Sự khó tính cần thiết

Trong cuộc sống, sự khó tính của ai đó nhiều khi gây mệt mỏi, phiền hà cho những người liên quan. Người ta thích những người dễ tính, thông thoáng hơn. Và những người khó tính thường ít bạn bè. Nhưng trong nghệ thuật - công việc có đặc thù riêng - thì sự khó tính của chủ thể sáng tạo lại luôn rất cần thiết bởi sẽ tạo nên sản phẩm chất lượng với lao động hết mình của người nghệ sĩ.

Nhiều tấm gương trong lĩnh vực đang bàn rất đáng nêu bài học cho những lớp đi sau học tập, tiếp bước. Trong giới nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn đều có nhiều người tiêu biểu.

Nhạc sĩ Hoàng Vân (ảnh trên) và nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - hai nhạc sĩ lớn luôn khó tính với tác phẩm của mình.

Hai nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và Hoàng Vân sáng tác một ca khúc chỉ trong khoảng vài giờ, có khi một giờ. Những bài thành công, nổi tiếng của các ông luôn được viết một mạch khá dễ dàng. Nhưng tu sửa, hoàn chỉnh thì mất nhiều công sức, có khi cả tháng vẫn chưa ưng ý. Cả hai vị luôn đắn đo, cân nhắc từng chi tiết nhỏ ví như sử dụng hai nốt móc đơn liền nhau hay móc đơn có chấm dôi và móc kép. Chỗ nào hát mạnh, nhẹ (cường độ) đều ghi rất rõ trong bản nhạc.

Các ông nằm trong số ít những nhạc sĩ viết rất tỉ mỉ những nốt nhạc dạo đầu, gian tấu giữa các câu, đoạn nhạc và vĩ thanh mà thường nhiều tác giả bỏ qua việc này. Và yêu cầu người đệm đàn phải tuân thủ. Đánh khác đi, họ rất bực mình, sẵn sàng rút tác phẩm về. Hoàng Vân đồng thời là người sáng tác khí nhạc (nhạc không lời) giỏi nên phối khí hay. Phần lớn ca khúc của mình, ông đều tự phối khí và chỉ huy dàn nhạc đệm khi còn làm việc ở Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Riêng hai nhạc sĩ này, khi thu thanh tác phẩm, giới ca sĩ vừa thích các ông có mặt, lại vừa ngại. Thích vì các ông giúp họ nâng cao khả năng xử lý tác phẩm, tinh tế hơn khi biểu hiện, nhưng cũng ngại do các ông không dễ vừa ý nên cứ yêu cầu thu đi thu lại khiến họ vất vả.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là một trường hợp khá độc đáo về sự khó tính trong lao động nghệ thuật. Bài “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” (sáng tác năm 1959) ra đời sau một thời gian ngắn đã trở nên rất nổi tiếng, không người yêu âm nhạc nào lại không biết và thuộc. Vậy mà một lần, trước khi qua đời chỉ vài năm, ông bỗng phát hiện thấy mình thật ngớ ngẩn khi xử lý một chi tiết và đến Đài yêu cầu thu thanh lại, sẵn sàng chịu mọi phí tổn về việc này. Đó là câu ở cuối bài: “...Suối reo dưới chân Người qua, đất rung tiếng ca nở hoa tháng Tám...”.

Tiếng “Tám” ông để ngân 2,5 phách, mấy chục năm bao người vẫn hát như thế. Vậy mà ông lại muốn sửa lại chỉ để ngân 1,5 phách rồi bắt sang tiếng “Khuổi Nậm”, tức rút ngắn bớt trường độ. Quả là sửa lại như vậy sẽ hay hơn do mạch giai điệu không bị dề dà, ngưng đọng vì cả bài đã có nhiều chỗ ngân dài. Khi đề nghị thu lại, ai cũng nói: “Thôi anh ơi, bài đó quá tuyệt vời, nổi tiếng rồi. Ai cũng chấp nhận như vậy. Khỏi cần thu lại, rắc rối lắm”. Thế là Nguyễn Tài Tuệ đành chịu nhưng trong lòng vẫn thấy chưa ưng ý.

Khi tôi được một nhà xuất bản nhờ tuyển chọn những bài hát hay nhất về sông nước để ấn hành đã tìm Nguyễn Tài Tuệ để xin bài “Xôn xao bến nước”. Nhưng ông từ chối và nói: “Bài ấy của mình rất bình thường, không bằng nhiều bài của các tác giả khác”. Tôi nói: “Đó là vì anh tự khó tính với bản thân chứ công chúng rất thích bài này”. Thấy tôi tha thiết muốn in, ông nể, nói sẽ sửa lại đôi chỗ cho hiệu quả hơn. Nhưng rồi ông chủ động nói lời xin lỗi vì không sửa được hay hơn nên đề nghị tôi vui lòng để ông được từ chối. Tuy thất vọng nhưng tôi vô cùng nể trọng sự khó tính của ông. Trong khi đó, nhiều tác giả chủ động gửi cho tôi những bài kém chất lượng, viết dễ dãi nhưng cứ tha thiết muốn được in.

Khi bài hát đã nổi tiếng, lan tỏa rộng khắp mà tác giả vẫn muốn tiếp tục sửa còn có nhiều trường hợp khác. Bài “Quê em” của Nguyễn Đức Toàn có câu “Bao là gươm, bao là súng, đầu lưỡi lê đi chiếm lại làng quê ta”. Có lần ông nói với tôi: “Không hiểu sao lúc ấy mình lại viết rất lẩm cẩm như vậy. “Đầu lưỡi lê đi” rất vớ vẩn. Phải là “giương lưỡi lê đi chiếm lại...”. Mình đề nghị Đài thu âm lại, nhưng họ nói bài nổi tiếng từ lâu lắm rồi. Công chúng cũng chẳng để ý, mặc nhiên đã chấp nhận. Thế là đành chịu”.

