Sự học bừng lên nơi 'rốn lũ'

Những ngày đầu tháng 11, khi đồng bào cả nước cùng hướng về 'khúc ruột' miền Trung với tinh thần 'lá lành đùm lá rách' để khắc phục những hậu quả nặng nề của đợt lũ lụt lịch sử vừa qua, chúng tôi đã có dịp đến với huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình-nơi vừa gánh chịu đợt lũ chồng lũ lịch sử, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Tiếng trống của Trường THCS An Ninh vang lên, các học sinh như bầy chim non ùa ra sân. Nhóm thì tung tăng đá cầu, đám thì nô đùa cùng bạn bè. Cũng dễ hiểu cho tâm lý con trẻ, những ngày tháng phải ở nhà chống lũ không được đến trường khiến các em nhớ trường, nhớ bạn. Trường THCS An Ninh là một trong những đơn vị giáo dục của huyện Quảng Ninh chịu ảnh hưởng lớn nhất trong đợt bão lũ vừa qua. Chỉ trong 20 ngày, nhà trường phải hứng chịu hai trận lũ. Công tác phòng, chống lũ được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng tất cả không kịp trở tay vì lũ tràn về quá nhanh. Nước dâng cao 2,5m, toàn bộ thiết bị dạy học ở tầng 1 bị lũ cuốn trôi. Trường có hơn 500 học sinh thì 80% trong số đó gia đình chịu ảnh hưởng nặng bởi lũ. Ngay sau khi nước rút, giáo viên nhà trường đã cùng cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Quảng Ninh và các phụ huynh học sinh tích cực dọn dẹp, tẩy rửa trường lớp. Và chỉ sau hai ngày khắc phục, toàn bộ học sinh nhà trường đã được đi học trở lại. Thầy Từ Công Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS An Ninh cho biết, chương trình dạy học của nhà trường hiện đã bị chậm hai tuần theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài việc sớm ổn định trở lại công tác dạy và học, nhà trường sẽ sớm lên kế hoạch dạy bù để giúp học sinh hoàn thành đúng tiến độ chương trình.

 Tiết học môn Lịch sử của học sinh lớp 7.3, Trường THCS An Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).

Tiết học môn Lịch sử của học sinh lớp 7.3, Trường THCS An Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).

Người Quảng Bình gian khó nhiều đời, nhưng ở họ luôn toát lên sự kiên cường và tinh thần lạc quan. Trò chuyện với học sinh Nguyễn Thúy Ngọc, lớp 8.3, Trường THCS An Ninh, chúng tôi càng thấu hiểu điều đó. Trong đợt lũ lụt vừa qua, toàn bộ tài sản bao gồm đồ đạc, thực phẩm, vật nuôi của gia đình em đều bị cuốn trôi. Nhiều ngày liền, Thúy Ngọc cùng người thân phải sử dụng hàng cứu trợ để sống qua ngày. Khi thì mì ăn liền, lúc là cháo trắng, thi thoảng có vài miếng thịt. Nhưng điều đó không thể làm cho em cùng gia đình nản chí. Khi tôi hỏi "Ước muốn hiện tại của em là gì?". Thúy Ngọc nói: “Em mong muốn mình học thật giỏi để xứng đáng với niềm tin của bố mẹ”.

Cũng trong đợt lũ lụt vừa qua, Trường Tiểu học Hiền Ninh chịu thiệt hại rất nặng nề. Phòng thiết bị gồm máy vi tính, máy chiếu của trường được đặt ở tầng 1 giờ đã bị hư hại không thể sửa chữa. Bức tường bao xung quanh trường nhiều đoạn bị đổ sập. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Ninh và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, hiện tại cơ bản Trường Tiểu học Hiền Ninh đã hoạt động trở lại. Điều mà cô Hoàng Thị Duyệt, Hiệu trưởng nhà trường lo lắng nhất lúc này là thiết bị dạy học còn thiếu, cuộc sống sinh hoạt của học sinh và gia đình học sinh sau lũ gặp nhiều khó khăn. Mới đây, học sinh nhà trường đã được tặng đồng phục áo ấm, học sinh nghèo vượt khó được tặng học bổng. Thiết bị dạy học của nhà trường đang từng bước được khắc phục, em nào thiếu sách giáo khoa được tạm giải quyết bằng việc dùng chung với bạn.

Đến Trường Mầm non Gia Ninh, chúng tôi thật sự khâm phục tinh thần vượt khó của giáo viên Phạm Thị Thoa. Chồng đi làm xa, mẹ thì mới mất vì tai nạn giao thông, một mình cô Thoa phải gồng mình nuôi con nhỏ và chăm sóc bố đẻ bị ung thư. Mặc dù hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nhưng nhiều năm liền cô Thoa là giáo viên dạy giỏi. Trong đợt lũ lụt vừa qua, cô Thoa cùng giáo viên nhà trường đã tích cực chạy đua với lũ, giữ lại được một số tài sản của trường. Sau khi nước rút, cô Thoa lại cùng với nhà trường, phụ huynh và cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Quảng Ninh khẩn trương khắc phục hậu quả để học sinh sớm trở lại trường.

Cũng tại Trường Mầm non Gia Ninh, chúng tôi gặp một đoàn cứu trợ từ Hà Nội vào (gồm những giáo viên, người công tác trong lĩnh vực giáo dục tại Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội), Hệ thống giáo dục Học Mãi và Câu lạc bộ Nhà báo giáo dục 4.0). Đón nhận những tấm chăn, các khoản tiền hỗ trợ từ đoàn, cô Nguyễn Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Gia Ninh xúc động: “Học sinh và giáo viên của nhà trường rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, sau lũ lại càng khó khăn hơn. Có gia đình hầu như mất trắng, không còn gì. Do vậy, sự hỗ trợ nào cũng đều có giá trị, quý giá cả về vật chất và tinh thần”.

Huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình có 49 đơn vị giáo dục thì có tới 45 đơn vị bị ảnh hưởng nặng bởi những đợt bão lũ vừa qua. Nhiều trường mất hết các thiết bị dạy học, nhiều gia đình học sinh không còn tài sản. Dẫu vậy, chỉ sau một thời gian ngắn khắc phục hậu quả, 100% học sinh trên địa bàn huyện đã trở lại trường học. Ông Lê Quang Thùy, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Ninh cho biết: “Trong lúc lũ đang dâng cao, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Ban CHQS huyện nắm tình hình. Ngay khi nước rút, ngành chỉ đạo khẩn trương tập trung công tác vệ sinh. Đơn vị bị ảnh hưởng ít sẽ hỗ trợ để khắc phục cho đơn vị bị nặng hơn. Khó khăn về sách vở, đồ dùng học tập cơ bản đã được giải quyết. Thời gian qua, được sự quan tâm của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình, các tổ chức thiện nguyện đã kêu gọi gây quỹ được hơn 2 tỷ đồng nhằm hỗ trợ công tác dạy và học trên toàn huyện. Chúng tôi tin rằng ngành giáo dục huyện Quảng Ninh sẽ sớm vượt qua khó khăn; cùng với nỗ lực của các thầy cô giáo, tinh thần học tập của học sinh sẽ được củng cố, nâng cao”.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/su-hoc-bung-len-noi-ron-lu-643452