Sự 'giàu có' của kẻ lạc thời

Có vẻ quá dễ đoán khi ta nói rằng tiền bạc không làm nên hạnh phúc. Vì điều đó nhiều người nói rồi. Lại cũng có vẻ sáo rỗng khi nói rằng, người theo đuổi giấc mộng giàu có của cải chưa chắc đã sang, bởi có người sẽ hỏi lại rằng, nhưng ít ra thì giàu cũng là một điều kiện để có thể 'học làm sang'… Nhưng có hoàn toàn như vậy?

Ông Hirayama – do tài tử Koji Yakusho thủ vai – trong bộ phim Những ngày hoàn hảo – Perfect Days.

Nhân vật của chúng ta sống độc thân trong một căn hộ ở một khu dân cư vùng ven Tokyo, cảnh sống khá lặng lẽ nếu không muốn nói là buồn tẻ. Ông ta làm một cái nghề còn buồn tẻ và dễ bị coi là tầm thường hơn; cái nghề bị xếp vào “nấc cuối” trong thang bậc nghề nghiệp đô thị: công nhân dọn nhà vệ sinh công cộng.

Một con người (theo cách nghĩ thông thường) thì sẽ có một cuộc đời chìm khuất, vô nhân dạng trong một siêu đô thị hiện đại, nơi xe cộ đường sá chằng chịt, tầng tầng lớp lớp, nhà cao tầng, trung tâm thương mại hào nhoáng và các đặc quyền hưởng thụ dịch vụ, hàng hóa xa xỉ chỉ thuộc về lớp trung lưu, thượng lưu.

Cuộc hiện sinh tràn đầy

Nhưng bộ phim này đang nói về một người lao công vừa bình dân vừa lạc thời như thế. Như cố tình trả lời cho câu hỏi vài lần thoáng qua trong đầu ta, rằng những người bình dân như thế, họ có đời sống tinh thần hay không, cái gọi là đời sống tinh thần ấy là thế nào?

Rốt cuộc thì giai tầng xã hội qua hệ quy chiếu bằng nghề nghiệp, thu nhập và tích lũy của cải có đủ để luận giá về giá trị và hạnh phúc của con người?

Người đàn ông sống độc thân làm nghề cọ rửa nhà vệ sinh được nhắc đến ở trên, không có gì ngoài cái tên để gọi: ông Hirayama (Koji Yakusho thủ vai). Xuất thân, lai lịch, quá khứ, các biến cố kịch tính hay lắt léo của cuộc đời ông, đạo diễn Wim Wenders hoàn toàn giấu kín. Ta cũng không thể hiểu cơ duyên nào người đàn ông này lại chọn cái nghề ấy và sống vui với nó.

Ông ta có câu chuyện gì hấp dẫn về đời tư không? – Bộ phim không đưa ra một manh mối nào.

Nhưng không phải vì thế mà nhân vật không có bề sâu. Ngược lại là đằng khác. Bề sâu của nhân vật là một bề sâu của chính cuộc hiện sinh của một con người làm chủ đời sống, làm chủ nhịp điệu sống trong một thế giới ồ ạt và chao đảo vì lỗi nhịp.

Những dấu chỉ của đời phong lưu

Dấu vết phong lưu của con người này nằm ngay trong cái việc mà với mọi người là nhàm chán: dậy sớm, cạo râu, vệ sinh cá nhân rồi lái xe đến các điểm nhà vệ sinh công cộng, lau chùi, cọ rửa sạch sẽ từ bồn cầu đến lavabo, vui vẻ đứng chờ các ông các bà vội vàng vào toilet vệ sinh hay nôn mửa sau những trận say. Khi đứng chờ, ông mơ màng nhìn bóng nắng xuyên qua tán lá. Ông làm phận sự đó chỉn chu, theo lề lối trách nhiệm, và vượt qua lề lối trách nhiệm, là một sự trau chuốt không dễ có ở con người thời công nghiệp hiện đại.

