Sứ mệnh đặc biệt vì môi trường

Sáng 24/4, UBND TP Hà Nội đã chính thức khánh thành và đưa vào vận hành thử nghiệm Nhà máy Xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội

Với việc hệ thống xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội được đưa vào vận hành thử đã tạo ra một mặt bằng cao mới cao hơn cho công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Điều này cũng giúp chứng minh rằng rác thải hoàn toàn có thể trở thành tài nguyên có ích.

Thực tế, hiện nay vấn đề xỷ lý CTRSH đang ngày càng trở nên cấp thiết khi lượng chất thải rắn phát sinh quá lớn, trong khi đó quỹ đất dành cho việc chôn lấp chất thải rắn ngày một bị thu hẹp. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trung bình CTRSH chiếm khoảng 60% tỷ trọng trong các loại chất thải: CTR công nghiệp chiếm 10%, chất thải xây dựng chiếm 20 - 25%, chất thải nông nghiệp và nông thôn chiếm 5 - 8%.

Tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 5.515 tấn/ngày, trong đó CTRSH đô thị của 12 quận và thị xã Sơn Tây là 3.388 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 98%; CTRSH tại 17 huyện ngoại thành là 2.127 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 89%. CTRSH phát sinh chủ yếu từ các hộ gia đình, khu tập thể, chợ, trung tâm thương mại, văn phòng, cơ sở nghiên cứu, trường học...

Hệ thống xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại Khu liên hợp Xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Mặc dù, công tác thu gom, vận chuyển CTRSH tại các quận, huyện đang dần đi vào nề nếp, nhưng do lượng CTR đô thị ngày càng tăng, trang thiết bị, năng lực thu gom hạn chế, dẫn đến nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc hầu hết bãi rác của TP đều sử dụng biện pháp chôn lấp và có tới 85 - 90% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (không khí, nước, đất), nhiều bãi rác trong tình trạng quá tải. Với nỗ lực khắc phục tình trạng này, các sở, ban, ngành của thành phố đã và đang rất quan tâm tới vấn đề xử lý CTRSH, qua đó đưa nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các hoạt động tái chế và tận dụng rác thải như một loại tài nguyên. Dự án xây dựng hệ thống nhiệt điện đốt rác Nam Sơn cũng đã được phê duyệt và tiến hành trong bối cảnh này.

Theo ông Nguyễn Xuân Huynh – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), hệ thống nhiệt điện đốt rác Nam Sơn được trang bị công nghệ đốt chất thải tiên tiến từ Nhật Bản với tổng số vốn đầu tư lên đến 29,2 triệu USD, có khả năng xử lý triệt để các loại chất thải rắn như cao su, da, nhựa, vải, bã giấy, rác thải y tế, rác thải sinh hoạt đã phân hủy và cả những loại chất thải công nghiệp đòi hỏi nhiệt trị cao và kích thước lớn. Năng lượng từ quá trình đốt rác sẽ được thu hồi để sản xuất điện, nhờ đó, góp phần phát triển năng lượng thay thế và giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ nguồn nhiên liệu hóa thạch và giảm ô nhiễm môi trường.

Dự án hệ thống xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội, khi được hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết bài toán năng lượng, giảm đáng kể diện tích đất sử dụng cho mục đích chôn lấp rác và mở ra thêm một hướng đi mới giải quyết triệt để bài toán xử lý rác thải cũng như tận dụng tài nguyên rác cho thành phố Hà Nội, vì mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.

“Dự án đi vào hoạt động sẽ tạo ra mặt bằng mới cao hơn trong việc chấp hành các quy chuẩn về bảo vệ môi trường, tái sử dụng rác thải như một nguồn tài nguyên năng lượng điện, có tính định hướng dẫn đầu cho việc quản lý các cơ sở xử lý chất thải khác tại Việt Nam phải đầu tư nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn phát thải. Đúng định hướng chiến lược phát triển bền vững của Đảng và Chính phủ hiện nay”- ông Nguyễn Xuân Huynh – Phó Tổng giám đốc URENCO cho biết thêm.

Đánh giá cao các nỗ lực của các bên trong việc đưa vào vận hành hệ thống xử lý rác thải phát điện, đặc biệt đây cũng là hệ thống xử lý chất thải đầu tiên trong cả nước sản xuất, phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia, ông Nguyễn Doãn Toản – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng lưu ý các bên liên quan cần tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn chủ đầu tư trong thời gian vận hành thử trước khi bàn giao phải đảm bảo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phân luồng chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại đưa về xử lý. “Đảm bảo không phát sinh ô nhiễm, vừa phát huy được hiệu quả của công trình” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Được biết, đến tháng 10/2017, tức là sau 6 tháng vận hành thử nghiệm, hệ thống xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn sẽ được bàn giao vận hành chính thức. Tin tưởng rằng, khi được hoàn thành và đưa vào hoạt động dự án sẽ góp phần giải quyết bài toán năng lượng, giảm đáng kể diện tích đất sử dụng cho mục đích chôn lấp rác và mở ra thêm một hướng đi mới giải quyết triệt để bài toán xử lý rác thải cũng như tận dụng tài nguyên rác cho thành phố Hà Nội, vì mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/su-menh-dac-biet-vi-moi-truong-52230.html