huyết học và Bệnh viện K Tân Triều.

Cống hiến đến hơi thở cuối cùng

Trong 8 năm hoạt động, bếp cháo 0 đồng của chị Phương đã thu hút được nhiều người cùng đồng hành, cùng chung tay hỗ trợ bệnh nhân qua các bữa ăn miễn phí. Bà Từ Thị Lập, bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện K Tân Triều chia sẻ: “Hai năm nay, nhận những suất cơm, cháo, chè của chị Phương tôi rất vui và biết ơn. Cháo từ thiện rất ngon, ăn hết một suất chỉ muốn xin thêm, những lần như vậy chị Phương lại vui vẻ đưa cho tôi thêm.”

Hai năm điều trị tại bệnh viện K Tân Triều là khoảng thời gian bà Từ Thị Lập nhận được sự giúp đỡ của nhóm cháo từ thiện.

Tham gia nhóm từ thiện hơn 3 năm nay, chị Nguyễn Thị Hường (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đã trở thành một công sự không thể thiếu trong các chuyến từ thiện, không chỉ hỗ trợ mọi công việc sơ chế thực phẩm, nấu nướng cho bếp ăn, chị Hường còn tham gia nhiều chuyến từ thiện lên vùng sâu, vùng xa.

Nói về người nhóm trưởng của mình, chị Hường tâm sự: “Chị Phương là một người hết mình với các bệnh nhân, mặc dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, nhưng chị luôn cống hiến hết mình. Nhiều khi chúng tôi thấy chị làm việc quá sức, chúng tôi động viên chị làm bớt đi để giữ sức của mình, nhưng chị nói rằng sẽ làm hết mình, cống hiến đến hơi thở cuối cùng.”

Những suất chè, suất cháo được trao tặng tận tay những bệnh nhân, gia đình bệnh nhân.

Biết đến bếp ăn 0 đồng và được truyền cảm hứng từ câu chuyện vượt lên bệnh tật để làm từ thiện, chị Nguyễn Thị Phương (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) không ngần ngại xin gia nhập nhóm từ thiện, chị chia sẻ: “Chị Thu Phương là một người năng động, nhiệt tình, với các thành viên trong nhóm, ai chưa biết làm chị chỉ đến nơi đến chốn. Việc nặng nhọc như bê nồi cơm, nồi cháo… những người không bệnh tật như chúng tôi còn không làm được, nhưng chị Phương xông xáo làm được hết”.

Nhóm cháo từ thiện của chị phối hợp với các đoàn thiện nguyện cùng thực hiện hoạt động cứu trợ bà con miền Trung.

Cống hiến hết mình vì công việc hiện nguyện, song, chị Phương luôn mong muốn “sự nghiệp từ thiện” của mình sẽ... thất nghiệp, mong muốn mọi người không ốm đau, bệnh tật, có một cuộc sống khỏe mạnh. Chị chia sẻ: “Trong lòng tôi luôn mong muốn mọi người không bị bệnh tật, không phải đến bệnh viện để ăn những suất cơm, suất cháo từ thiện; mong muốn bếp cháo này phục vụ ngày càng ít bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, công việc từ thiện cũng thất nghiệp”.

Những chương trình thiện nguyện giúp đỡ người dân vùng sâu, vùng xa, trao tặng cây giống, vật nuôi được chị Phương và nhóm từ thiện của mình thực hiện tại Hòa Bình năm 2024.

Bên cạnh những suất ăn hỗ trợ bệnh nhân tại các bệnh viện, chị Thu Phương còn đứng lên kêu gọi, tổ chức những chương trình thiện nguyện giúp đỡ người dân vùng sâu, vùng xa, trao tặng cây giống, vật nuôi và cứu trợ bà con gặp thiên tai. “Chúng tôi đang lên kế hoạch vào 17/3 sẽ đi Cao Bằng, trao tặng bà con có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) cây giống, dê con để hỗ trợ bà con phát triển kinh tế”- chị Thu Phương cho biết.

Với những cống hiến của mình, chị Nguyễn Thị Thu Phương được UBND Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" năm 2023.

Danh hiệu Gia đình Chữ thập đỏ TP. Hà Nội năm 2022 là sự ghi nhận cho những tâm huyết, cống hiến của chị và gia đình.

8 năm qua, không chỉ hỗ trợ bệnh nhân, gia đình bệnh nhân, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, chị Thu Phương còn truyền cảm hứng đến nhiều người phụ nữ khác cùng đồng hành trong hành trình thiện nguyện của mình. Từ một người được nhận tình cảm, sự quan tâm của những người xa lạ, chị Thu Phương tiếp bước gieo hạt mầm yêu thương, lan tỏa những việc làm tốt đẹp, nhân văn cho toàn xã hội. Dù chỉ là một khoảnh khắc, một giây phút nhận được sự động viên, sẻ chia từ những người xa lạ, nhưng với những người bệnh sẽ để lại những cảm xúc, những dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi người.

Hồng Phượng/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/su-nghiep-tinh-thuong-cua-nguoi-phu-nu-giau-nghi-luc-20240307174333435.htm