Tính chất nhịp điệu trong lao động đó, ta nhận ra khi trên đường di chuyển, ông ta thưởng thức âm nhạc từ những chiếc băng cassette cũ. Âm nhạc của The Animals, Lou Reed, Van Morrison… vang lên trên những chặng đường ngắn của mỗi ngày mới, làm rộn ràng tinh thần của bác lao công. Một lai lịch tinh thần nào đó của nhân vật đã hiện ra vừa rõ ràng vừa không dễ nắm bắt, khác lai lịch danh phận giản lược mà cuộc đời với phân tầng xã hội đã nhìn thấy.

Điều đó khiến người xem luôn tự hỏi, vậy thì rốt cuộc ông ta là ai?

Hãy xem, một nhân viên lau dọn nhà vệ sinh, mà cái cung cách làm việc, sự nhiệt thành thể hiện cả trong việc xếp nếp rút của cuộn giấy vệ sinh thật chu đáo, sự chỉn chu thể hiện trong việc đánh bóng từng li, soi gương kiểm tra các bờ khuất của từng chiếc bồn cầu… cho thấy, đó là một thứ lao động có tính “nghệ nhân”, không phải thứ việc (được làm bởi con người) tầm thường. Một niềm vui, nói theo cách các triết gia, con người lao động không chỉ để kiếm sống mà còn để thỏa mãn niềm vui làm việc.

Và hãy xem, ngoài giờ làm, ông ta thay bộ đồ nhân công, là một “hóa thân” khác. Đây mới là lúc con người “giàu có” hiện ra rõ ràng. Ông ta đạp xe đến quán rượu để theo đuổi một cảm xúc đẹp dành cho bà chủ tửu quán trong nhiều năm. Ông ta đến tiệm băng đĩa để chọn nhạc theo kiểu của một nhà sưu tập sành nhạc; đến tiệm sách cũ để chọn một cuốn sách hay. Đêm, trong căn phòng, dưới ánh sáng vàng của cái chụp đèn đơn giản, ông Hirayama nằm trên chiếc chiếu tatami, bên những giá sách và lật từng trang sách một cách tự tại trước khi đi vào giấc ngủ.

Căn phòng của ông là nơi đứa con gái của người tình cũ tìm đến tá túc, nghe nhạc, đọc sách để cân bằng khi nó bất đồng với mẹ. Chiếc xe của ông là nơi một cô gái trẻ có thể nghe lại những bản nhạc từ băng cassette một cách chậm rãi… và không cưỡng được niềm vui giao cảm, tặng ông một nụ hôn bất ngờ. Ông nghe bọn trẻ nói đến Spotify, nhưng lại ngơ ngác hỏi: “Cái tiệm ấy nằm ở đâu?”…

Phải, cách ông nghe nhạc, sống theo nhịp độ ấy – đã tưởng chừng lùi ra khỏi thế giới này một vài chục năm. Cái cười ẩn giấu từ bộ phim nằm ở đây. Con người bình dị, nhiệt thành, tri túc và biết tận hưởng thời gian của ngày hôm qua lại trở thành con người mà cái phồn vinh không thể bù đắp được ở thời đại này.

Tâm trạng tốt lành

Một ngày mới sẽ bắt đầu, ông cạo râu, thay bộ đồ công nhân rồi đến những điểm nhà vệ sinh công cộng. Cứ như thế. Bộ phim khép lại nhưng ngày đời của Hirayama không khép lại. Hirayama vừa lái xe, vừa có thể bật cười hân hoan khi nghe giai điệu và ca từ lạc quan trong bản jazz Feeling Good của Nina Simone (phiên bản 1965). Và trong niềm hân hoan sống trọn cho từng khoảnh khắc cuộc đời đó, khóe mắt người đàn ông trầm tĩnh bỗng rơi đôi dòng lệ.

Những giọt lệ Hirayama trước một thế giới trượt dài theo phồn vinh vật chất và gánh chịu vô vàn tổn thương. “Những ngày hoàn hảo” phải chăng đã quá xa rồi?

Một bộ phim về một kẻ sống không hợp thời, nhưng lại không thể nào đúng lúc hơn. Lối diễn xuất từng trải và tự tại của tài tử Koji Yakusho trong bộ phim này đã mang lại cho ông giải Nam chính xuất sắc nhất Liên hoan phim Cannes 2023.

Nguyễn An Nam

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/su-giau-co-cua-ke-lac-thoi/