Cũng như vậy, khi bài “Tiếng hò trên đất Nghệ An” của Tân Huyền đã trở nên quen thuộc, tác giả đến Đài phát thanh đề nghị thu lại câu “Nghệ An Xô viết vẫn là Nghệ An” sau sửa là “Quê ta nay vẫn xứng truyền thống Nghệ An”. Nhưng cũng không được đáp ứng vì lý do người nghe đã nghe quen, đã chấp nhận. Khi chưa qua đời, Tân Huyền nói với tôi là ông rất phiền lòng khi thấy nhiều người phê bình câu trên trong khi chính ông đã tự phát hiện, muốn sửa mà không được.

Cố NSND Trần Thị Tuyết mỗi khi tiếp nhận thơ từ người biên tập để chuẩn bị thu thanh thường dành nhiều thời gian để nghiên cứu trước. Cố nhà thơ Trần Mạnh Thường - người phụ trách chương trình Tiếng thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam có lần nói với tôi: “Khi nào cần có băng nhanh để phát sóng thì không thể đưa bài cho chị Tuyết. Chị ấy kỹ tính, quá cẩn thận nên không thể thu thanh ngay”. Tôi có nhiều lần chứng kiến sau khi thu thanh, tất cả mọi người từ biên tập viên đến công nhân thu thanh, có khi cả tác giả đều thấy ổn, nhưng Trần Thị Tuyết cho là chưa được, vẫn đề nghị thu lại.

Tôi nhớ mãi kỷ niệm lần được Đài Tiếng nói Việt Nam trao việc cùng với chị thu thanh trường ca “Sóng Côn Đảo” của nhà thơ Anh Ngọc để chuẩn bị phát sóng trong một chương trình kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Chúng tôi thống nhất cứ đoạn thơ nào ở thể lục bát thì chị ngâm theo lối truyền thống. Còn những đoạn thể tự do thì tôi đọc trên nền nhạc hiện đại (mélodrame). Trường ca này phát sóng hết đúng 30 phút tức trọn một chương trình. Nhạc đệm là cả một dàn nhạc gần như dàn giao hưởng.

Sau khi thu xong lần đầu, bao giờ cũng nghe lại và thường thì thu đến lần thứ 3 là cùng, sẽ được. Ai cũng thấy đã quá tốt, rất hiệu quả. Vậy mà riêng Trần Thị Tuyết cứ nói chỗ này chưa được, chỗ kia chưa hay và yêu cầu thu lại. Khi ấy kỹ thuật thu thanh chưa như bây giờ, sai một tiếng phải thu lại cả giọng ngâm (hoặc đọc) lẫn nhạc đệm khiến các nhạc công không đồng tình.

Chị Tuyết nói: “Nhạc đệm thì ổn nhưng giọng thì chưa tốt nên phải thu lại. Tôi sẽ chi tiền túi để các bạn bồi dưỡng vì vất vả hơn”. Chị nói là làm. Tuy nhiên, các nhạc công đã nể chị mà đáp ứng nhưng không nhận tiền của chị. Chị khó tính trong công việc như thế. Ai cũng quý, nể nhưng bị “mệt” lây khi cùng làm việc với chị.

Sinh thời, Xuân Diệu là một trong những nhà thơ lớn rất khó tính trong việc lựa chọn chữ nghĩa. Một lần, khi tôi đang học lớp 10 phổ thông được nghe ông nói chuyện tại một trường đại học. Ông kể lại việc tu chỉnh bài thơ “Mưa” của mình. Câu thơ thứ 2 của bài là “Thì thào lá nói trong mành nước se”, ông cứ lưỡng lự mãi giữa “thì thào” và “thì thầm”. Ông nói “thì thầm” thì chỉ đơn thuần là nói nhỏ cho nhau nghe, không muốn ai nghe được. Còn “thì thào” thì vừa có ý đó, lại vừa như có âm thanh nhẹ nhàng như tiếng gió thoảng, tức là tiếng tượng thanh, sẽ hay hơn. Đắn đo rất lâu, cuối cùng ông chọn “thì thào”.

Lại nữa: Hai câu cuối cùng: “Thôi em, nghỉ việc khuya rồi. Chăn đêm em đắp cùng trời với anh”. Lúc đầu ông viết: “Cùng nhau ta đắp giữa trời chăn đêm”. Tôi nhớ sau khi ông nói việc sửa lại như trên, có một sinh viên nhanh nhẩu hỏi: “Thưa nhà thơ. Em thấy hai câu không khác gì nhau. Sao nhà thơ lại phải sửa?” Xuân Diệu trả lời: “Vậy là bạn chưa đọc kỹ cả hai câu trước và sau khi đã sửa. Câu chưa sửa chỉ là anh và em đều đang đắp chăn (là màn đêm) giữa trời. Quá bình thường, chỉ là một thông tin tuy nói tấm chăn vô hạn về kích thước (vì là màn đêm). Còn câu đã sửa có nghĩa anh và em ta đắp chiếc chăn đó. Đắp “với anh” tức là hai người trong một chăn. Còn câu trước khi sửa không có nghĩa này. Đằng nào hay hơn, tình yêu mãnh liệt hơn?”. Tôi nhớ là Xuân Diệu nói xong câu ấy thì cả hội trường vỗ tay rào rào hồi lâu, tỏ ý tâm đắc, thích thú lắm.

Còn có thể dẫn ra rất nhiều trường hợp người nghệ sĩ khó tính để tạo nên sản phẩm nghệ thuật. Chỉ như vậy mới mong đem đến cho công chúng những hiệu quả tối đa.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/su-kho-tinh-can-thiet-i719283/