Sứ mệnh tuyệt mật của CIA trục vớt tàu ngầm Liên Xô

Nhiệm vụ tìm kiếm và trục vớt chiếc tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô bị chìm ở Thái Bình Dương được tình báo Mỹ thực hiện và giữ bí mật tuyệt đối.

Tàu Glomar Explorer. Ảnh: Huffington Post.

Tháng 3/1968, tàu ngầm hạt nhân K-129 của Liên Xô đang hoạt động trên Thái Bình Dương thì đột ngột biến mất không để lại dấu vết. Phía Liên Xô đã nỗ lực tìm kiếm nhưng bất thành, còn Mỹ xác định con tàu bị đắm tại một vị trí cách Hawaii hơn 2.400 km về phía tây bắc. Washington liền lập kế hoạch trục vớt con tàu cùng các đầu đạn hạt nhân và tài liệu mật mà nó mang theo.

"Hội đồng 40" gồm các đại diện từ Nhà Trắng, Cục Tình báo và Nghiên cứu (INR) trực thuộc Bộ Ngoại giao cùng nhiều cơ quan tình báo khác, được triệu tập nhằm xem xét tính khả thi của sứ mệnh trục vớt tàu ngầm Liên Xô. Hội đồng 40 được thành lập năm 1970, có chức năng giám sát các nhiệm vụ bí mật của Mỹ, theo Huffington Post.

Nhận chỉ thị của Hội đồng 40, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) lên kế hoạch mang tên Dự án Azorian, chế tạo một con tàu đặc biệt để bí mật trục vớt và đưa tàu ngầm đắm của Liên Xô lên bờ. Trên danh nghĩa, con tàu này được đưa vào sử dụng để "phục vụ hoạt động thăm dò biển sâu".

Tàu Glomar Explorer nặng 63.000 tấn do Tập đoàn Hughes chế tạo ra đời, có thể hạ cẩu tới độ sâu gần 5000 m, sở hữu hệ thống cơ khí cực khỏe đủ để nâng tàu ngầm Liên Xô lên mặt nước. Quá trình chế tạo tàu Glomar Explorer hoàn toàn được giữ bí mật đối với phía Liên Xô.

Sau một số lần trì hoãn và gặp vướng mắc về vấn đề chi phí, Glomar Explorer cuối cùng cũng bắt đầu triển khai trục vớt vào ngày 4/7/1974. Ba tuần sau, Glomar bắt đầu nâng tàu ngầm K-129 khỏi đáy biển, tuy nhiên trong quá trình trục vớt, 2/3 thân tàu ngầm K-129 bị gãy rời và rơi trở lại đáy biển sâu.

Tàu Glomar Explorer. Ảnh: Huffington Post.

William McAfee, quan chức từ INR phụ trách giám sát hoạt động trục vớt, kể rằng giây phút tàu K-129 được nâng lên, tất cả mọi người trên tàu Glomar đều vô cùng hào hứng. Nhưng tai nạn đã xảy ra, Glomar bất ngờ chao đảo dữ dội. Các chuyên gia không thể giữ K-129 ổn định và chiếc tàu ngầm rơi trở lại đáy đại dương khi một trong những chiếc càng giữ nó bị gãy. Nhiệm vụ thất bại.

Các kỹ sư định tiếp tục trục vớt phần còn lại của chiếc tàu ngầm, nhưng phải ngừng lại khi nhận ra phần thân đó đã vỡ thành nhiều mảnh lúc va chạm với đáy biển.

"Chúng tôi quyết định thử lại", McAfee cho biết. "Tàu trục vớt đã sẵn sàng nhưng một thành viên thủy thủ đoàn trong khi say rượu đã tiết lộ về dự án tại một quán bar ở bờ Tây. Vụ việc đến tai báo chí và chương trình bị dừng".

Giá trị những thứ mà CIA thu được trên tàu K-129 là một chủ đề gây tranh cãi. CIA đã vớt được hai ngư lôi hạt nhân, thiết bị cơ khí và sonar cùng thi thể 6 thủy thủ trên tàu. CIA coi đây là một thành công tình báo vĩ đại thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nhưng họ lại không thể trục vớt các tên lửa đạn đạo hạt nhân SS-4 hay những máy giải mã được trang bị trên con tàu. Dự án Azorian còn bị chỉ trích nhiều vì vượt dự toán ngân sách quá nhiều, từ mức dự tính khoảng 28 triệu USD tăng vọt lên 300-400 triệu USD.

Tuy nhiên, theo McAfee, toàn bộ chương trình là bằng chứng cho thấy khả năng hoạt động tuyệt vời của CIA. Vào thời điểm không quân Mỹ lên kế hoạch phát triển máy bay ném bom tàng hình, họ đã tới gặp CIA để tham khảo về quy trình an ninh, bởi họ muốn biết bằng cách nào mà CIA lại có thể giữ kín một dự án lớn như Azorian.

McAfee cho rằng nguyên nhân cốt lõi là bởi họ tạo dựng được một câu chuyện ngụy trang tốt, hạn chế tối đa việc đưa ra những chỉ dẫn quá tường tận, đồng thời không lưu lại quá nhiều thông tin trên giấy tờ.

Theo VnExpress

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/su-menh-tuyet-mat-cua-cia-truc-vot-tau-ngam-lien-xo-1043507.tpo